Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo chí. Hiển thị tất cả bài đăng
Tự do kiểu Trung Quốc
Mấy năm trước, một tay kỳ cựu trong giới công nghệ nói với tôi: Có lẽ thế hệ sau 90, 95 sẽ không còn biết Google là cái gì. Khi ấy tôi nghĩ đây là chuyện hài hước nhất trên đời. Google, công cụ tìm kiếm hữu ích và mạnh mẽ nhất trên Internet, thế hệ người Trung Quốc mới, những người sống không thể thiếu Internet, làm sao có thể không biết đến Google?
Nhưng đến hôm nay, tôi buộc phải nín cười. Bởi vì cái điều tôi tin rằng không bao giờ có thể xảy ra ấy, dần trở thành sự thật.
Không còn ai ở Trung Quốc quan tâm đến cái gọi là công cụ tìm kiếm Google nữa, người ta bằng lòng với cái gọi là baidu.com, dù sao thì họ cũng chưa được dùng Google bao giờ. Không có nó cũng chẳng chết ai. Mọi người vẫn vui vẻ lướt Weibo, Wechat, nghe nhạc, xem chương trình giải trí. Đối với những người chưa bao giờ sử dụng Google, thiếu công cụ tìm kiếm này cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ.
Nhiều năm trước, ở Trung Quốc chúng ta vẫn có thể đăng nhập Facebook.Thực ra Facebook cũng nhàm chán như mạng xã hội xiaonei.com của chúng ta vậy. Nhưng ở đó, chúng ta biết được cuộc sống của người nước ngoài ra sao, có thể dễ dàng thăm hỏi bạn bè ở cách xa hàng vạn km. Có thể đọc rất nhiều trang mạng thú vị mà nếu lên Xiaonei bạn hầu như không bao giờ đọc được. Bạn viết bình luận bằng tiếng Trung, những người comment ngay dưới dòng comment của bạn có thể là một anh chàng người Đài, hoặc người HongKong lạ hoắc nào đó. Bạn viết bình luận bằng tiếng Anh, chưa biết chừng một anh chàng người Bắc Âu, tiếng Anh dở tệ nào đó sẽ nhảy vào bắt chuyện với bạn. Bạn có cảm giác thế giới rộng lớn bỗng nhiên thu nhỏ lại, thành cái làng mà bạn đang sống, bạn chưa kịp thò chân ra khỏi cửa, thì hàng xóm đã đẩy cửa bước vào nhà bạn.
Rồi, ở Trung Quốc không còn Facebook nữa. Lúc đầu, sự mất tích của mạng xã hội này khiến vô số người bất bình. Nhưng sau đó, tiếng nói bất bình phẫn nộ dần tan biến.
Nhiều năm trước, người Trung Quốc chúng ta cũng có thể đăng nhập Twitter. Thực ra Twitter cũng na ná Weibo của chúng ta, nơi mà những dòng tin tức chảy trôi không ngừng, ngồi cả ngày chưa chắc đọc được tin tức gì hay ho hữu dụng. Nhưng chí ít ngay lập tức bạn có thể có được tin tức nóng hổi mà bạn muốn biết. Bạn nhanh chóng biết được điều gì đang “hot” trên thế giới, mà không cần thao tác mấy thứ phức tạp như: copy nội dung, dịch nghĩa, forward, chia đoạn, lấy ý chính, loạn hết cả. Bạn sẽ được biết sự thật, sự thật 100%, chưa qua “gia công” tô hồng bôi đen một cách hoặc vô tình hoặc cố ý như trên Weibo.
Sau đó, Twitter không còn nữa. Đầu tiên là phiên bản chính, rồi đến các phiên bản mô phỏng, rồi mô phỏng của mô phỏng. Bây giờ chỉ còn lại cái bắt chước của cái bắt chước của cái bắt chước, chính là cái mà giờ đây, mỗi ngày bạn chỉ toàn nhìn thấy vô số quảng cáo trên đó.
Nhiều năm trước, chúng ta cũng có thể lên Youtube. Có người cho rằng Youtube là Youku quy mô lớn. Năm ấy, có người mạnh miệng tuyên bố: Không có Youtube cũng không sao, Trung Quốc sẽ nhanh chóng phát triển Youku vượt xa Youtube. Thế mà bao năm trôi qua, mạng Youku vẫn lag dữ dội như vậy, nội dung vẫn rác rưởi như vậy, bản quyền bị ăn cắp, nhạc bị đạo, video clip vẫn nghèo nàn tẻ nhạt đáng thương như vậy. Trên youtube bạn sẽ được xem những nghệ sỹ tài hoa nhất thế giới trình diễn, những clip hài hước nhất, những sáng tạo đỉnh cao, những bản nhạc lay động, những khoảnh khắc tuyệt vời. Còn trên Youku, bạn muốn xem 1 phút clip thì trước tiên phải xem nửa phút quảng cáo.
Và, đúng rồi, còn Instagram. Nhiều người cho rằng Instagram na ná QQ. Nhưng ở đó, tôi follow hơn 600 nghệ sỹ nhiếp ảnh, họ đều là những nhà nhiếp ảnh, ký giả xuất sắc nhất thế giới. Mỗi ngày chiêm ngưỡng tác phẩm của họ, mỗi ngày tôi cảm thấy hạnh phúc vô bờ. Cảm giác hạnh phúc lâng lâng của người được đi du lịch tại chỗ. Ở đó tôi kết bạn với một anh chàng người Nhật điển trai rất thích selfie, một bác người Hàn hay uống rượu, một ông cụ người Mỹ 10 năm trước từng đến Trung Quốc và nhiệt tình bấm like, viết comment trên mỗi bức ảnh chụp Tử Cấm Thành mà tôi post trên Instagram, một cô bạn người Nga xinh đẹp tuyệt trần. Tôi hầu như không trao đổi nhiều được với họ, vì những trở ngại về ngôn ngữ. Nhưng chỉ cần một vài câu chữ đơn giản, chúng tôi hiểu được thiện ý của nhau, thiện cảm dành cho nhau. Cảm giác ấy, đôi khi còn hưng phấn hơn cả niềm vui gặp mặt những người bạn lâu năm. Bởi vì đó là quá trình giao lưu hoàn toàn tự do của con người thuộc các dân tộc khác nhau trên toàn thế giới. Quá trình ấy thật sự thần kỳ, vô cùng kỳ diệu.
Nhưng giờ đây, nó không còn nữa. Nó không còn nữa bởi vì, bạn gõ một từ đặc biệt nào đó trong một thời điểm đặc biệt nào đó, bạn sẽ chỉ tìm thấy những bức ảnh mặc định. Mặc dù những người tìm kiếm kiểu này không nhiều, mặc dù dẫu có nhận ra điều gì khác lạ nhưng nhiều người chẳng bận tâm, họ không như tôi, cảm thấy trời đất tối sầm, rồi chợt lóe sáng, rồi trời sập. Chúng đã thật sự biến mất, Instagram đã biến mất như thế, Google đã biến mất như thế, Twitter cũng biến mất như thế, Facebook cũng vậy. Không biết người nào, ở đâu, đã nói gì, và ra nghị quyết thế nào, khiến cho hàng tỷ người giống tôi đây lâm vào tình cảnh hệt như “Gotham trên đảo hoang”, chứng kiến từng cây cầu bị bom phá, bị bom phá, lại bị bom phá. Sau rốt, không còn gì nữa cả.
Tôi thường cảm thấy rất bi ai, vô cùng bi ai. Một người tôi không quen, không biết, có thể là một nhóm nào đó đang không ngừng tước đoạt mọi thứ xung quanh tôi, mà tôi thì hoàn toàn bất lực. Tôi oán trách, nhưng họ không nghe thấy, không ai nghe thấy. Tôi tức tối gào lên, phần lớn những người xung quanh tôi đều nhìn tôi như nhìn một kẻ điên. Tôi đau đớn thét lên, tiếng thét của tôi bị chắn bởi bức tường dày cộm, đen đúa. Tiếng kêu thét của tôi trở nên yếu ớt, chẳng truyền đi được bao xa, rồi nó biến mất hệt như những thứ mà tôi bị tước đoạt, bị đánh cắp. Tôi không thấy nó nữa, như thể nó chưa từng tồn tại.
Ai thèm quan tâm đến những thứ vốn chưa từng tồn tại? Những kẻ hậu sinh làm sao thấu hiểu nỗi bi ai của những người từng có được, rồi bị tước đoạt trắng trợn. Tôi từng có tất cả, tôi từng có cả thế giới. Tôi từng được hít hà bầu không khí tự do và uống dòng nước tự do mát lành trên mảnh đất này. Nhưng rồi trong dòng đời dằng dặc bất tận, sinh mệnh tự do của tôi bị giết chết từng chút một, bị khai tử một cách bất thình lình. Nhưng tôi vẫn có cảm giác chúng đang thoi thóp, như thể chúng đang chết dần chết mòn.
Rồi thì cuối cùng chúng cũng chết thật. Và, cùng với cái chết của chúng, ngày càng nhiều chuyện xảy ra, chậm rãi thôi, lặng lẽ thôi, hầu như không ai phát giác ra. Nhưng đúng là chúng đang diễn ra.
Không có Google thì dùng Baidu, có sao đâu? Nhưng một vài kết quả tìm kiếm càng ngày càng bị đẩy lùi về những trang sau, càng ngày càng lùi về sau, và rồi biến mất. Như thể kết quả đó vốn dĩ không hề được tìm thấy vậy.
Không có Facebook thì dùng Xiaonei, có sao đâu? Nhưng những bài viết mà bạn chỉ có thể post trên Facebook sẽ nhanh chóng biến mất trên Xiaonei. Tiếp theo đó, trang xiaonei.com biến thành trang renren.com, chủ đề trên trang này trở thành những chủ đề đại chúng. Mọi người tranh nhau xem bói, tìm hiểu đời tư của người nổi tiếng, chuyện phiếm, nghe nhạc. Không ai bận tâm thứ gì đó đã biến mất, bởi dù sao thì sự tồn tại của thứ đó vốn dĩ rất mờ nhạt.
Không có Youtube thì dùng Youku, có sao đâu? Nhưng lên Youku, bạn thường “được” xem những clip đạo rẻ tiền, và người ăn cắp thì dương dương tự đắc, tự cho mình là tài ba, như thể cái ý tưởng ấy vốn dĩ là của anh ta vậy. Bạn xem và bạn không khỏi giật mình kinh ngạc, sao anh ta có thể làm được như thế nhỉ! Ăn cắp sáng tạo quá! Nhưng bạn đâu biết rằng, bạn có suy nghĩ như thế là vì bạn không hề biết trên đời còn có một trang mạng tên Youtube.
Không có Twitter thì dùng Weibo, có sao đâu? Nhưng khi bạn muốn biết chuyện gì đang xảy ra gần đây, bạn miệt mài tìm kiếm, nhưng càng tìm thì kết quả sau đây hiện ra càng rõ nét: “Theo quy định của pháp luật, kết quả tìm kiếm không được phép hiển thị”. Lâu dần, bạn nghĩ, dù sao biết được tin tức ấy cũng chẳng để làm gì, thôi thì chẳng tìm nữa, chẳng cần nữa.
Và thế là, từng cánh cửa cứ lần lượt bị đóng sập lại. Hôm nay, ở Trung Quốc bạn mở trang www.worldjournal.com, bạn không thấy nó đâu. Ngày mai, trang web mà kiến trúc sư số một thế giới chia sẻ với bạn đọc cũng biến mất. Đầu tiên là tốc độ load rất chậm, rất rùa, sau đó thì hoàn toàn mất hút. Vài hôm nữa, trang tin tức mà trước đó bạn vẫn vào đọc một số bài viết đều đặn mỗi ngày bỗng mất tăm. Những trang viết độc đáo, xuất sắc đó chỉ hiển thị mấy dòng chữ: Không thể hiển thị. Vài tháng nữa, mạng đại học bị đóng cửa, website nhiếp ảnh bị đóng cửa, thậm chí trang tìm kiếm bằng tiếng Nhật của Baidu cũng không còn.
Tiếp đó, trang truyện tranh biến mất, tiếp đó, trang phim hoạt hình không còn. Tiếp đó, trang phim Mỹ đóng cửa, ngay cả trang download phim Mỹ cũng cũng cũng cũng… hoàn toàn biến mất. Tôn trọng bản gốc, bảo vệ bản quyền ư. Thôi được, vậy thì vì sao, ngay cả trang web chia sẻ sub cũng không còn ???
Từng ngọn đèn bị dập tắt. Nguồn sáng chiếu rọi từ bốn phương biến mất. Thế giới đa sắc màu, tươi đẹp rực rỡ của chúng ta bỗng chốc biến thành một màu đen thê thảm.
Trời tối rồi à, thế thì đi ngủ thôi. Cầu cho cơn say này kéo dài mãi mãi, khỏi phải tỉnh lại.
“Vương triều từ đây vững chắc
Giang sơn từ đây thái bình.”
__________
P/S: Dịch từ một bài viết của một tác giả Tiểu Hải, người Trung Quốc. Bạn không tìm thấy bài viết này ở bất cứ trang mạng nào ở Trung Quốc nữa vì nó đã bị gỡ bỏ triệt để, chỉ tồn tại thấp thoáng trong một vài diễn đàn. Nhưng nó đã được share với tốc độ chóng mặt ở Trung Quốc.
__________
Bài của một người dùng internet Trung Quốc, so sánh với quá khứ lúc Trung Quốc chưa đóng cửa internet để kiểm duyệt thông tin trên mạng. Mấy ngày gần đây bài này được chia sẻ nhiều trên Facebook, do một page có tên “Người Trẻ Nhìn” chép lại, xóa đi mấy câu minh họa hình ảnh ở trang web gốc, và phổ biến. Bài gốc có lẽ từ một người dùng có tên “VietFact” dịch và đăng ở trang mạng Hải ngoại phiếm đàm => https://haingoaiphiemdam.com/a380/tu-do-kieu-trung-quoc
Lật tẩy Thiên Ngọc Minh Uy - Bài 9: Đa cấp hoành hành do pháp lý vẫn còn lỗ hổng
- Bài 1: Lừa tân sinh viên vay tiền lãi cắt cổ để “cống nạp” - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 2: Giải cứu "siêu" VIP - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 3: Thủ đoạn "cướp" nhà - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 4: Cái chết tức tưởi của người phụ nữ vỡ mộng - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 5: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 6: Chiêu trò chăm sóc sức khoẻ, "đẻ" ra tiền, được "thuốc tiên" - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 7: Chính quyền bảo kê, kết quả thanh tra bị "chìm xuồng"? - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 8: Lỗ hổng khổng lồ "giúp" đa cấp lộng hành - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 9: Đa cấp hoành hành vì lỗ hổng pháp lý - (Bài gốc trên VnMedia)
Bài 9: Đa cấp hoành hành do pháp lý vẫn còn lỗ hổng
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) đã có cuộc trao đổi với phóng viên VnMedia về những vấn đề còn khúc mắc, đặc biệt là những “lỗ hổng” pháp lý cần khắc phục đối với hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam.
Trước những diễn biến nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực từ các hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam trong thời gian gần đây, phóng viên VnMedia đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam để “mổ xẻ” những vấn đề còn khúc mắc, đặc biệt là những “lỗ hổng” pháp lý cần khắc phục…
- Phóng viên: Ngành nghề kinh doanh đa cấp tại Việt Nam có phải là ngành kinh doanh có điều kiện hay không, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư thì ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Và ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại phụ lục 4 Luật đầu tư và kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại phụ lục này.
- Các mặt hàng mua bán tại các công ty đa cấp tại Việt Nam có phải là các mặt hàng thuộc nhóm hàng kinh doanh có thị trường cạnh tranh hạn chế, có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán; bên mua, bên bán phụ thuộc vào nhau không thay thế được?
Thực tế, hàng hóa trong kinh doanh đa cấp rất đa dạng. Theo quy định của Luật thương mại 2005 thì hàng hóa bao gồm tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai và những vật gắn liền với đất đai. Điều 4 Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã quy định hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp phải đáp ứng các quy định của pháp luật có liên quan và những hàng hóa sau không được kinh doanh theo phương thức đa cấp:
Thứ nhất là hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, Danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng hóa đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc phải thu hồi, cấm lưu thông hoặc tạm ngừng lưu thông theo quy định của pháp luật;
Thứ hai là hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản), thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; các loại hóa chất nguy hiểm và sản phẩm có hóa chất nguy hiểm theo quy định của pháp luật.
Do đó, bất kì loại hàng hóa nào nếu đáp ứng những điều kiện trên và không thuộc doanh mục những hàng hóa bị cấm kinh doanh theo phương thức đa cấp và được quy định tại Văn bản hợp nhất số Số: 19/VBHN-BCT quy định chi tiết luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì đều có thể được kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC)
- Nếu có căn cứ về các yếu tố cấu thành giá, có khiếu nại từ người tiêu dùng, có sự phản ánh của dư luận và các cơ quan báo chí về việc giá bán các mặt hàng tại các công ty đa cấp đang cao ở mức phi lí thì các cơ quan quản lí nhà nước có thể yêu cầu các công ty kinh doanh đa cấp phải điều chỉnh mức giá bán hàng của các công ty này hay không?
Thực tế hiện nay, không có quy định nào quy định về mức giá bán hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp. Bởi lẽ mục đích trong kinh doanh là tìm kiếm lợi nhuận và các bên “thuận mua vừa bán”. Do đó, pháp luật không cấm các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp nói riêng bán hàng hóa với mức giá cao trừ những trường hợp kinh doanh những hàng hóa thuộc doanh mục hàng hóa được Nhà nước bình ổn giá theo từng thời kỳ theo quy định của Luật giá.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ người tiêu dùng thì việc các doanh nghiệp này bán hàng với mức giá cao gấp nhiều lần (thậm chí là hàng chục lần) thì hoàn toàn bất lợi và phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng. Luật giá 2012 cũng đã quy định người tiêu dùng có quyền “Lựa chọn, thỏa thuận và góp ý về giá khi mua hàng hóa, dịch vụ”.
Do đó, những người tiêu dùng trước hết phải là những người tiêu dùng thông thái, phải biết lựa chọn những hàng hóa với chất lượng và mức giá cả phù hợp trên cơ sở am hiểu những thông tin thị trường, hàng hóa mà mình có nhu cầu. Và người tiêu dùng cũng có thể tự mình hoặc thông qua các tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng để thông tin, kiến nghị đến Uỷ ban nhân dân các cấp, Bộ Công thương về việc việc các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa theo phương thức đa cấp bán hàng hóa với giá “trên trời” phương hại đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa nói chung và doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa theo phương thức đa cấp nói riêng, Luật giá và Luật bảo vệ người tiêu dùng đều quy định là phải niêm yết và công khai giá hàng hóa, đồng thời các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa theo mô hình đa cấp khi kí hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp phải có sự thể hiện giá bán trong hợp đồng. Do đó, chính việc niêm yết, công khai về giá cả hàng hóa bán ra sẽ giúp cho người tiêu dùng đảm bảo quyền lợi của mình bằng việc cân nhắc giá cả khi mua hàng.
Và trong những lần sửa đổi, bổ sung nghị định và quản lý việc kinh doanh hàng hóa theo phương thức đa cấp sắp tới, cần thiết phải xem xét bổ sung quy định về mức giá bán của hàng hóa cũng như những chế tài đối với hành vi vi phạm về giá để tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tuân thủ và để hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh đa cấp lành mạnh và bảo đảm được quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
-Phóng viên: Các cơ quan quản lí nhà nước có động thái cụ thể nào để điều chỉnh các qui định về quản lí hoạt động bán hang đa cấp nhằm hạn chế những lỗ hổng dẫn tới đa cấp biến tướng, lừa đảo hay không?
Luật sư Hậu: Để khắc phục những hạn chế, bất cập về quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp thì mới đây Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Và Dự thảo đã sửa đổi bổ sung những nét chính như là:
Thứ nhất Dự thảo đã mở rộng phạm vi để điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nói chung, theo đó áp dụng cho cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Động thái trên đã tạo cơ sở xử lý hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng nhằm thực hiện các hành vi huy động vốn trái phép thời gian qua.
Thứ hai Dự thảo nghị định mới còn đề cập tới vấn đề Doanh nghiệp kinh doanh đa cấp cần phải xuất hóa đơn bán hàng cho từng nhà phân phối, khách hàng, yêu cầu này để đảm bảo quyền lợi của nhà phân phối, khách hàng trong trường hợp có yêu cầu doanh nghiệp mua lại hàng, trả lại tiền.
Thứ ba Quy định việc thanh toán hoa hồng, tiền thưởng cần phải thực hiện thông qua chuyển khoản.
Thứ tư quy định của Dự thảo không cho phép doanh nghiệp bán hàng đa cấp tổ chức các hoạt động trung gian thương mại phục vụ mạng lưới bán hàng đa cấp. Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc truy trách nhiệm đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp khi có sai phạm xảy ra.
Với những quy định trên, tôi tin rằng khi được thông qua và có hiệu lực, Nghị định sẽ tạo ra một hành lang pháp lý cụ thể để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, đồng thời hạn chế những lỗ hổng dẫn tới đa cấp biến tướng, lừa đảo như hiện nay.
Hoạt động kinh doanh đa cấp. (Ảnh minh họa)
- Căn cứ vào các Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lí hoạt động bán hàng đa cấp; căn cứ vào Luật Giá; căn cứ vào Luật Cạnh tranh; Luật Bảo về Người tiêu dùng, nhiều chuyên gia kinh tế nhân định việc Cục Quản lí Cạnh tranh có thể kiểm soát hiệp thương giá bán các mặt hàng tại các công ty kinh doanh đa cấp là hoàn toàn khả thi vì kinh doanh bán hàng đa cấp là ngành đặc thù, có tính chất độc quyền, ảnh hưởng nhiều tới quyền lợi của người tiêu dùng. Quan điểm của này đúng hay sai?
Vì bản chất của nền kinh tế thị trường là Nhà nước sẽ để các doanh nghiệp tự do trong hoạt động kinh doanh dựa trên tinh thần tuân thủ những quy định của pháp luật. Do đó, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bán hàng đa cấp nói riêng có quyền tự quyết định giá bán hàng hóa dựa theo quy định của Luật giá, Luật cạnh tranh và các văn bản pháp luật có liên quan. Tùy theo giai đoạn và những biến động về kinh tế xã hội mà nhà nước sẽ ban hành những chính sách về định giá, bình ổn giá, hiệp thương về giá và kiểm tra yếu tố cấu thành giá. Theo quy định của Luật giá thì việc hiệp thương về giá chỉ được áp dụng đối với những hàng hóa sau:
Thứ nhất là những hàng hóa Hàng hoá, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá;
Thứ hai là hàng hoá, dịch vụ quan trọng được sản xuất, kinh doanh trong điều kiện đặc thù hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế; có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán hoặc bên mua, bên bán phụ thuộc nhau không thể thay thế được.
Bên cạnh đó, điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá đối với những hàng hóa trên là phải có đề nghị của bên mua hoặc bên bán, cả hai bên mua và bán hoặc có yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Hoạt động ban hàng đa cấp là một hoạt động kinh doanh đặc thù nhưng không phải là mọi hoạt động kinh doanh đa cấp đều có tính chất độc quyền.Tùy thuộc vào sự thỏa thuận của doanh nghiệp với nhà sản xuất theo quy định của luật cạnh tranh, luật thương mại mà một doanh nghiệp hoặc một đại lý có tính chất độc quyền hay không.
Hơn nữa Điều 24 Luật giá và các văn bản hướng dẫn quy định thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá là bộ tài chính và sở tài chính cùng các đại diện bên mua, bên bán; đại diện của cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan có liên quan theo yêu cầu của cơ quan tổ chức hiệp thương giá. Kết quả của hiệp thương giá là sự đồng thuận của các bên tham gia trên cơ sở nghiên cứu về tình hình thị trường điều kiện kinh tế xã hội… theo từng giai đoạn chứ không phải là sự kiểm soát một bên của cơ quan nhà nước.
Do đó, theo tôi nhận định trên là chưa đúng.
- Các công ty kinh doanh đa cấp bị rút giấy phép kinh doanh đa cấp khi vi phạm những nội dung nào? Các lỗi vi phạm tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lí kí gửi hang hoá tại các địa phương có được thống kê trong hồ sơ xử lí sai phạm của các Công ty kinh doanh bán hang đa cấp hay không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thì Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trong những trường hợp sau đây:
Thứ nhất, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư bị thu hồi hoặc hết hiệu lực;
Thứ hai, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thông tin gian dối;
Thứ ba, doanh nghiệp bị xử phạt về một số hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 42/2014/NĐ-CP trong quá trình tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật;
Thứ tư, doanh nghiệp không triển khai hoạt động bán hàng đa cấp trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ ngày được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;
Thứ năm, doanh nghiệp không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định 42/2014/NĐ-CP trong quá trình hoạt động bán hàng đa cấp;
Thứ sáu, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp quá 12 tháng liên tục;
Cuối cùng, doanh nghiệp giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.
Còn về Chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lí kí gửi hàng hoá tại các địa phương hoạt động phụ thuộc vào Doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp, bên cạnh đó điểm a, b khoản 2 điều 22 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp có quy định “Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải Chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của người tham gia bán hàng đa cấp được thực hiện tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp; hoặc ngoài trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, trừ trường hợp hoạt động đó không liên quan đến doanh nghiệp”.
Chính vì vậy, trong trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lí kí gửi hàng hoá tại các địa phương có hành vi vi phạm thì Doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẻ là cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm. đồng thời các vi phạm đó sẻ được thống kê trong hồ sơ xử lí sai phạm của Doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
- Xin cảm ơn luật sư Nguyễn Văn Hậu đã tham gia cuộc phỏng vấn!
Tác giả của "Death by China" được đề cử đứng đầu Ủy ban Thương mại Quốc gia Mỹ
Sau đó có share tùm lum để anh chị em đọc, có người đọc, có người không, nhưng không sao, vẫn share tiếp thôi.
Giờ share lại bản e-book dành cho thiết bị đọc sách Amazon Kindle hoặc app Amazon Kindle (lưu ý: đây là bản cũ của nhóm dự du học sinh ở AIT dịch năm 2012, bản mới nhất thì nên mua ở Amazon, còn ai muốn đọc bản PDF (bản dịch cũ) thì dùng link này)
Điểm trên báo chí này hôm nay (22/12/2016) về việc Peter Navarro được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử vào chức vụ người đứng đầu Ủy ban Thương mại Quốc gia Mỹ:
- Đề cử tác giả "Chết bởi Trung Quốc..." làm cố vấn kinh tế - Báo Tuổi Trẻ
- Ông Trump bổ nhiệm nhà kinh tế chống Trung Quốc đứng đầu Ủy ban Thương mại Quốc gia - Báo điện tử Dân Trí
- Chân dung tác giả cuốn “Cái chết do Trung Quốc” được chọn làm cố vấn của ông Trump - Báo điện tử Dân Trí
Câu hỏi riêng (để 4 năm nữa xem lại): Liệu Việt Nam tận dụng được gì trong cái vòng xoáy này (ít nhất là trong 4 năm tới, 2017-2020)? Hay tiếp tục làm phiên thuộc cho Trung Quốc và còn nặng nề hơn ngày hôm nay?
Lật tẩy Thiên Ngọc Minh Uy - Bài 8: Lỗ hổng khổng lồ "giúp" đa cấp lộng hành
- Bài 1: Lừa tân sinh viên vay tiền lãi cắt cổ để “cống nạp” - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 2: Giải cứu "siêu" VIP - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 3: Thủ đoạn "cướp" nhà - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 4: Cái chết tức tưởi của người phụ nữ vỡ mộng - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 5: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 6: Chiêu trò chăm sóc sức khoẻ, "đẻ" ra tiền, được "thuốc tiên" - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 7: Chính quyền bảo kê, kết quả thanh tra bị "chìm xuồng"? - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 8: Lỗ hổng khổng lồ "giúp" đa cấp lộng hành - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 9: Đa cấp hoành hành vì lỗ hổng pháp lý - (Bài gốc trên VnMedia)
Bài 8: Lỗ hổng khổng lồ "giúp" đa cấp lộng hành
Nhập vào một đồng nhưng bán ra mười đồng mà không bị bất cứ chế tài nào quản lý. Từ khoản lãi khủng đó, các công ty đa cấp đưa ra một mức hoa hồng khủng theo kiểu mỡ nó rán nó để "bẫy" các con mồi đa cấp. Đây chính là lỗ hổng khổng lồ khiến đa cấp lộng hành, Thiên Ngọc Minh Uy cũng tận dụng triệt để lỗ hổng này.Mua giá 1 bán giá 10
Theo biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập theo Quyết định số:1052/QĐ-BCT do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành thể hiện Thiên Ngọc Minh Uy làm ăn phát đạt theo kiểu 1 vốn thu 4 lời. Theo đó, năm 2014, Thiên Ngọc Minh Uy bỏ ra 309 tỷ tiền nhập hàng và bán ra được1.105 tỷ. Năm 2015, công ty này bỏ ra 703 tỷ tiền nhập hàng, bán ra được 2559 tỷ đồng.
Số liệu về báo cáo tài chính 2015 cho thấy, tỷ suất lợi nhuận gộp của Thiên Ngọc Minh Uy đạt con số khủng là 73%.
Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy.
PV đã dựa trên danh mục các sản phẩm bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy do Cục Quản lý Cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương cung cấp để đối chiếu về giá bán với các mặt hàng cùng chủng loại, công dụng, xuất xứ thì ra các kết quả tương ứng như sau: quần lót chỉnh hình, xuất xứ Đài Loan, bán tại Thiên Ngọc Minh Uy giá 6,8 triệu - bán ngoài thị trường giá 350 ngàn; máy tạo khí ozone HA 1366 bán tại Thiên Ngọc Minh Uy 11 triệu - ngoài thị trường bán 2,5 triệu; bếp hồng ngoại xuất xứ Trung Quốc bán tại Thiên Ngọc Minh Uy giá 6,4 triệu - bán ngoài thị trường giá 990 ngàn; nồi chiên không khí xuất xứ Trung Quốc bán tại Thiên Ngọc Minh Uy giá 6,6 triệu - bán tại điện máy lazada giá 1,7 triệu; Thực phẩm chức năng viên nang hạt bí đỏ xuất xứ Đài Loan bán tại Thiên Ngọc Minh Uy giá 11 triệu - bán tại bên ngoài thị trường 500 ngàn. Đặc biệt, sản phẩm Ngưu Chương Chi có xuất xứ tại Đài Loan được Thiên Ngọc Minh Uy đăng kí bán với giá 11 triệu đồng - ngoài thị trường bán dao động từ 800 - 1,3 triệu đồng...
Trên thực tế, phóng viên ghi nhận ở thời điểm hiện tại, khi người mua hàng của Thiên Ngọc Minh Uy muốn sở hữu hộp ngưu chương của công ty này, người mua phải bỏ ra số tiền 88,8 triệu, tương ứng với 6 mã hàng. Cần nói thêm, Thiên Ngọc Minh Uy quảng bá Ngưu Chương Chi là thần dược chữa bệnh ung thư trong khi trên thực tế sản phẩm này được cơ quan chức năng khẳng định chỉ là thực phẩm chức năng.
Bộ Công Thương bất lực?
Trao đổi với PV, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục Phó Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) xác nhận: các doanh nghiệp đa cấp khi triển khai các chương trình bán hàng cần đăng kí danh mục hàng hoá, chất lượng, giá cả bán ra và mức hoa hồng cho các đại lí phân phối. Tuy nhiên, về vấn đề quản lí giá bán hàng của các doanh nghiệp đa cấp thì ông Trịnh Anh Tuấn lại cho rằng: "Doanh nghiệp đa cấp muốn bán giá bao nhiêu là quyền của doanh nghiệp".
Đây cũng là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khi trả lời báo giới. Không đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia nhận định: Việc Bộ Công Thương không quản lý được giá bán ra của các sản phẩm, thả nổi cho các doanh nghiệp đa cấp bán giá trên trời so với giá gốc chính là lỗ hổng lớn nhất để đa cấp biến tướng, lộng hành.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh và Cục Phó Cục Quản lí Cạnh tranh Trịnh Anh Tuấn đều cho rằng không thể can thiệp vào giá bán hàng của các công ty đa cấp.
Khi tìm hiểu về lỗ hổng trong kinh doanh đa cấp, PV được PGS Tiến sĩ Trần Văn Nam,Trưởng khoa Luật, Đại học Kinh tế Quốc dân giới thiệu người mà ông Nam cho rằng có hiểu biết sâu sắc về thực trạng kinh doanh đa cấp tại Việt Nam - Tiến sĩ Lê MinhTuấn.
Tiến sĩ Lê Minh Tuấn phân tích: Năm 1999, khi Công ty đa cấp đầu tiên là Amway vào Việt Nam, tôi và nhóm cộng sự của mình được Amway uỷ quyền cho việc tìm hiểu các cơ sở pháp lý cho việc hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi đó, nước ta chưa có hàng lang pháp lý cho ngành kinh doanh này.
Tới năm 2005 chúng ta mới có nghị định đầu tiên về đa cấp. Tôi vẫn luôn theo sát các thông tin về hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam nhưng không nghĩ nó lại biến tướng như vậy. Nguyên nhân thể có nhiều nhưng căn bản nhất là các công ty đa cấp đã tận dung triệt để lỗ hổng về quản lí giá bán hàng đầu ra để đẩy giá hàng hoá bán hàng đa cấp lên mức cao cắt cổ. Từ đó, họ xây dựng một mức hoa hồng hấp dẫn đánh vào lòng tham của con người.
Lúc này, hàng hoá trong kinh doanh đa cấp không còn tuân theo qui luật cung - cầu, người mua không mua vì nhu cầu thực để tiêu dùng mà chỉ chăm chăm nhìn vào mức hoa hồng trên trời. Các công ty đa cấp nhờ đó mà hút dòng tiền chảy về túi mình.
Trả lời câu hỏi: Bộ Công Thương có thể quản lý được về vấn đề giá bán ra của các sản phẩm thuộc các công ty đa cấp hay không? Tiến sĩ Lê Minh Tuấn cho hay: Ngay từ khi đăng kí các chương trình bán hàng đa cấp, các công ty đa cấp đã phải khai báo về sản phẩm, chứng nhận chất lượng, mẫu mã, mức giá và mức hoa hồng với Bộ Công thương.
Vì vậy, từ lúc duyệt hồ sơ Bộ Công Thương đã có thể quản lý các vấn đề về giá cả hàng hoá bán ra của các công ty đa cấp rồi. Bộ Công Thương hoàn toàn có thể phối hợp với ngành hải quan để có số liệu về giá cả nhập vào. Sau đó, khi doanh nghiệp bán hàng đa cấp nộp chương trình bán hàng đa cấp lên Bộ Công Thương để xin phê duyệt thì cơ quan này có quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về mức giá bán hàng mà doanh nghiệp xin phê duyệt dựa trên các căn cứ nào, có hợp lí hay không để từ đó đồng ý hoặc bác bỏ.
"Đây là ngành kinh doanh đặc thù, có điều kiện nên các cơ quan quản lí nhà nước có quyền điều chỉnh về giá và chính sách kinh doanh sao cho phù hợp với lợi ích của doanh nghiệp, người dân và xã hội. Tại Trung Quốc, đã có thời các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lộng hành, tàn phá nền kinh tế nên chính quyền nước này đã mạnh tay dẹp bỏ ngành kinh doanh đa cấp", ông Lê Minh Tuấn cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, GS Đỗ Đức Bình, Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay: "Các cơ quan nhà nước cần phải quản lí về giá bán ra đối với ngành kinh doanh đa cấp kiểu biện chứng. Họ phải so sánh giá đầu vào và đầu ra nếu có chênh lệch quá lớn, quá vô lí thì cần điều chỉnh luôn, không phải ngẫu nhiên mà nhà nước đưa ra một hành lang pháp lí riêng để quản lí hoạt động bán hàng đa cấp. Thực trạng đa cấp lừa đảo như vừa qua theo tôi lỗi lớn là của các cơ quan quản lí nhà nước lỏng quá, các địa phương thì thờ ơ để cho bà con bị lừa. Lừa cả hơn tín dụng đen thế này thì chết!".
Trả lời báo giới về vấn đề giá bán các sản phẩm trong kinh doanh đa cấp cao phi lí gấp nhiều chục lần so với giá gốc, Cục Quản lý giá - Bộ Tài Chính đưa ra quan điểm: Nếu các công ty đa cấp bán hàng độc quyền với giá cao phi lý (gấp nhiều chục lần so với giá nhập) vi phạm Điều 14 Luật Cạnh tranh quy định cấm doanh nghiệp dùng vị thế độc quyền thực hiện các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, trong đó có hành vi bán hàng với mức giá cao phi lí (gấp nhiều chục lần so với giá nhập).
Lật tẩy Thiên Ngọc Minh Uy - Bài 7: Chính quyền bảo kê, kết quả thanh tra bị "chìm xuồng"?
- Bài 1: Lừa tân sinh viên vay tiền lãi cắt cổ để “cống nạp” - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 2: Giải cứu "siêu" VIP - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 3: Thủ đoạn "cướp" nhà - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 4: Cái chết tức tưởi của người phụ nữ vỡ mộng - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 5: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 6: Chiêu trò chăm sóc sức khoẻ, "đẻ" ra tiền, được "thuốc tiên" - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 7: Chính quyền bảo kê, kết quả thanh tra bị "chìm xuồng"? - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 8: Lỗ hổng khổng lồ "giúp" đa cấp lộng hành - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 9: Đa cấp hoành hành vì lỗ hổng pháp lý - (Bài gốc trên VnMedia)
Bài 7: Kết quả thanh tra Thiên Ngọc Minh Uy bị "chìm xuồng"?
Chỉ trong một thời gian ngắn ra quân, các ban ngành chức năng tại một số địa phương trên cả nước đã phát hiện hàng loạt các lỗi vi phạm tại các cơ sở của Thiên Ngọc Minh Uy.Tuy nhiên, dường như Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương - đơn vị có chức năng và quyền hạn lớn nhất trong xử lý sai phạm dường như đã bỏ quên những cánh tay nối dài của mình trước các sai phạm của Thiên Ngọc Minh Uy tại các địa phương?
Khắp nơi sai phạm
Theo những thông tin công bố trên báo chí từ cuối năm 2015 đến nay, có thể thống kê những sai phạm của TNMU như sau:
Tháng 10/2015, qua kiểm tra 7 cơ sở bán hàng đa cấp đóng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, thuộc Công ty TNHH TNMU, cơ quan chức năng phát hiện tất cả các cơ sở bị kiểm tra đều có sai phạm. Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã quyết định xử phạt hành chính 4 cơ sở bán hàng đa cấp thuộc Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy với tổng số tiền 18 triệu đồng.
Rất nhiều sai phạm của Thiên Ngọc Minh Uy đã bị các cơ quan chức năng xử lý.
Ngoài ra, 3 cơ sở kinh doanh hàng đa cấp khác là Thiên Ngọc VI, Thiên Ngọc 12 và Thiên Ngọc IV có một số sai phạm nhưng do nằm ngoài phạm vi xử lý của Sở nên đã làm văn bản chuyển ra Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương để có hướng xử lý, xử phạt.
Cụ thể, tại cơ sở Thiên Ngọc đã vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; kinh doanh hàng hóa có nhãn nhưng thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ (5 người).
Tháng 11/2015, đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Vĩnh Long tiến hành kiểm tra 6 cơ sở bán hàng đa cấp thuộc Công ty TNMU trên địa bàn toàn tỉnh Vĩnh Long.
Các cơ sở này đều vi phạm các lỗi như: Hàng hóa không hóa đơn chứng từ, nhãn hàng hóa sai qui định, báo cáo hàng nhập xuất không khớp và báo cáo doanh số người tham gia không trung thực có dấu hiệu trốn thuế; không thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi thực hiện khuyến mãi; sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường kê khai không trung thực các nội dung đã cam kết trong phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; sản phẩm mỹ phẩm ghi nhãn không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật
Tháng 3/2016, tại Gia Lai, Chi Cục Quản lý Thị trường Gia Lai được sự ủy quyền của Cục Quản lý Cạnh tranh đã xử phạt 240 triệu đồng với các cơ sở của TNMU tại địa phương này với các lỗi vi phạm là kinh doanh hàng hóa có điều kiện (thực phẩm chức năng) nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định; không tuân thủ quy định trong quy tắc hoạt động và chương trình bán hàng đa cấp đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền;
Tháng 4/2016, tại Quảng Ninh, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra bất thường chi nhánh Công ty đa cấp TNMU tại tòa nhà Licogi (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) và cơ sở Ngọc Thái - Móng Cái thuộc Công ty TNHH TNMU. Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều sai phạm như:
Tại kho hàng của cơ sở Ngọc Thái - Móng Cái còn tồn 56 mặt hàng nằm trong danh mục hàng hóa bán hàng đa cấp và 10 hộp viên Ngưu chương chi số 1 có dán tem phụ và dán bổ sung, sửa chữa sai lệch về thông tin hàng hóa, về đối tượng sử dụng.
Đồng thời, cơ sở này chưa xuất trình được hồ sơ bán hàng của cơ sở; danh mục người tham gia bán hàng đa cấp, thông tin về số lượng, loại hàng hóa, trị giá hàng hóa, thời gian, hóa đơn mua bán hàng hóa; hoa hồng trả thưởng, lợi ích kinh tế; thẻ thành viên của người tham gia bán hàng đa cấp tại địa điểm hoạt động kinh doanh.
Trong năm 2015, TP Đà Nẵng kiểm tra 11 cơ sở bán hàng đa cấp của TNMU thì có đến 10 cơ sở vi phạm. Đa số các cơ sở vi phạm về nhãn hàng hóa và không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tổng số tiền xử phạt trong năm 2015 là 118,5 triệu đồng.
Tại các địa phương như Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa.. khi tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp tại các cơ sở của TNMU đều phát hiện các dấu hiệu sai phạm.
Nhưng vẫn bình an
Cuối tháng 3/2016, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương kí quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật tại 7 công ty kinh doanh đa cấp. Cụ thể, kiểm tra 7 công ty, gồm Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty TNHH Unicity Maketing Việt Nam, Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam, Công ty cổ phần Liên kết Tri thức, Công ty cổ phần Liên Minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty TNHH Nhượng quyền Thăng Long.
Theo dự kiến, giữa tháng 5/2016, đoàn thanh tra sẽ đưa ra kết luận thanh tra. Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 4/2016, một tài liệu quan trọng là Biên bản Kiểm tra tại TNMU của đoàn công tác đã được tiết lộ. Theo đó, đoàn kiểm tra này bắt đầu hoạt động kiểm tra tại TNMU từ ngày 24/3 đến ngày 26/3 với nhiều nội dung kiểm tra như: Hồ sơ pháp lý của Thiên Ngọc Minh Uy về bán hàng đa cấp; các nhóm hàng; kết quả kinh doanh đa cấp; thực hiện nghĩa vụ ngân sách; và cuối văn bản của đoàn kiểm tra này có phần nhận xét của đoàn kiểm tra.
Cơ quan chức năng trong một lần xử lý sai phạm hàng hóa của Thiên Ngọc Minh Uy.
Điều đáng nói là những nội dung kiểm tra trên đều cho ra những số liệu và tư liệu rất "sạch" về TNMU. Đoàn kiểm tra cũng đưa ra ý kiến nhận xét có phần: "Công ty đã thực hiện quy định của pháp luật về kinh doanh đa cấp".Chính những nhận xét này đã gây bão trong dư luận khi hàng loạt các cơ quan báo chí đã đưa tin với nội dung: Bộ Công Thương không phát hiện sai phạm tại TNMU. Trước phản ứng của dư luận, lãnh đạo Cục Quản lý Cạnh tranh nhanh chóng lên tiếng đính chính lại thông tin việc chưa có kết luận cuối cùng về việc thanh kiểm tra tại TNMU.
Tính đến nay, gần 9 tháng đã trôi qua kể từ thời điểm thành lập đoàn kiểm tra về 7 công ty đa cấp. Tuy nhiên, kết quả thanh tra về TNMU vẫn bặt tăm. Trong thời gian này, nhóm PV tiếp nhận hàng trăm các trường hợp người tham gia tố giác sai phạm của TNMU và hầu hết những tư liệu mà nhóm PV thu thập được đều thể hiện những lời tố giác trên là có cơ sở.
Mặt khác, cũng trong thời gian bị thanh tra này, PV ghi nhận được rất nhiều tư liêu thể hiện các dấu hiệu rõ ràng về sai phạm trong kinh doanh đa cấp diễn ra tại TNMU như: dụ dỗ rất nhiều sinh viên bằng quyền lợi ảo, đưa sinh viên đi vay nặng lãi để tham gia vào kinh doanh đa cấp; các hành vi có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi nhiều người tham gia kí hợp đồng bán hàng đa cấp tại TNMU bị các đối tượng tại TNMU lập hồ sơ giả mạo để rút tiền của mình thông qua hình thức hủy hợp đồng.
Nhóm PV đã nhiều lần liên hệ cung cấp thông tin về các tư liệu chứng minh rất nhiều sai phạm của TNMU với Cục Quản lý Cạnh tranh và đề nghị Cục Quản lý Cạnh tranh xem xét những tư liệu này.
Làm việc với PV, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục Phó Cục Quản lý Cạnh Tranh (Bộ Công Thương) cho hay: Cục Quản lý Cạnh tranh đang gửi công văn yêu cầu Sở Công Thương và Chi cục Quản lý Thị trường các tỉnh cung cấp hồ sơ xử lý sai phạm của TNMU từ các địa phương về để thống kê. Tuy nhiên, các sai phạm này chủ yếu có giá trị tham khảo vì mỗi hành vi chỉ bị xử lý 1 lần.
Nhiều chuyên gia pháp lý nhận cho rằng: Khi công ty TNMU bị xử phạt tại nhiều địa phương thì Bộ Công Thương hoàn toàn có thể thống kê lại các lỗi vi phạm, các lần xử phạt này để xem xét việc rút giấy phép đăng kí kinh doanh bán hàng đa cấp với công ty này theo qui định của pháp luật. Nếu Bộ Công Thương không quan tâm tới các hồ sơ xử lý sai phạm từ cơ quan thuộc ngành dọc của mình tại các địa phương thì rõ ràng Bộ này đã bỏ quên những “cánh tay” nối dài rất hữu hiệu của mình.
Phóng viên cũng đề nghị Cục Quản lý Cạnh tranh cung cấp hồ sơ xử lý sai phạm tại các công ty đa cấp vừa bị rút giấy phép để dư luận có thể so sánh các lỗi của 4 công ty đa cấp này phạm phải so với các lỗi mà Thiên Ngọc Minh Uy đã bị xử lý tại các địa phương nhưng đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh từ chối yêu cầu này.
Lật tẩy Thiên Ngọc Minh Uy - Bài 6: Chiêu trò chăm sóc sức khoẻ, "đẻ" ra tiền, được "thuốc tiên"
- Bài 1: Lừa tân sinh viên vay tiền lãi cắt cổ để “cống nạp” - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 2: Giải cứu "siêu" VIP - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 3: Thủ đoạn "cướp" nhà - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 4: Cái chết tức tưởi của người phụ nữ vỡ mộng - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 5: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 6: Chiêu trò chăm sóc sức khoẻ, "đẻ" ra tiền, được "thuốc tiên" - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 7: Chính quyền bảo kê, kết quả thanh tra bị "chìm xuồng"? - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 8: Lỗ hổng khổng lồ "giúp" đa cấp lộng hành - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 9: Đa cấp hoành hành vì lỗ hổng pháp lý - (Bài gốc trên VnMedia)
Bài 6: Lật tẩy trò chăm sóc sức khoẻ, "đẻ" ra tiền, được "thuốc tiên" tại Thiên Ngọc Minh Uy
Với chiêu trò dụ dỗ người dân bỏ tiền ra để được chăm sóc sức khoẻ và còn được Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) trả mức lãi khoảng 300%, rất nhiều người dân, đặc biệt là người cao tuổi đã "sập bẫy" đa cấp TNMU.Khám bệnh tại "bệnh viện" Thiên Ngọc Minh Uy
Trong quá trình tiếp xúc với các nạn nhân của đa cấp TNMU, nhóm PV nhận thấy có tới hơn 1/2 số lượng người tham gia TNMU là những người trung, cao tuổi.
"Tôi được một đồng đội cũ trong quân ngũ mời đến tham gia buổi tư vấn sức khỏe rồi nghe họ nói về các liệu trình chăm sóc, chữa trị bệnh tình. Không những thế, khi bỏ 13,7 triệu ra mua các liệu trình này, tôi còn được nhận lại 45 triệu tiền hoa hồng, tri ân. Tại không gian văn phòng của họ, tôi thấy họ chụp ảnh với rất nhiều nhân vật cao cấp, có uy tín và cũng vì do đồng đội cùng thời chiến giới thiệu đúng lúc tôi cảm thấy cần chăm sóc sức khỏe nên tôi mua vài mã. Vừa mua hàng thì tháng đó tôi nhận được tiền hoa hồng hơn chục triệu nên càng có niềm tin. Vậy là tôi gom hết tiền của trong nhà ra tham gia vào TNMU thông qua việc mua các liệu trình chăm sóc sức khỏe", cụ Hoàng Văn A. kể.
Để thu thập thêm căn cứ, nhóm PV đã nhờ được ông Đỗ Danh Khiết (63 tuổi, trú tại Quốc Oai, Hà Nội) đến cơ sở Ngọc Thái thuộc TNMU (số 41, ngõ 168, ngách 1, Hào Nam, Hà Nội) để được tư vấn, điều trị chứng đau vai, gáy của mình.
Tiếp ông Khiết là người phụ nữ tên Hoa, chừng 24 tuổi. Theo lời Hoa, cô đã làm việc tại TNMU được 3 năm. Vừa gặp, Hoa đề nghị ông Khiết đi khám sức khỏe miễn phí từ những chuyên viên về sức khỏe của TNMU được đào tạo từ nước ngoài. Người khám là một cô gái giới thiệu mình tên Vân, cô này khám cho ông Khiết bằng... tay bo, trong một không gian giống phòng massage và không có bất kì thiết bị y tế hỗ trợ nào.
Video "Thần y" tại Thiên Ngọc Minh Uy khám bệnh.
Buổi khám tay bo diễn ra chừng 30 phút, "bệnh nhân" Khiết được đưa về gặp cô gái tên Hoa. Lúc này, Hoa nhanh chóng đưa ra kết luận: Bác đang gặp phải vấn đề về thận, ảnh hưởng rất nhiều tới các chức năng khác nên bác đau mỏi vai gáy. Nếu bác không chữa trị sớm sẽ dẫn tới nguy cơ đột quỵ hoặc tai biến mạch máu não. Tình trạng của bác rất nguy hiểm.
Trước lời phán của vị "bác sĩ" nửa mùa trên, ông Khiết không khỏi lo lắng, "bác sĩ" Hoa tiếp tục "tấn công" bằng cách phân tích một loạt các ưu nhược điểm của các phương pháp chữa bệnh đông, tây. Cuối cùng, Hoa kết luận bệnh tình của ông Khiết chỉ có thể chữa trị dứt điểm bằng đông y.
"Bác cứ dùng thử 1 gói liệu trình dưỡng sinh bên cháu với 12 lần làm liệu trình trong 3 tháng, mỗi tuần một lần, mỗi lần một tiếng. Tinh dầu dưỡng sinh vô cùng quí giúp lưu thông khí huyết, loại bỏ độc tố. Lúc này, bác sẽ không còn bệnh tật gì. Mà bác không chữa trị sớm là rất dễ tai biến đó Cháu đảm bảo sức khoẻ bác sẽ được cải thiện rất nhiều, bác sẽ không bị bệnh tật gì nữa. Giá chỉ có 14,8 triệu đồng", Hoa nói
Trước lời đề nghị trên của Hoa, theo đúng kế hoạch tác nghiệp đã vạch ra từ trước, ông Khiết đồng ý kí hợp đồng với TNMU và mua 1 mã dưỡng sinh trị giá 14,8 triệu đồng tại cơ sở Ngọc Thái vào ngày 15.3
Ngày 16.3, Hoa mời ông Khiết tham gia một sự kiện tạimột căn phòng nằm gần khu bệnh viện Đống Đa, Hà Nội, với gần 30 người tuổi ngoài 60 tham gia. Một người đàn ông chừng gần 30 tuổi trong bộ vest bảnh bao lên thuyết trình để giới thiệu về Thiên Ngọc Minh Uy với lịch sử tồn tại 16 năm, vượt qua bao thị phi và sóng gió để trở thành một siêu công ty với 700 cơ sở trên khắp cả nước, cơ sở vật chất hiện đại (có dẫn chứng - PV). Cùng với đó là lời giới thiệu về những nhân sự thu nhập hàng trăm triệu/tháng và màn trao nhận tiền hoa hồng diễn ra ngay trong khám phòng.
Ngày 17.3, ông Khiết tiếp tục có một cuộc gặp với một nhân sự tên Nguyễn Công Toán, chủ cơ sở Ngọc Thái. Tại đây, Toán nói: "Hiện tại, công ty đang có chương trình bỏ ra 14,8 triệu mua 1mã sẽ nhận lại tri ân tới 45 triệu. Nếu bác mua 4 mã thì bác sẽ nhận gói hoa hồng Ngọc hầu Đằng tường ở mức 20 triệu/mã, bác có 4 mã sẽ thu 80 triệu. Sau nữa, bác lại nhận gói hoa hồng Hầu Phụng Rượu Minh ở mức 25 triệu/mã, bác thu thêm 100 triệu. Tổng là hơn 180 triệu. Bỏ ra 59 triệu, thu lại 180 triệu, và lấy bằng tiền mặchứ ko phải quy đổi ra sản phẩm. Mình cũng không cần phải giới thiệu cho ai, chỉ chờ nhận tiền thôi".
Sau này, tại một buổi đối chất, Nguyễn Công Toán thừa nhận cơ sở của Toán không có chức năng về khám chữa bệnh và các chương trình hoa hồng, trả thưởng mà Toán đưa ra để thuyết phục ông Khiết kí hợp đồng không được đăng kí với Cục Quản lí Cạnh tranh, Bộ Công thương.
"Thần dược" ngưu chương chi
Ngưu chương chi là con bài "chiến lược" để "bẫy" khách hàng thông qua mảng chăm sóc sức khoẻ tại TNMU. Trên thực tế, theo xác minh của PV tại Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Bộ Y tế thì sản phẩm Ngưu Chương chi do TNMU nhập về chỉ là thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, để "bẫy" khách hàng, TNMU lại quảng bá rằng ngưu chương chi là thần dược chữa bệnh ung thư. Một bộ ngưu chương chi được bán tại TNMU tương đương với 6 mã hàng, tức gần 90 triệu đồng.
Tại các clip được đăng tải trên mạng, với bối cảnh là các hội nghị, hội thảo của TNMU với sự tham gia của ông Tô Văn Minh, người đứng đầu TNMU, rất nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư đã đứng lên chia sẻ hành trình trở về từ cõi chết của mình khi dùng sản phẩm ngưu chương chi.
Sản phẩm ngưu chương chi tại chi nhánh của TNMU tại Móng Cái từng bị xử phạt về lỗi dán tem phụ bằng tiếng Việt sai quy định, ghi sai về công dụng và đối tượng sử dụng.
Đó là trường hợp của chàng trai tự giới thiệu tên Lê Hà Giang, sinh năm 1994 tại Hải Phòng bị ung thư gan; trường hợp của bà Hướng Thị Lựu, quê Bắc Giang bị ung thư máu; một trường hợp khác tên Giang tại Ninh Giang, Hải Dương bị xơ gan cổ chướng; trường hợp ông Trần Bá Thuần bị bệnh ung thư; rồi một người đàn ông khác tên Long bị ung thư gan đã bị bệnh viện trả về. Tất cả các trường hợp này đều có 1 công thức chung là bác sĩ đã bó tay, bệnh viện trả về nhưng nhờ dùng ngưu chương chi của TNMU đã hoàn toàn khỏi bệnh.
Một CTV của báo trong quá trình thâm nhập thu thập tư liệu tại cơ sở Ngọc Thái nằm trên đường Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa cũng được các nhân sự của TNMU tư vấn về thần dược ngưu chương chi chữa bệnh ung thư được bán với giá gần 90 triệu. Theo ghi nhận, đây là một hộp màu vàng, có nhiều lọ nhỏ bên trong.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Bộ Y tế khẳng định: Việc các cơ sở của TNMU tổ chức khám chữa bệnh ngay tại chỗ nhưng không có giấy phép của Bộ Y tế cấp là sai. Việc quảng bá các sản phẩm thực phẩm chức năng có tác dụng chữa bệnh cũng hoàn toàn sai.
Ở một góc nhìn khác, PV ghi nhận trên thị trường có bán nhiều sản phẩm ngưu chương chi có mẫu mã tương tự như sản phẩm ngưu chương chi của TNMU. Tuy nhiên, mức giá bán sản phẩm này ngoài thị trường chỉ dao động từ 800 ngàn đến 1,3 triệu đồng/bộ sản phẩm. Mức giá này thấp hơn giá bán của TNMU (88,8 triệu đồng/sản phẩm) từ 70 - 100 lần.
"Khi tham gia mua hàng tại TNMU, tôi nghe mọi người nói về sản phẩm ngưu chương chi có tác dụng phòng, chữa bệnh ung thư nên tôi đã mua cho bố tôi dùng. Tuy nhiên, khi dùng thứ này, bố tôi đã tăng huyết áp đột ngột và phải nhập viện cấp cứu gấp. May mà gia đình tôi xử lí nhanh không có lẽ bố tôi đã không qua khỏi", bà Nguyễn Hồng Liên (trú tại Tp. HCM), người tham gia mua hàng trị giá gần 10 tỷ đồng tại TNMU chia sẻ.
Lật tẩy Thiên Ngọc Minh Uy - Bài 5: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Bài 1: Lừa tân sinh viên vay tiền lãi cắt cổ để “cống nạp” - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 2: Giải cứu "siêu" VIP - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 3: Thủ đoạn "cướp" nhà - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 4: Cái chết tức tưởi của người phụ nữ vỡ mộng - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 5: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 6: Chiêu trò chăm sóc sức khoẻ, "đẻ" ra tiền, được "thuốc tiên" - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 7: Chính quyền bảo kê, kết quả thanh tra bị "chìm xuồng"? - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 8: Lỗ hổng khổng lồ "giúp" đa cấp lộng hành - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 9: Đa cấp hoành hành vì lỗ hổng pháp lý - (Bài gốc trên VnMedia)
Bài 5: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Thiên Ngọc Minh Uy
Khi "vỡ mộng" làm giàu tại Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU), nhiều người đã tiến hành các thủ tục xin huỷ hợp đồng và đề nghị TNMU mua lại hàng để nhận lại một phần số tiền mà họ đã đầu tư.
Tuy nhiên, chính lúc này, họ lại bị những tuyến trên của mình trong TNMU giả mạo hồ sơ và chiếm đoạt toàn bộ số tiền từ việc được TNMU mua lại hàng đó.
Ngăn cản việc trả lại hàng
Theo quy định tại Điều 26 Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lí hoạt động bán hàng đa cấp có nêu rõ: Khi người tham gia bán hàng đa cấp có yêu cầu, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mua lại hàng hóa đã bán cho người tham gia bán hàng đa cấp đó, bao gồm cả hàng hóa được bán theo chương trình khuyến mại với điều kiện: Hàng hóa còn hạn sử dụng; hàng hóa còn nguyên bao bì, tem, nhãn; yêu cầu mua lại được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người tham gia bán hàng đa cấp nhận hàng.
Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy.
Doanh nghiệp phải hoàn lại tổng số tiền mà người tham gia bán hàng đa cấp đã trả để nhận được hàng hóa đó nếu không có căn cứ để khấu trừ hoặc hoàn lại tổng số tiền sau khi đã trừ đi các chi phí quản lý, tái lưu kho và chi phí hành chính khác nhưng không thấp hơn 90% khoản tiền mà người tham gia bán hàng đa cấp đã trả để nhận được số hàng đó.
Nghị định này cũng nghiêm cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp ngăn cản người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hoá là (hành vi bị cấm được quy định tại Điều 5 Nghị định 42/2014/NĐ-CP).
Quy định là vậy nhưng trong gần 100 trường hợp nhóm PV hỗ trợ pháp lí miễn phí để đề nghị TNMU trả lại tiền dưới hình thức huỷ hợp đồng và đề nghị TNMU mua lại hàng đều phản ánh tình trạng các nhân sự thuộc TNMU quyết liệt ngăn cản việc người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng. Các tài liệu tác nghiệp thu lại sau đó đều chứng minh lời tố cáo về hành vi ngan cản người bán hàng đa cấp trả lại hàng tại TNMU là có cơ sở.
Cụ thể, với đối tượng con mồi là sinh viên, các nhân sự thuộc TNMU dụ dỗ những bạn sinh viên đưa hợp đồng, phiếu mua hàng gốc cho các nhân sự này cầm giữ luôn nên khi các sinh viên muốn huỷ hợp đồng và trả lại hàng hoá thì lại thiếu các giấy tờ cơ bản. Hiện tại, có 06 sinh viên tố giác và phối hợp với nhóm PV để thu thập các tư liệu chứng minh thủ đoạn trên.
Một bản danh sách các nạn nhân bị giả mạo hồ sơ đề nghị TNMU mua lại hàng và chiếm đoạt số tiền được TNMU trả lại từ việc mua lại hàng mà PV có được
Đối với nhóm người là bà con thuộc các tỉnh lẻ, các nhân sự thuộc TNMU tại địa phương gây khó dễ trong việc xác minh, xác nhận các mã hàng rồi đưa ra các lời "doạ" nếu huỷ hợp đồng sẽ chỉ nhận được 50-60% giá trị hợp đồng chứ không phải 90% như quy định;
Đối với nhóm những người tham gia "sâu" vào TNMU, các nhân sự thuộc TNMU sẽ tiếp cận theo hướng ngon ngọt để dụ những người này bán lại các phiếu gửi hàng và đặt hàng lại TNMU với giá rẻ mạt chừng 200 - 300 ngàn đồng/phiếu liên hàng. Trong khi đó, để sở hữu được phiếu trên từ TNMU thường phải bỏ ra từ 11 đến 13,7 triệu đồng/phiếu. Những người đi gom phiếu mua hàng sẽ dụ dỗ: họ chỉ dùng phiếu mua hàng để lấy sản phẩm còn các quyền lợi về hoa hồng, thoát thưởng người tham gia đầu tư vào TNMU vẫn hưởng bình thường.
Đặc biệt, đối với một số trường hợp cụ thể, các nhân sự trong TNMU đã dùng các thủ đoạn mang tính chất lừa đảo như việc bà Cao Thị Hoa (trú tại Tp. HCM) tham gia vào TNMU 7 tỷ đồng đã bị một số nhân sự thuộc TNMU tại cơ sở bà Hoa kí hợp đồng lừa bà Hoa kí vào giấy nhận hàng từ trước đó hai tháng dù trên thực tế bà Hoa chưa hề nhận hàng.
Đây là đòn độc bởi nếu chiếu theo giấy tờ bà Hoa đã kí, bà Hoa sẽ mất trắng toàn bộ số tiền 7 tỷ đồng mà bà đầu tư vào vì hàng hoá đã bán ra chỉ được các công ty đa cấp đồng ý mua lại nếu nó chưa được nhận về quá 30 ngày và chưa bị bóc ra sử dụng.
Hoặc như trường hợp của bà Kim Thị Liên (39 tuổi, Hà Bà Trưng, Hà Nội) dù đang mắc trọng bệnh nhưng vẫn không được TNMU tạo điều kiện cho rút tiền theo hình thức đề nghị công ty này mua lại hàng. Để rồi, trước lúc lâm chung, bà Liên phải uỷ quyền cho con gái để cô này thay mặt bà bảo vệ quyền lợi hợp pháp tại TNMU. Nhờ vào sự trợ giúp của báo chí và sự quyết tâm của cô con gái cùng gia đình, bà Liên mới "lấy" lại được số tiền bị "mắc kẹt" trong TNMU dù khi đó bà đã là người thiên cổ (Bài 4: Cái chết tức tưởi của người phụ nữ vỡ mộng vì Thiên Ngọc Minh Uy - PV)
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tháng 7/2016, PV nhận được một danh sách 15 người tham gia vào TNMU cùng lời tố giác 15 người này bị các nhân sự là tuyến trên trong TNMU dùng thủ đoạn chiếm đoạt các liên gửi hàng tại TNMU để lập hồ sơ giả mạo đề nghị TNMU mua lại hàng rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền của 15 người trên. Người ít thì bị rút mất vài chục triệu đồng, người nhiều lên tới hơn 3 tỷ đồng.
Điển hình là bà Đào Thị Xuân (phố Võ Thị Sáu, Hà Nội) bị các đối tượng là tuyến trên của bà Xuân trong TNMU lừa lấy 80 liên hàng rồi các tuyến trên này giả mạo chữ kí của bà Xuân trong hồ sơ đề nghị TNMU mua lại hàng của bà Xuân và trả lại tiền cho bà Xuân.
Kết quả là chừng tháng 6 năm 2016, bà Xuân phát hiện ra mình đã bị các đối tượng là tuyến trên này "lĩnh" hộ số tiền 442 triệu đồng từ việc đề nghị TNMU mua lại hàng. PV cùng bà Đào Thị Xuân đã có buổi đối thoại với người có tên Nguyễn Văn T. - một nhân sự cấp phó phòng của TNMU làm tại một cơ sở trên Phố Vọng, Hà Nội.
Theo đó, T. thừa nhận mình là người đã đến xin mua lại của bà Xuân 80 liên hàng với giá 250 ngàn đồng/liên. Sau đó, T. bán lại 80 liên hàng này cho một nhân sự cấp cao hạng Ruby tên Thịnh với giá 400 ngàn đồng/liên hàng.
Nạn nhân của Thiên Ngọc Minh Uy bị tuyến trên lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Video tuyến trên trong TNMU khai về "quy trình" lừa tuyến dưới giao liên hàng để giả mạo hồ sơ rút tiền từ TNMU
"Lúc bán cho anh Thịnh 80 liên hàng này, em chỉ nghĩ là anh ấy dùng các liên hàng để lấy hàng còn tiền hoa hồng và thoát thưởng thì bà Xuân vẫn được hưởng. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng sau khi bà Xuân yêu cầu em trả lại 80 liên hàng thì lúc đó cả em và bà Xuân mới biết 80 liên hàng trên đã được lập hồ sơ đề nghị TNMU mua lại hàng và thanh lí hoàn lại 442 triệu đồng. Các giấy tờ, văn bản đề nghị mua lại hàng và nhận lại tiền tại TNMU đều có chữ kí của bà Xuân. Tuy nhiên, đây đều là chữ kí giả mạo", Nguyễn Văn T. nói.
Một trường hợp khác là bà cụ là mẹ của bà Nguyễn Thị Thuý - nhân vật bị các nhân sự trong TNMU cấu kết với tín dụng đen lừa cắm mất nhà để tham gia vào TNMU. Bà Thuý trú tại Đống Đa, Hà Nội có mua cho mẹ của bà Thuý 20 mã hàng tại TNMU trị giá hơn 200 triệu đồng.
Khi gia đình bà Thuý có yêu cầu trả lại số hàng trên thì mới tá hoả toàn bộ số hàng trên đã có hồ sơ đề nghị mua lại hàng và được TNMU trả lại tiền. Tất nhiên, các chữ kí trong đơn đề nghị mua lại hàng gửi TNMU và chữ kí lĩnh tiền từ việc đề nghị mua lại hàng trên đều là chữ kí giả mạo.
Các phần tư liệu tác nghiệp sau đó của nhóm PV tại TNMU đều khẳng định sự tồn tại của sự việc có nhiều nạn nhân bị các nhân sự tuyến trên trong TNMU chiếm đoạt liên hàng, giả mạo chữ kí lập hồ sơ đề nghị TNMU mua lại hàng để chiếm đoạt số tiền từ việc được TNMU mua lại hàng theo đơn đề nghị trên. Đến nay, sau gần 6 tháng từ ngày những nạn nhân này phát hiện việc mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại TNMU nhưng câu trả lời họ nhận được từ TNMU chỉ là công an đang vào cuộc.
Câu hỏi đặt ra là tại sao ở rất nhiều trường hợp có đơn đề nghị TNMU mua lại hàng và hoàn lại tiền mua lại số hàng nêu trên lại bị TNMU gây khó dễ đủ đường và yêu cầu buộc phải có mặt trực tiếp tại TNMU thì công ty này mới giải quyết nguyện vọng trên.
Tuy nhiên, có rất nhiều người trong số những người bị giả mạo hồ sơ lại không hề có mặt trực tiếp làm hồ sơ đề nghị TNMU mua lại hàng và nhất là không có mặt trực tiếp để kí nhận số tiền được TNMU trả lại từ việc đề nghị mua lại hàng nhưng TNMU vẫn duyệt hồ sơ và xuất tiền?
Nhìn nhận về vấn đề này, nhân sự cấp phó phòng trong TNMU Nguyễn Văn T. - người đã mua của bà Đào Thị Xuân 80 liên hàng nói: “Theo lời của tuyến trên của em nói thì đây là chỉ đạo của Tổng Công ty TNMU với các tổng tuyến, chủ cơ sở để ngăn chặn việc người chơi huỷ hợp đồng, trả lại hàng tại TNMU vì khi bị chiếm dụng mất các liên hàng thì họ không còn cơ sở pháp lí để đề nghị công ty mua lại hàng nữa”
Lật tẩy Thiên Ngọc Minh Uy - Bài 4: Cái chết tức tưởi của người phụ nữ vỡ mộng
- Bài 1: Lừa tân sinh viên vay tiền lãi cắt cổ để “cống nạp” - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 2: Giải cứu "siêu" VIP - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 3: Thủ đoạn "cướp" nhà - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 4: Cái chết tức tưởi của người phụ nữ vỡ mộng - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 5: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 6: Chiêu trò chăm sóc sức khoẻ, "đẻ" ra tiền, được "thuốc tiên" - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 7: Chính quyền bảo kê, kết quả thanh tra bị "chìm xuồng"? - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 8: Lỗ hổng khổng lồ "giúp" đa cấp lộng hành - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 9: Đa cấp hoành hành vì lỗ hổng pháp lý - (Bài gốc trên VnMedia)
Bài 4: Cái chết tức tưởi của người phụ nữ vỡ mộng vì Thiên Ngọc Minh Uy
Trước khi mất, bà Kim Thị Liên (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) gắng chút sức tàn trên giường bệnh để kí những nét nguệch ngoạc vào giấy uỷ quyền cho con gái vừa tròn 20 tuổi thay mẹ đòi các quyền lợi hợp pháp còn "mắc kẹt" trong Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU).
Di nguyện cuối cùng
"Dù mẹ em không thể nói nhưng em hiểu và cảm nhận được nỗi day dứt, đau đớn của mẹ em khi dồn toàn bộ số tiền 700 triệu mà bố mẹ em tích cóp suốt những năm tháng làm công nhân để tham gia vào TNMU rồi nhận lại một sự thất vọng tới cùng cực. Có lẽ, đó là lí do mẹ em gắng tỉnh dậy để kí vào tờ giấy uỷ quyền rồi mới chịu đi vào cơn hôn mê sâu trước khi từ giã cõi trần", Thu Hà - người con gái cả của bà Kim Thị Liên nói với PV khi thông báo cho PV nghe về cái chết của bà.
Giấy ủy quyền cho con gái lấy lại tiền từ TNMU - di nguyện cuối cùng của bà Kim Thị Liên
Một ngày trước đó, cùng bà nội, bà ngoại của mình (tức mẹ chồng và mẹ đẻ của bà Kim Thị Liên) tới gặp PV để đề nghị sự giúp đỡ từ PV trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp từ TNMU. Những giấy tờ, chứng từ do gia đình bà Liên cung cấp thể hiện bà Liên tham gia vào TNMU từ tháng 10.2014. Tới đầu năm 2015, bà Liên tham gia mua hàng trị giá 700 triệu tại TNMU thông qua cơ sở Hoàng Giang Phúc (ngõ 61 Lạc Trung, Hà Nội).
"Mẹ em tâm sự, vì mấy người trong TNMU nói đầu tư vào đó một mã 11 triệu, sau hơn 1 năm sẽ nhận lại 35 triệu dù không phải làm gì nên mẹ em muốn đầu tư để có tiền lo cho con cái.
Chị Thu Hà (Con gái cả của bà Liên) trình bày câu chuyện với PV.
Ai ngờ tiền lời chẳng thấy đâu, sau hơn 1 năm, tiền gốc thu lại chỉ có 120 triệu. Đang lúc túng quẫn thì mẹ em phát bệnh viêm gan tự miễn vào tháng 11/2015. Bệnh mẹ em diễn biến nhanh lắm, lúc này, mẹ em mới tiết lộ chuyện tham gia vào TNMU. Được mọi người phân tích và cũng cần tiền chữa bệnh nên mẹ em đã đồng ý để gia đình đi lên TNMU xin huỷ hợp đồng, lấy lại tiền.
Từ tháng 2.2015, em và cậu em lên cơ sở Hoàng Giang Phúc ngõ 61 Lạc Trung vài lần và lên Công ty TNMU tại Đồng Bông, Cầu Giấy vài lần nhưng họ gây khó dễ. Họ nói, kể cả mẹ em có qua đời thì quyền lợi của mẹ em tại TNMU cũng không mất, em và em gái sẽ là người được thừa hưởng", vẫn lời Hà.
Những tư liệu sau đó Thu Hà phối hợp với PV thu thập được tại TNMU cũng thể hiện nội dung Thu Hà bị các nhân sự thuộc TNMU ngăn cản chuyện lấy lại các quyền lợi kinh tế hợp đồng hợp pháp của bà Kim Liên.
Nén hương an ủi
Qua kênh thông tin từ báo chí, Thu Hà đã tìm đến sự trợ giúp từ PV trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của gia đình mình tại TNMU. Ngày 27/4, PV có buổi trực tiếp với gia đình chị Thu Hà. Cuộc gặp có cả sự góp mặt của mẹ đẻ và mẹ chồng bà Kim Thị Liên. Lúc này, bà Liên đang trong trạng thái vô cùng nguy kịch, có thể qua đời bất kì lúc nào. Cuộc gặp thường xuyên bị ngắt quãng bởi những giọt nước mắt của những mái đầu đã bạc phơ khóc thương cho người con gái, con dâu đang trong cơn bạo bệnh. Cuộc gặp còn có cả những giọt nước mắt trên khuôn măng mặt trẻ măng của Thu Hà, con gái cả của bà Liên.
Chị Hà chua chát: “Giá mà TNMU có tình người, lắng nghe em và gia đình trình bày về hoàn cảnh bạo bệnh của mẹ em mà chi trả lại khoản tiền cho mẹ em từ hồi tháng 2.2016 thì có lẽ mẹ em đã có tâm trạng tốt hơn, có được điều kiện điều trị tốt hơn chứ không diễn biến nhanh như thế này”.
Người thân bà Liên kể lại sự việc trong nước mắt.
Video cái chết tức tưởi của người phụ nữ vỡ mộng vì Thiên Ngọc Minh Uy
“Không hiểu sao lúc có người đến kí các giấy tờ ủy quyền, mẹ em lại tỉnh đến như vậy. Bà gượng dậy đọc văn bản, lăn tay rồi kí tá đầy đủ. Sau khi việc kí tá kết thúc, mẹ em mới dần lịm đi. Tới rạng sáng ngày 29/4 thì mẹ em trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Bạch Mai. Em luôn bị ám ảnh bởi khoảnh khắc đó”, chị Thu Hà nhớ lại. Trước tình thế gấp gáp trên, PV đã nhanh chóng hướng dẫn gia đình làm thủ tục uỷ quyền với nội dung bà Liên uỷ quyền cho con gái mình là chị Thu Hà đứng ra giải quyết các công việc liên tới thanh lí hợp đồng và trả lại hàng cho công ty TNMU. Chạy ngược xuôi từ phường nơi gia đình cư trú, rồi gõ cửa rất nhiều các văn phòng công chứng, đến chiều ngày 28/4, gia đình bà Liên mời được cán bộ công chứng của Văn phòng công chứng Hai Bà Trưng tới trực tiếp giường bệnh của bà Liên để thực hiện các thủ tục pháp lí về uỷ quyền với sự cho phép của bác sĩ điều trị.
Ngay sau khi kết thúc dịp nghỉ lễ 30/4 và khi gia đình Thu Hà lo xong việc tang lễ cho bà Liên tạm xong, PV đã nhập vai đi cùng chị Hà tới gặp nhân vật tên Hùng, chủ cơ sở Hoàng Giang Phúc tại ngõ 61 Lạc Trung. Tại cuộc gặp này, chủ cơ sở nói sẽ phải xác minh lại thông tin và quyết định từ tổng công ty mới rõ về hướng giải quyết cho trường hợp cùa bà Liên.
Ngày 3/5, chị Thu Hà đã gửi đơn đề nghị mua lại hàng lên Tổng Công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Sau đó, chị Thu Hà đã đề nghị được gặp các nhân sự có trách nhiệm tại Thiên Ngọc Minh Uy để trình bày về hoàn cảnh và nguyện vọng của gia đình. Chị Thu Hà tiếp tục bị “đẩy” qua bộ phận phòng nghiệp vụ của Thiên Ngọc Minh Uy. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở mức tiếp nhận thông tin, hồ sơ, không có câu trả lời nào về quan điểm giải quyết của Thiên Ngọc Minh Uy.
Qua ngày 20/5/2016, gia đình chị Hà không nhận được bất kì thông tin nào từ Công ty TNMU giải quyết việc trả lại hàng cho bà Kim Liên thông qua người được ủy quyền là chị Thu Hà. Lúc này, PV tìm cách chuyển tải thông tin trên tới lãnh đạo Cục Quản lí Cạnh tranh Bộ Công thương và một số cơ quan chức năng khác có nhiệm vụ giám sát, xử lí các hoạt động bán hàng đa cấp.
Ngay sau động thái này, Công ty TNMU đã gọi chị Hà lên để làm các thủ tục cuối cùng trước khi lĩnh tiền dư còn lại. Kết quả, ngày 31/5/2016, chị Thu Hà được Công ty TNMU trả lại số tiền 380 triệu thông qua việc TNMU hủy hợp đồng, mua lại hàng. “Số tiền này rất quý giá với gia đình em trong lúc hoạn nạn này. Nó càng quý hơn vì đó là di nguyện cuối cùng của mẹ em được thành hiện thực. Nó là một nén hương an ủi vong linh của mẹ em”, Thu Hà tâm sự.
Lật tẩy Thiên Ngọc Minh Uy - Bài 3: Thủ đoạn "cướp" nhà
- Bài 1: Lừa tân sinh viên vay tiền lãi cắt cổ để “cống nạp” - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 2: Giải cứu "siêu" VIP - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 3: Thủ đoạn "cướp" nhà - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 4: Cái chết tức tưởi của người phụ nữ vỡ mộng - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 5: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 6: Chiêu trò chăm sóc sức khoẻ, "đẻ" ra tiền, được "thuốc tiên" - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 7: Chính quyền bảo kê, kết quả thanh tra bị "chìm xuồng"? - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 8: Lỗ hổng khổng lồ "giúp" đa cấp lộng hành - (Bài gốc trên VnMedia)
- Bài 9: Đa cấp hoành hành vì lỗ hổng pháp lý - (Bài gốc trên VnMedia)
Bài 3: Thủ đoạn "cướp" nhà
Đây là thủ đoạn mà một số nhân sự thuộc TNMU áp dụng với các trường hợp là người già sống một mình, độc lập trong việc sở hữu đất và tài sản trên đất.
Cướp nhà để "tận thu"
Trường hợp đầu tiên PV hỗ trợ là một cụ Đặng Văn Ân (SN 1938, trú tại 123 Linh Quang, phường Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội).
Theo lời cụ Ân, chừng tháng 4.2015, cụ Ân được một một người bạn là đại tá quân đội mời đi chơi, giao lưu, rồi được đưa đến một cơ sở được giới thiệu là chăm sóc sức khỏe của Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU).
"Tôi tin ông bạn tôi và nghe nhân viên TNMU nói bùi tai kiểu mua 1 mã gần 12 triệu được lại 35 triệu tiền hoa hồng, lại được chăm sóc sức khỏe nên tôi mua 62 mã hết hơn 700 triệu tại đại lí của TNMU có tên Hoàng Phi nằm trên đường Nguyễn Khang, Cầu Giấy", cụ Ân cho biết.
Ngôi nhà gần 100m2 giữa trung tâm Hà Nội của cụ Ân chỉ đổi được 54 mã hàng trị giá 700 triệu của Thiên Ngọc Minh Uy.
Ngay sau khi tham gia 62 mã nêu trên, cụ Ân được trả 126 triệu tiền hoa hồng. Thấy "dễ ăn", cụ Ân tiếp tục đầu tư. "Sau hơn một tháng, tôi tham gia vào TNMU hơn 1,3 tỉ đồng", cụ Ân nói.
Tổng cộng sau 5 tháng, cụ Ân tham gia một tỷ tám trăm năm mươi triệu đồng vào đa cấp TNMU. Trong thời gian đó, có 3 lần cụ Ân được nhận tiền tri ân, tổng cộng là 358 triệu đồng.
"Tới tết âm lịch 2016, tôi gặp hai anh tên Nguyễn Trí Thực (chủ cơ sở đa cấp TNMU tên Hoàng Phúc tại số 4, lô 6, Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội) và một anh tên Tuần, cũng là người tham gia kinh doanh đa cấp tại TNMU. Lúc này, hai anh này thuyết phục rằng tôi chỉ thiếu 54 mã dưỡng sinh nữa là sẽ lên cấp trưởng phòng, được hưởng chế độ cao hơn rất nhiều. Tôi chỉ cần bỏ ra 700 triệu mua 54 mã này, sau vài tháng sẽ thu lại vốn gốc. Sau khoảng 1 năm thì có vài tỷ đồng", cụ Ân kể.
"Lúc này, tôi nói với Thực và Tuần rằng tôi đã cạn sạch tiền, chỉ còn tài sản đáng giá duy nhất là mảnh đất hơn 100 m2 và ngôi nhà trên đất nằm ở sau Ga Hà Nội. Tuy nhiên, tôi không thể vay được ngân hàng từ việc cắm mảnh đất này vào ngân hàng nếu không có các con tôi kí tá, bảo lãnh.
Thực và Tuần mới nói bọn họ rất thân với ngân hàng, có thể vay mà không cần các con tôi kí tá. Các anh ấy dặn là nếu để các con tôi biết là hỏng việc. Tôi làm theo lời các anh ấy dặn. Tháng 2/2016, Thực và Tuần đến nhà đón tôi cùng sổ đỏ đi vay ngân hàng.
Tuy nhiên, địa điểm duy nhất mà họ dẫn tôi đến là một văn phòng công chứng quận Hai Bà Trưng. Tại đây, họ đưa tôi một mớ giấy tờ và nói tôi kí, điểm chỉ vào đó. Bình thường, mắt tôi đã kém, muốn đọc chữ phải dùng kính lúp mới đọc được và cũng do tin tưởng tuyệt đối nên họ bảo kí đâu thì tôi kí, điểm chỉ ở đâu thì tôi điểm chỉ ở đó. Sau đó, Tuần nói với tôi là tôi đã được sở hữu thêm 54 mã sản phẩm, tôi được lên chức trưởng phòng”, vẫn lời cụ Ân.
Trong khi đó,anh Đặng Quang Thắng, con trai cụ Ân bức xúc cho biết: "Việc bố tôi cắm nhà chỉ bị chúng tôi phát hiện khi ngày 7/3 một người đàn ông đến nhà bố tôi và đòi xem đất, nhà để thẩm định mua bán gì đó. Chúng tôi ngạc nhiên hỏi lại là sao lại xem nhà bố tôi thì người đàn ông này nói căn nhà đó đã không phải là nhà của bố tôi nữa. Sau đó, họ xuất trình giấy tờ công chứng sang tên đổi chủ của mảnh đất thì chúng tôi thấy chủ mảnh đất là vợ chồng ông tên Lê Quang Việt và bà Trần Thị Thu Hà, có địa chỉ thường trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội. Lúc này, cả đại gia đình tôi choáng váng, hoảng loạn".
Để làm rõ vấn đề, các con cái trong gia đình cụ Ân đã tìm tới tất cả các nhân vật liên quan để bằng mọi giá đòi lại nhà, đất. "Đầu tiên là gặp Thực và Tuần, hai người này thừa nhận dẫn bố tôi đi vay tiền, đi công chứng để sang tên sổ đỏ và sang tên cho bố tôi 54 mã hàng trong TNMU. Họ vẫn khăng khăng là dẫn bố tôi đi vay ngân hàng. Lúc này, dù rất ức chế nhưng tôi và gia đình xác định phải gom tiền lấy lại mảnh đất, nhà nên đã đề nghị Thực và Tuần cho trả lại 54 mã hàng bố tôi vừa mua. Họ đồng ý nhưng khấu trừ của bố tôi hơn 40 triệu", anh Thắng kể.
Anh Nguyễn Văn Thắng, con trai cụ Nguyễn Văn Ân: "Người của Thiên Ngọc Minh Uy đã cấu kết với tín dụng đen để lừa bố tôi".
Video cụ già 80 tuổi tham gia Thiên Ngọc Minh Uy bị "cướp" mất nhà
“Gia đình tôi tiếp tục tìm đến gặp vợ chồng ông Lê Quang Việt và bà Trần Thị Thu Hà - hai người "chủ mới" của mảnh đất trước đó là của bố tôi. Họ nói họ không có quyền quyết với mảnh đất, nhà trên đất đó, dù họ đứng tên. Gia đình tôi xin số liên lạc của người có quyền quyết để liên lạc làm việc cụ thể. Sau khi có được số máy này, tôi vội kết nối thì được họ tiết lộ rằng họ là dân kinh doanh tài chính tư nhân, là người đứng ra giải ngân tiền cho ông cụ nhà tôi", anh Thắng nói tiếp.
Việc cụ Ân bị các đối tượng là nhân sự của TNMU cấu kết với tín dụng đen lừa sang tên nhà để lấy tiền tham gia mua mã hàng của TNMU cũng được lãnh đạo Công ty này nắm được và có xác minh. PV và cụ Ân đã trực tiếp có buổi làm việc với đại diện TNMU có sự tham gia của ông Nguyễn Trí Thực – người thuộc TNMU bị gia đình cụ Ân tố cấu kết với tín dụng đen để lừa cụ Ân sang tên nhà. Tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Trí Thực có thừa nhận các nội dung do gia đình ông Ân tố cáo là có cơ sở.
Nhờ sự can thiệp từ tứ phía, gia đình anh Thắng lấy lại được sổ đỏ sau khi chịu thiệt 300 triệu cho phía những người được cụ Ân sang tên đất vào trước đó.
Vụ "cướp" nhà thứ hai
Là trường hợp của bà Nguyễn Thị Thuỷ, số nhà 9, ngõ 234 Trường Chinh, Đống Đa. Theo các chứng từ do bà Thuỷ cung cấp thì bà tham gia vào TNMU từ tháng 4/2015 thông qua cơ sở Hoàng Giang Phúc Xã Đàn (số 31, ngõ198 Xã Đàn, Hà Nội).
Bà Thuỷ bị "thuyết phục" bởi lời tư vấn bỏ ra 11,8 triệu đồng mua mã dưỡng sinh sẽ được nhận lại 37 triệu đồng trong 1 năm mà không phải làm gì nên lấy hơn 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm ra để mua các mã dưỡng sinh. "Ngay tháng sau, tôi nhận được vài trăm triệu tiền tri ân. Lúc này, tôi lại càng tin vào cơ hội làm giàu", bà Thuỷ nói.
“Lúc này, họ nói tôi cần đầu tư thêm khoảng 1,7 tỷ nữa, một người giới thiệu cùng làm trong TNMU tên Hiền có biết tôi đứng tên sở hữu một căn nhà tại đường Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội) nên họ nói tôi cầm sổ đỏ ra để họ giúp vay tiền từ ngân hàng. Tuy nhiên, nếu tôi muốn vay thì phải có con cái tôi đồng ý. Lúc đó, Hiền nói cứ cầm sổ đỏ ra thì họ khắc giúp vay được.
Tôi cầm sổ đỏ ra thì họ yêu cầu tôi sang tên cho một người tên Đỗ Thị Hà để bà Hà này đứng ra vay tiền. Thấy tôi lăn tăn, mấy người này liền làm một hợp đồng giữa tôi và một công ty do bà Hà làm Phó Giám đốc với nội dung: Tôi sang tên đất cho bà Hà để nhờ bà Hà đứng ra vay tiền từ ngân hàng. Trong 1 năm nếu tôi có tiền trả lại bà Hà thì họ sẽ trả lại nhà”, vẫn lời bà Thúy.
Sau những thủ tục vay ngân hàng kiểu lòng vòng trên, bà Thuý được “giải ngân” 1,7 tỷ đồng nữa để tiếp tục dùng toàn bộ số tiền này vào các mã hàng nâng tổng số tiền than gia vào TNMU lên 3,2 tỉ đồng. "Sau gần hai năm tham gia, tôi mới nhận được khoảng gần 600 triệu tiền tri ân, hoa hồng...”, lời bà Thuý.
Nhận ra sai lầm khi tham gia đầu tư vào TNMU, bà Thuý đã tìm tới sự tư vấn của PV để làm thủ tục đề nghị mua lại hàng và nhận lại được 1,7 tỷ đồng.
“Tuy nhiên, tới ngày 19/5, có hai người xưng là cán bộ xử lí nợ của ngân hàng Vietcombank tới nhà tôi để thông báo về việc siết nợ ngôi nhà này trong vòng 10 ngày tới nếu người đứng ra vay cắm ngôi nhà này vào ngân hàng không thanh toán tiền lãi trong 6 tháng. Lúc này, tôi mới biết là ngôi nhà cuả tôi đã bị bà Đỗ Thu Hà cắm vào ngân hàng Vietcombankchi nhánh Gia Lâm để vay số tiền 3,8 tỷ đồng. Trên thực tế, hàng tháng tôi vẫn phải nộp tiền lãi khoản tiền tôi vay cho chị Hiền để chị này trả ngân hàng”, bà Thuý nói.
Khi biết được việc này, gia đình bà Thuý đã tức tốc đi xác minh về bà Đỗ Thu Hà và Công ty do bà Hà làm Phó Giám đốc. Tuy nhiên, mọi việc xác minh này đều không mang lại kết quả.
Trong vai người nhà của bà Thuý, PV gọi điện cho bà Huê, chủ cơ sở Hoàng Giang Phúc Xã Đàn để hỏi về trường hợp cắm nhà, đất để tham gia mua mã hàng tại TNMU. Bà Huê xác nhận: Bà Thuý có tham gia mua 3,2 tỷ tiền hàng tại TNMU thông qua cơ sở Hoàng Giang Phúc.
Bà Huê cũng thuật lại việc bà Thuý sang tên sổ đỏ cho bà H. Diễn ra tại cơ sở diễn biến như sau: Bà Hiền là một nhân sự tham gia kí hợp đồng bán hàng đa cấp với TNMU trị giá 8 tỷ đồng. Bà Hiền sang cơ sở Hoàng Giang Phúc Xã Đàn nói với mọi người việc vay tiền từ các ngân hàng sẽ bị mất phí từ 1 – 2 %. Tuy nhiên, nếu thông qua bà Hiền thì sẽ không mất đồng phí nào mà chỉ phải trả lãi ngân hàng. Sau đó, bà Huê tạo điều kiện cho bà Hiền và bà Thuý lên làm việc riêng với nhau tại cơ sở Hoàng Giang Phúc để nói chuyện cắm sổ vay tiền.
"Giờ gia đình tôi chỉ còn nước làm đơn lên công an để làm rõ vụ việc này”, bà Thuý cho hay.
Đọc nhiều nhất
-
Đường Định mệnh (Sự nghiệp/May mắn)
Dẫn nhập: ngày trước cũng tò mò về cái chủ đề chỉ tay, rồi xem tay, rồi tự đọc và tìm hiểu loạn xị cả lên, thực ra kết quả chính là để loè g... -
Phim: Buddha – Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca
Bộ phim Buddha về cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ đản sanh đến niết bàn. Bộ phim lấy cảm hứng ( hoặc cũng có thể gọi là được chuyển t... -
Nếu không có thực lực, bạn chỉ là kẻ ăn bám
Dựa vào núi núi đổ, dựa vào người người chạy, chỉ có tự dựa vào chính mình mới là đáng tin cậy nhất. Ba mẹ có là ông nọ bà kia đi chăng nữa... -
10 kỹ năng & nguyên tắc giúp bạn trở thành chuyên gia
Kiến thức là vô cùng quan trọng và một điều tuyệt nhiên luôn đúng là nếu muốn thành công, bạn cần có một nền tảng kiến thức vững chắc. Tuy... -
Tại sao nhà Tây Sơn sụp đổ?
© Giang Lê - The X file of History Trong lịch sử Việt Nam tồn tại không ít các cuộc khởi nghĩa nông dân; tuy nhiên đỉnh cao nhất phải kể ... -
Ghen tuông có phải là hèn nhát không?
Ghen tuông là rất phức tạp. Nó có nhiều thành phần trong đó. Sự hèn nhát cũng là một trong số đó; thái độ ích kỷ là một phần khác; ham muốn... -
Xem phim "Analyze This" của Robert De Niro
Hôm nọ có xem cái phim "Analyze This" của Robert De Niro về xem, thấy vui vui, nay giới thiệu sơ sơ với mọi người...
Tham khảo
Liên kết web
Phân loại
Báo chí
(55)
Văn hoá
(33)
Tâm lý
(29)
Tán nhảm
(27)
Công nghệ
(25)
Blog
(17)
Xã hội
(16)
Nghề nghiệp
(15)
Phim
(15)
Quora
(14)
Con người
(13)
Kinh doanh
(13)
Nhạc
(13)
Cuộc sống
(11)
Kỹ năng
(11)
Marketing
(11)
Công cụ
(10)
Lập trình
(10)
Lịch sử
(10)
Sách
(10)
Cặp đôi
(9)
Phát triển
(9)
Thiền
(8)
Tình yêu
(8)
Tản mạn
(7)
Sức khoẻ
(6)
Chính trị
(5)
Giáo dục
(5)
Hạnh phúc
(4)
Kim Dung
(4)
Kiếm hiệp
(4)
Mạng xã hội
(4)
Phát triển cá nhân
(4)
Phần mềm
(4)
Tiền tệ
(4)
Tài chính
(4)
Thực hành
(3)
Tâm linh
(3)
Quản lý công việc
(2)
Quản lý thời gian
(2)
Tiếp thị
(2)
Chăm sóc khách hàng
(1)
Làm việc
(1)
Lãnh đạo cá nhân
(1)
Nguỵ biện
(1)
Quản lý cá nhân
(1)
Thương hiệu
(1)
Tình dục
(1)