9:31 CH @ Thứ Ba, 20 tháng 9, 2005

Tranh nude và tâm lý 'tự sợ' của người Việt

Loạng quạng đi đọc báo thì thấy cái bài viết này hay hay. Quả đúng là như vậy, xem tranh nude hay ảnh nude ở cái xứ Việt nam này đúng là luôn có cái cảm giác "sờ sợ", nhưng mà thú vị... ;)

Đọc trong bài viết thấy bài báo nói rằng 11/11 này sẽ triển lãm ở 39 Lý Quốc Sư, vậy nếu ở Lý Quốc Sư, Hà nội thì có lẽ planning đến xem tranh phát nhể, đề tài này thú vị đây! :D

Xin đăng lại bài báo phục vụ quý bạn ghé thăm (hoặc để tự đọc hay để cái blog nó đầy :D)

Nguồn: VnExpress



Ngày 11/11, các họa sĩ Lê Thiết Cương, Trần Huy Hoan và Đỗ Sơn sẽ cùng Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Quân, Dương Minh Long... tổ chức một triển lãm tại 39 Lý Quốc Sư về đề tài "Nude". Họ tâm sự với VnExpress xung quanh đề tài này.
Họa sĩ Lê Thiết Cương: "Tranh nude chỉ phát triển khi ta khắc phục tâm lý tự sợ"
Tôi bắt đầu vẽ nude từ năm 1991. Bức tranh đầu tiên - "Mất ngủ" - tôi vẽ một người đàn bà đang nằm ngủ, nhưng dáng vẻ đầy trằn trọc, thao thức. Từ đó đến nay tôi có khoảng 10 bức tranh về đề tài này, trong đó có 5 bức không hoàn toàn là nude mà là sex.
Bất kể sinh viên nào khi nhập môn vào nghề họa đều phải vẽ nude bởi tất cả vẻ đẹp của thiên nhiên đều kết tụ vào trong vẻ đẹp của con người, trong những tương quan về đường nét, tỷ lệ. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các họa sĩ dù ít hay nhiều đều đến với đề tài này.
Có nhiều quan niệm về tiêu chí của một bức tranh nude đẹp. Nhưng theo tôi có 2 yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của một tác phẩm nude, ấy là nhục cảm và mỹ cảm. Nhục cảm được tôi đưa lên làm yếu tố đầu tiên. Đây là cái nhục cảm giữa nam và nữ, là sự cảm nhận của con người về cái đẹp nói chung chứ không phải là nhục cảm giữa họa sĩ với một người mẫu nào cụ thể. Chính vì thế, cái gọi là mỹ cảm được tôi đề cập đến ở yếu tố thứ 2 phải là mỹ cảm mỹ thuật, tức là thứ mỹ cảm được nâng lên thành cảm hứng sáng tạo cho người nghệ sĩ chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở những cảm xúc về cái đẹp như ở người thưởng thức.

gssegưe
Tác phẩm của họa sĩ Đỗ Sơn.
Không ít họa sĩ VN vẽ nude nhưng chúng ta chưa có nhiều cuộc triển lãm về đề tài này. Nguyên nhân chủ yếu theo tôi không phải do họa sĩ sợ lộ danh tính người mẫu như một số người đề cập, bởi những bức tranh để lộ danh tính người mẫu như thế là những tác phẩm ở dạng bài tập của sinh viên. Điều chủ yếu theo tôi là chúng ta có một tâm lý tự sợ. Nhưng người ta quên mất thực tế rằng các cụ ta xưa từng rất nhiều lần thể hiện đề tài này trong nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền. Tôi có thể dẫn chứng hàng loạt ví dụ về đề tài nude từng xuất hiện trong lịch sử nghệ thuật VN, trong đó, tiêu biểu nhất là nắp thạp đồng Đào Thịnh với hình ảnh một đôi nam nữ đang ân ái. Ngoài ra, chúng ta có rất nhiều hình ảnh nude trong các tác phẩm gốm sứ và điêu khắc của đình chùa... Đề tài nude chỉ phát triển một khi chúng ta khắc phục được tâm lý tự sợ này.
Họa sĩ, nhà nhiếp ảnh Trần Huy Hoan: "Khi thật liều lĩnh thì tôi chụp vợ"
Tôi vẽ tranh nude từ những năm 1975-1976. Thời kỳ này, định kiến về tranh ảnh nude còn rất nặng nề. Mọi người xem công việc của họa sĩ vẽ nude như là một hành vi phạm pháp.
Lúc ấy tôi đang là sinh viên Đại học Mỹ thuật. Hằng tuần tôi có những giờ vẽ hình họa nude. Có lẽ những giờ học này là “thủ phạm” đẩy tôi đến với ảnh nude.
Cũng vì tâm lý chung của thời bấy giờ là như vậy nên những bức ảnh nude đầu tiên của tôi lại là tượng. Những lúc thật liều lĩnh và khao khát thì tôi chụp vợ nhưng phải dặn đi dặn lại với cô ấy là nếu có gì thì nói đây là ảnh “nội bộ”.

gáưeg
Tranh của họa sĩ Trần Huy Hoan (nằm trong bộ sưu tập của Nguyễn Gia Chiến).
Dẫu khó khăn như vậy nhưng tôi không quên nổi cái cảm giác lo sợ trộn lẫn với sung sướng khi từ trong khay thuốc ảnh lờ mờ hiện lên những đường cong mỹ miều trong ánh sáng đỏ nhờ nhờ của phòng tối.
Tranh ảnh nude hấp dẫn khán giả cũng như người nghệ sĩ bởi nó vừa đẹp mà vừa gợi cảm, vừa là lạ mà lại quen quen, vừa cụ thể mà vừa trừu tượng. Rõ ràng là hở hang mà lại hơi thiêu thiếu. Khi đã khỏa thân rõ ràng ít có sự phân biệt giữa người phương Tây và người phương Đông vì đó đều là những vẻ đẹp của con người. Nhưng nude phương Đông vẫn cần thể hiện được cái gì đó là kín đáo, là vẻ đẹp đoan trang của người Á Đông.
Tuy vậy cho đến nay, tâm lý tiếp nhận của người Việt Nam với đề tài này, theo tôi, còn đang là một cuộc dò xét. Họ mang tâm lý giống như khi bàn về sinh lý.
Họa sĩ Đỗ Sơn: "Người Việt chưa có thói quen chơi tranh nude"
Tôi vẽ nude từ năm 1994, xuất phát từ những cảm hứng về vẻ đẹp của bãi biển, bờ cát và con người. Bức tranh nude đầu tiên có tên là "Tắm tiên". Nhà tôi ở Bắc Ninh, có con sông Cầu chảy quanh, chiều chiều những người phụ nữ trong làng thường ra tắm sông. Chân trần và lưng trần, nhìn vào đó bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được vẻ đẹp kỳ diệu của con người. Là người nghệ sĩ, tôi muốn thể hiện những cảm nhận của mình về vẻ đẹp ấy bằng màu sắc và đường nét.
Tiêu chí để đánh giá một bức tranh đẹp còn tùy thuộc vào quan niệm cá nhân và tùy thời. Ví như trước đây tranh nude đi sâu vào sự thể hiện một cách cụ thể theo phong cách cổ điển, miêu tả con người giống như thật, thì thời hiện đại người nghệ sĩ tôn trọng nhịp điệu của bức tranh. Nghĩa là hội họa hiện đại thể hiện được những màu sắc đậm nét, táo bạo bằng nhiều hình tượng, nhiều bút pháp khiến cho người xem cảm thấy nhịp điệu gấp gáp, mạnh mẽ của cuộc sống ngày nay.
agsg
Tác phẩm của họa sĩ Đỗ Sơn.
Tất nhiên, một trong những yếu tố quan trọng trong khi vẽ là cảm xúc của người nghệ sĩ trước vẻ đẹp của người mẫu. Đó là những rung động rất người, rất tự nhiên và trong sáng và đã là nghệ sĩ thì không thể vô cảm trước những vẻ đẹp này.
Ở VN, tranh nude chưa phát triển, nó mới được giảng dạy trong trường như bộ môn hình họa cơ bản. Người Việt mình cũng mới chỉ buôn tranh nude chứ chưa có thói quen chơi tranh nude.
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi