11:00 CH @ Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Thâm nhập Thiên Ngọc Minh Uy - Bài 2: Tín dụng đen núp 'động' đa cấp

Đây là loạt bài phóng sự điều tra của Hoàng Sang, Trường Phúc, Kiên Trung (Báo điện tử VietnamNet) về các chiêu trò, thủ đoạn của công ty lừa đảo Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) trong việc lừa người dân tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của công ty này.




Loạt phóng sự điều tra của Báo điện tử VietnamNet:



Bài 2: Tín dụng đen núp 'động' đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy


Suýt mất nhà và bị tín đụng đen bủa vây, nhưng nạn nhân của Thiên Ngọc Minh Uy vẫn mê muội trong trận đồ bát quái mà công ty đa cấp này vẽ ra.

Dụ nạn nhân cắm nhà để chơi đa cấp

Con mồi của ổ đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) ở trường hợp này là một cụ già, tuổi gần 80. Cụ tên Đặng Văn Ân (SN 1938, trú tại 123 Linh Quang, phường Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội). Từ tháng 4/2015 đến tháng 11/2015, ông Ân tham gia mua 165 mã hàng tại TNMU với "giá" hơn 1,8 tỉ đồng.

"Các mã hàng của tôi gồm 140 mã dưỡng sinh có giá 11,8 triệu/mã và 25 mã máy ozon. Tôi tham gia vào TNMU là do 1 người đồng đội cũ giới thiệu và được tư vấn là sẽ thu về 25 triệu/mã", ông Ân nói trong lần đầu tiếp xúc phóng viên.

"Có 3 lần tôi được nhận tiền tri ân, tổng cộng là 358 triệu đồng. "Qui luật" trả tiền hoa hồng của họ là cứ sau mỗi lần tôi đóng vào đó một khoản tiền lớn, tới giữa tháng tôi sẽ nhận được tiền hoa hồng", vẫn lời ông Ân.

Ông Ân kể, Tết vừa rồi, gặp 2 người tên Nguyễn Trí Thực (chủ cơ sở đa cấp TNMU tên Hoàng Phúc tại số 4, lô 6, Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội) và một người tên Tuần, cũng là người tham gia kinh doanh đa cấp tại TNMU.

“Hai anh này thuyết phục rằng tôi chỉ bỏ ra 685 triệu mua 54 mã dưỡng sinh nữa là sẽ lên cấp trưởng phòng, được hưởng chế độ cao hơn rất nhiều, sau vài tháng sẽ thu lại vốn gốc, khoảng 1 năm thì có vài tỉ.

Lúc này, tôi nói với Thực và Tuần rằng tôi đã cạn tiền, chỉ còn tài sản đáng giá duy nhất là mảnh đất hơn 100m2 và ngôi nhà trên đất nằm ở sau Ga Hà Nội. Vì tôi đã già nên muốn vay tiền bằng việc cắm sổ đỏ vào ngân hàng thì phải có các con tôi bảo lãnh. Thực và Tuần mới nói bọn họ rất thân với ngân hàng, có thể vay mà không cần các con tôi ký. Các anh ấy dặn đặc biệt là không để các con tôi biết, dễ hỏng việc” - ông Ân kể lại.

“Cướp” nhà

Theo như lời ông Ân, một ngày giữa tháng 2/2016, Thực và Tuần đến nhà đón ông đi vay ngân hàng. Nhưng thay vì đến ngân hàng, cả 2 dẫn ông ra một văn phòng công chứng ở quận Hai Bà Trưng.

Tại đây, họ đưa cho ông một mớ giấy tờ và nói ký, điểm chỉ vào đó.


Ngôi nhà của ông Ân bị sang tên sổ đỏ


“Bình thường, mắt tôi đã kém, muốn đọc chữ phải dùng kính lúp và cũng do tin tưởng nên họ bảo tôi ký đâu thì tôi ký đó. Sau đó, Tuần nói là tôi đã được sở hữu thêm 54 mã sản phẩm, được lên chức trưởng phòng” - ông Ân nhớ lại.

Chưa hết ngỡ ngàng, anh Đặng Quang Thắng, con trai ông Ân kể lại: “Ngày 7/3, một người đàn ông đến nhà bố tôi và đòi xem đất, nhà để thẩm định mua bán gì đó. Họ xuất trình giấy tờ công chứng sang tên đổi chủ của mảnh đất thì chúng tôi thấy chủ mảnh đất là vợ chồng ông Lê Quang Việt và bà Trần Thị Thu Hà, có địa chỉ thường trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội. Lúc này, cả gia đình tôi choáng váng, hoảng loạn".

Hành trình đòi lại nhà sau đó của gia đình ông Đặng Văn Ân vô cùng căng thẳng và vất vả. Những nhân viên trong TNMU là Thực và Tuần đã dẫn ông Ân ra phòng công chứng để ông Ân ký thủ tục sang tên mảnh đất của ông cho cặp vợ chồng Việt - Hà nào đó mà ông chưa bao giờ gặp.

Anh Thắng cho biết: "Khi gặp hai vợ chồng Việt - Hà thì họ nói họ cũng không phải chủ thực sự mà là một người khác làm tín dụng, đã xuất 700 triệu ra cho bố tôi. Bằng rất nhiều sự can thiệp, gia đình tôi mới thương lượng lấy lại được sổ đỏ. Tuy nhiên, đến lúc này, cả gia đình vẫn chưa một lần biết mặt người đã xuất tiền”.

Tẩy não

Đối chất tại hội sở chính của TNMU về việc này, hai nhân sự Thực và Tuần thừa nhận đã làm các việc sau: Dụ ông Ân mua thêm 54 mã nữa để lên chức trưởng phòng; Nói với ông Ân việc có thể giúp vay tiền từ ngân hàng thông qua cắm sổ đỏ; Đưa ông Ân đi ra văn phòng công chứng để làm thủ tục; Không biết các đối tượng cho ông Ân vay 700 triệu là ai, làm gì; Được hưởng lợi từ việc ông Ân tham gia 54 mã hàng.

Quá bức xúc, trong lúc đối chất, ông Ân nhiều lần đòi nhảy vào đánh Thực và Tuần.


Tuần và Thực (từ trái sang)

"Bọn lừa đảo" cũng là câu mà ông Ân hay dùng khi nói về những người của công ty TNMU. Thậm chí, ông Ân còn đòi chất vấn lãnh đạo Bộ Công thương, tại sao lại để đa cấp hoành hành. Ông Ân cũng mong làm ra ngô, ra khoai việc của ông để không có thêm những người khác bị lừa.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, ông Ân có được số điện thoại của một nhân sự thuộc TNMU tên Dung, là người được cử ra để giải quyết các đơn khiếu nại của ông Ân thì đột nhiên ông dần thay đổi quan điểm. Ông hạn chế tiếp xúc với phóng viên dù trước đó luôn mong phóng viên là người đồng hành. Và trên thực tế, phóng viên cũng là người đồng hành với ông trong hành trình lấy lại 1,2/1,8 tỷ mà ông đã mê muội tham gia vào đa cấp.

Trong lá đơn gửi tới TNMU, ông Ân có trình bày không đồng tình với việc chỉ nhận lại số tiền trên mà phải lấy lại ít nhất được 90% số tiền mà ông đã đóng góp vào theo đúng qui định về việc trả lại hàng và huỷ hợp đồng bán hàng đa cấp tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý bán hàng đa cấp.

Tuy nhiên, tại cuộc gặp với đại diện TNMU để giải quyết đơn khiếu nại trên vào ngày 2/4, ông Ân lại đồng ý với đề nghị làm việc riêng, người con đi cùng ông bị buộc phải ngồi ngoài.

Cuộc đàm phán kết thúc, ông Ân ký nhận giấy huỷ hợp đồng và tự nguyện nhận về 100 triệu.

"Về đến nhà, bố tôi cũng đối mặt và cãi nhau với cả gia đình để bảo vệ TNMU. Ông vẫn nói rằng TNMU rất tốt. Có lẽ họ đã lại "tẩy não ông lần nữa rồi”, anh Đặng Quang Thắng ngậm ngùi.
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi