3:00 CH @ Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Ngô Tuấn Lý Thường Kiệt: Phá Tống


Đây là bài viết của bạn Dũng Phan trên page "The X file of History" về Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt.

Page "The X file of History" là một page rất hay trên Facebook (tốn của tui kha khá thời gian), nhưng bực nhất là các bài thường post theo kiểu mô tả ảnh nên khi xem lại thì chữ đọc rất khó chịu, thế nên copy ra đây để đọc lại cho dễ dàng.

Và để tham gia bình luận trao đổi, mời vào trực tiếp tại page "The X file of History".

Phần trước: Bình Chiêm



Câu chuyện hôm nay để hiểu về con đường mà cha ông ta đã từng đi. Hãy góp phần bảo vệ quê hương, đấy là vùng đất cha ông ta đổ xương máu để giành được. Lịch sử luôn công bằng, lịch sử sẽ hỏi ta rằng, đất không phải là ta giành được, đất là do cha ông đổ máu mà có, thế hệ sau hãy phát triển hoặc giữ gìn mảnh đất chứ đừng phá công sức của cha ông.

Nếu hôm nay phá hoại tấc đấc của cha ông, ngày xuống suối vàng, trả lời sao với tiền nhân đây?



PHÁ TỐNG

Các bạn đây hẳn đã từng đọc hoặc xem “Thiên long bát bộ” của Kim Dung rồi chứ. Hà hà. Nhiều fan kiếm hiệp đang khấp khởi mừng thầm rồi. Tạm thời tôi không nói sâu về những Tiêu Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc hay Mộ Dung Phục. Tôi sẽ nói về một chi tiết trong tác phẩm này để các chú ý. Thiên Long Bát Bộ thực là cuộc chiến giữa 5 nước: nhà Tống, Đại Lý, Đại Liêu, Thổ Phồn và Tây Hạ. Ngoài ra còn thấp thoáng một quốc gia bị diệt vong đang mong phục quốc: Đại Yên của nhà Mộ Dung Cô Tô. Có bao giờ các bạn thắc mắc, thời điểm đó Đại Việt ở đâu? Và cùng thời ấy là thời nào của triều đại nước ta?

Câu trả lời chính là thời Lý. Đó cũng là giai đoạn Đại Việt và Đại Tống có một trận can qua. Nơi đó, người thật việc thật: Lý Thường Kiệt của chúng ta đã “thổi bay” 10 vạn quân Tống. Trước đó có một trận đánh kinh thiên động địa ở các Châu Ung, Châu Khiêm, sát nách Đại Lý. Nghe đâu Đại Lý Đoàn Thị qua giúp sức, Nhất Dương Chỉ mới thi triển được 3 phần, thì bị Lý Thường Kiệt đằng không bay lên cho một chưởng “Thăng Long pháo” văng xuống sông, trôi mất xác (À, tôi đùa thôi! 😁)

Kim Dung không thể và không dám đưa Đại Việt vào là để ta thấy đất nước ta đáng tự hào đến thế nào. 5 nước xung quanh Đại Hán hôm nay không còn xuất hiện trên bản đồ nữa, chỉ dùng làm nguyên liệu cho văn học. Chỉ có đất nước ta, một cõi sơn hà, độc lập và phát triển. Ấy chính là vì đất này luôn sinh ra người tài để bảo vệ lãnh thổ, đất này luôn sinh ra anh hùng.
Nếu cái ngày hôm ấy Lý Thường Kiệt không có, hay trước đó chúng ta không có những Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh. Sau này không có những Quang Trung, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo. Chỉ e chúng ta cũng là một phần của Thiên Long Bát Bộ rồi.

Tại sao tôi lại bắt đầu bằng Thiên Long Bát Bộ? Không đơn thuần là để các bạn có sự liên tưởng thú vị qua đó dễ nhớ sử ta hơn (do truyền hình ta làm phim dở quá). Mà để ta biết điều này: nhà Tống đánh nước ta, ắt có uyên nguyên với cuộc chiến phía Bắc với Đại Liêu, Thổ Phồn và Tây Hạ.

Có hai giả thiết:
  1. Thứ nhất: Đại Việt và Đại Liêu có thể có thư từ qua lại. Nếu Đại Liêu đánh xuống và Đại Việt đánh lên, Đại Tống bị kẹp ở giữa, lưỡng đầu thọ địch. Và họ quyết định ra tay trước.
  2. Thứ hai: Lúc này, Vương An Thạch đang tiến hành cải cách trong nước, gây ra xáo trộn mạnh. Muôn đời, khi trong nước loạn, lãnh đạo luôn kiếm kẻ thù bên ngoài để làm yên lòng dân bên trong và tạo sự đoàn kết. Và nhà Tống chọn Đại Việt, vì họ luôn nghĩ rằng miếng đất phía Nam này vốn thuộc về họ. Lấy Đại Việt là muốn biến Đại Việt và vùng phía Nam trở thành hậu phương cho nhà Tống đánh phía Bắc. Nơi cung cấp lương thực, nhân khẩu cho chiến tranh với Đại Liêu.

Các bạn nhớ cho điều này “Lịch sử là vòng tròn đồng tâm”.
Về giả thiết thứ hai: Hãy nhìn hiện tại hôm nay luôn, Tập Cận Bình “đả hổ diệt ruồi”, gây xáo trộn bộ máy. Cũng tương tự như Vương An Thạch hồi thế kỷ XI. Bên ngoài Ấn Độ và Mỹ luôn ngăm nghe Trung Quốc, Tây Tạng thì luôn bạo động, xã hội TQ ngày càng bất mãn, ô nhiễm rất lớn. Y như giai đoạn Đại Tống và Đại Liêu kiềm nhau. Nhìn quanh quất, họ lại để ý thằng em tội nghiệp Việt Nam này ấy chứ. Dù rằng chiến tranh thời hiện đại không phải muốn chiến là chiến.
Còn giả thiết thứ nhất cho bạn bài học gì? Câu chuyện Việt Nam luôn “đi trên dây” với Mỹ và Trung Quốc là vì như vậy. Chúng ta phải làm bạn, phải khéo léo với tất cả. Cho nên cảm phiền bớt chửi lại. Chính trị là một ván bài phức tạp. Giữa các nước lại càng đau đầu. Nhưng ta cũng cần tự vấn: liệu ta có một Lý Thường Kiệt của hôm nay hay không?
Suy ngẫm hiện đại đủ rồi. Giờ quay lại chuyện chính. Theo lý nào đi chăng nữa, thì Đại Tống cũng muốn “ăn” Đại Việt.
Các bạn biết Đại Tống làm gì đầu tiên không? Mua chuộc và Hứa hẹn. Mua chuộc ai? Các tù trưởng phía Bắc biên giới để họ dọn đường cho quân Tống tiến vào Thăng Long. Hứa hẹn ai? Hứa hẹn với Champa và Chân Lạp. Tạo thế hai vọng kềm đánh vào Đại Việt.

Nghe quen không? Ba mươi năm trước, ta cũng phải đánh nhau hai đầu biên giới với Trung Quốc và Campuchia (Đặng Tiểu Bình và Pôn Pốt). Đúng kiểu kẹp 2 đầu luôn. Giờ đã tin tôi nói “Lịch sử là vòng tròn đồng tâm” chưa? Bởi vậy lịch sử quan trọng, vô cùng quan trọng. Nó là bài học cho dân tộc tồn tại và phát triển. Còn ai thích tô hồng hoặc bóp méo, xóa sổ lịch sử ra khỏi giáo dục thì sẽ trả giá vì không biết rút bài học (muôn đời người ta chỉ rút bài học từ cái sai của mình). Nhưng lỗi không phải của học sinh mà vì cách dạy đã khiến các em không đam mê. Để giờ lại đòi xóa bỏ môn học này.

Gọng kềm vì thế cứ từ từ siết chặt lấy Đại Việt từ các hướng. Trên biển, phía Nam là Chân Lạp, Champa. Bên trên là các cánh quân đang điều động và các vị tù trưởng phía Bắc. Tưởng tượng như một dây thòng lọng xiết lại từ từ. Bạn phải biết nhà Tống rất khôn. Đánh nhưng lại cố tình như không đánh, tất cả đều làm âm thầm. Thậm chí còn không dám tiếp nhận tù trưởng nắm vị trí trọng yếu của nhà Lý vì sợ “rút dây động rừng”. Ta biết được chẳng qua vì mật thám và tình báo của nhà Lý giỏi thôi. Cha ông ta dù mang tiếng thần phục, nhưng luôn đề phòng dã tâm ở đất Bắc.

Lý Thường Kiệt – càng nghĩ tôi càng thấy ông quá giỏi. Không chỉ giỏi mà còn bản lĩnh nữa. Kẻ hèn thì rúm ró, người bản lĩnh thì sẽ nghĩ: “Đứng trước cái thòng lọng xiết lại đó, sao không lòn khỏi thòng lọng và đấm cho mỗi thằng mỗi quả đi?” Ở đây không chỉ dũng cảm, mà còn tự tin mình giỏi, biết mình giỏi, dám làm.

Tháng 8/1075, Lý Thường Kiệt kéo quân xuống phía Nam đánh Chiêm Thành, đuổi Chiêm Thành ra khỏi biên giới, và để lại một lượng lớn dân di cư và quân đội ở các châu vừa chiếm được. Đấm quả đấm đầu tiên.

ĐÁNH TRÊN ĐẤT ĐỊCH

Tháng 10/1075, Lý Thường Kiệt kéo quân lên phía Bắc, tấn công toàn biên giới Trung Quốc, đánh cho nhà Tống một trận tối tăm mặt mũi. Đấm quả đấm thứ hai.

Tại nơi đây, chúng ta được chứng kiến một trận chiến vô tiền khoáng hậu trong lịch sử dân tộc này.

Lý Thường Kiệt không phải đánh chơi, mà là đánh thật. 10 vạn quân chia làm hai đường thủy bộ tập kích các châu Khâm, châu Liêm.

À, ở đây có bạn nào ở Quận 4 – TPHCM nhỉ? Đường Tôn Đản đã ghi sai. Tên đúng phải là Tông Đản. Và Tông Đản chính là vị tướng tập kích Châu Ung (còn Lý Thường Kiệt tập kích châu Khâm, Liêm). Giờ qua đường đó nhớ biết nhé.

Tông Đản đánh trước, ông cùng các tù trưởng phía Bắc ào ạt đánh hướng Tây Nam, dẹp các trại Hoành Sơn, Vĩnh Bình, Thái Bình, Tây Bình của Tống nằm gần biên giới. Nhân đà thắng lợi, cho tiến quân về thành Ung Châu. Thành Ung Châu cầu cứu ở các thành khác. Không ai biết rằng cánh quân của Lý Thường Kiệt đang lặng lẽ đánh úp từ phía Đông Nam (quá hấp dẫn).

Giữa tháng 11/1075, khi chiến sự đang đổ dồn mắt về phía Tông Đản ở Tây Nam, thì Lý Thường Kiệt đi đường thủy, trong đêm tập kích vào thành Khâm Châu. Lặng lẽ và hiệu quả tới mức khi bắt quan giữ thành Khâm Châu là Trần Vĩnh Thái thì đồng chí này vẫn đang nhậu nhẹt. Ba ngày sau đến lượt Liêm Châu bị hạ. Quan giữ thành là Lỗ Khánh Tôn cùng thuộc hạ bị giết chết. Quân nhà Lý bắt hơn 8000 tù binh, ép làm khuân vác, thu gom của cải lên thuyền chở thẳng về Đại Việt.

Trong 3 châu, như vậy chỉ còn Châu Ung.

Lý Thường Kiệt đưa thư sang cho Tông Đản. Hai bên cùng kéo quân từ hai hướng tiến về Châu Ung.

Ok. Dừng tại đây. Các bạn biết về Lý Thường KIệt đều biết về bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà”. Ý nghĩa bài thơ này ngoài một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc, còn là cái nâng cao sĩ khí để Đại Việt trụ vững trước cuộc tiến công của Quách Quỳ ở sông Như Nguyệt. Cái này SKG hi hi.

Nhưng nếu bạn chỉ biết Lý Thường Kiệt mỗi Nam Quốc Sơn Hà thì bạn đã đánh giá ngài thấp quá rồi. Ở phần 1 tôi đã nói cho các bạn biết: đây là một bậc đại trí, đại dũng, văn võ song toàn, mặt đẹp như ngọc. Còn nhớ chứ? Cái “văn” của Ngô Tuấn không chỉ ở bài thơ ấy đâu, mà còn một cái hịch chiếu nữa trên đất Bắc.

SGK viết rằng: Lý Thường Kiệt trước khi đánh, thảo chiếu nói rõ mục đích khiến dân thành Ung Châu chào đón. Haha. Cái này không phải tự sướng đâu. Thật đấy! Lý Thường Kiệt đã nhìn nhận Ung Châu “thành cao, hào sâu”, “thủ dễ, khó công”, cực kỳ mệt mỏi, chưa kể lúc này châu Khiêm, Liêm đã bị đánh, hoàn toàn nơi đây có thể phòng bị kỹ càng, cố sống chết để đánh. Thế là Lý Thường Kiệt cho chiếu đi trước, lính đi sau, đánh vào tâm lý người dân Tống.

Trời sinh ra dân chúng, Vua hiền ắt hoà mục. Đạo làm chủ dân, cốt ở nuôi dân. Nay nghe vua Tống ngu hèn, chẳng tuân theo khuôn phép thánh nhân, lại tin kế tham tà của Vương An Thạch, bày những phép "thanh miêu”, “trợ dịch”, khiến trăm họ mệt nhọc lầm than mà riêng thoả cái mưu nuôi mình béo mập.
Bởi tính mệnh muôn dân đều phú bẩm tự trời, thế mà bỗng sa vào cảnh éo le độc hại. Lượng kẻ ở trên cố nhiên phải xót. Những việc từ trước, thôi nói làm gì!
Nay bản chức vâng mệnh quốc vương chỉ đường tiến quân lên Bắc, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có ý phân biệt quốc thổ, không phân biệt chúng dân. Phải quét sạch nhơ bẩn hôi tanh để đến thuở ca ngày Nghiêu, hưởng tháng Thuấn thăng bình!
Ta nay ra quân, cốt để cứu vớt muôn dân khỏi nơi chìm đắm. Hịch văn truyền tới để mọi người cùng nghe. Ai nấy hãy tự đắn đo, chớ có mang lòng sợ hãi !
Dân Tống nghe xong, sướng lắm, vốn cũng ghét triều đình hủ bại, đưa rượu thịt ra khoản đãi quân nhà Lý. Đấy, cái “văn”, cái tâm lý chiến tài năng của Ngô Tuấn ngoài Nam Quốc Sơn Hà còn ở đó đấy.

Cuộc vui chưa hết đâu! Chẳng lẽ quân Tống làm cảnh. Việt Nam ta có Lý Thường Kiệt thì nhà Tống có Vương An Thạch. Nhà cải cách này của Trung Quốc quyết không chịu kém, soạn lại một chiếu thư khác tên là “Thảo Giao Chỉ Chiếu”, khích lệ quân dân nhà Tống, đánh lại Đại Việt. Hai đoạn chiếu thư chớp chớp lóa lóa, va nhau ken két.

Hỡi nhân dân đã lâu ngày sống trong cảnh lầm than, nếu biết khuyên dụ chủ mình nội phụ, xuất chúng qui phục, bắt giặc hiến cống, đem mình hiếu thuận, thì sẽ được thưởng tứ tước lộc, vinh hiển bội phần, những tội lỗi trước đây đều được ân xá. Càn Đức (vua Lý Càn Đức) đương còn ấu trĩ, chính lệnh không do y mà ra, khi nào lai triều cũng sẽ được tiếp đãi trọng hậu như trước. Lời ta không sai, chớ có nghe lầm. Gần đây, ta nghe nhân dân bị bóc lột cực khổ, ta đã căn dặn sứ thần truyền đạt ân chiếu của ta, sự tàn bạo và thuế nặng đều được tẩy trừ. Mong rằng một nước chư hầu của ta luôn được yên vui.

Bố Cáo của Lý Thường Kiệt giúp quân Đại Việt đến được chân thành mà không tốn nhiều công sức. Còn chiếu thư của Vương An Thạch lại tạo nên một Tô Giám liều chết giữ thành Ung Châu. Tại nơi đây, một trang huyết sử trong mối bang giao của hai nước đã xuất hiện. Sau khi thành Ung Châu bị hạ. Lý Thường Kiệt ra lệnh giết hết nhân dân trong thành. Cuộc công thành đẫm máu đó diễn ra suốt hơn 1 tháng. Thời điểm hạ thành Ung Châu cũng cùng với lúc Đại Tống đưa quân tiến về phía Nam tiếp cứu.

***

Trước khi rút về, Lý Thường Kiệt liền lấp sông Ung Giang – là tuyến đường thủy huyết mạch của nhà Tống. Sau đó dùng kế dương đông kích tây khi phao tin là sắp đem quân đánh Tân Châu. Thám tử Đại Việt được cải trang thành nạn dân. Cho quân đốt trại, thiêu hủy lương thực, phá thành, mang của cải tù binh rút về nước.

Nguyên một vùng Quảng Tây te tua xác xơ, thống kê 10 vạn người chết sau cuộc chiến này. Cái thòng lọng mà nhà Tống định xiết cổ quân ta đã đứt thẳng cẳng.

Xin dừng ở đây để nói cho mấy đồng chí “cải lương” biết điều này. Trong chiến tranh, “Địch sống thì ta chết”, nếu bạn cải lương thì đừng có đọc lịch sử rồi thốt lên “Ôi, ông cha ta tàn bạo quá, ứ thích đâu”. Chính trị đừng nói chuyện nhân đạo. Hoặc “Cha ông tàn bạo hèn gì ta nghèo”. Nếu vậy không hiểu sao thằng Đức, thằng Nhật nó giàu. Chuyện giàu nghèo liên quan đến tầm nhìn lãnh đạo, hoặc hoàn cảnh đất nước, hoặc các nguyên nhân khách qua hay chủ quan chứ không liên quan đến lịch sử chiến tranh. Chân thành nhé, nếu Lý Thường Kiệt không ra tay trước, thì Thăng Long thành chính là Ung Châu, tất cả người dân bị giết và bị bắt. Nguyễn Trãi khi viết Bình Ngô Đại Cáo từng nói “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/Vùi con đỏ xuống hầm tai họa” Đó là khi nhà Hồ mất nước để nhà Minh chiếm mất Thăng Long.

Đại Việt đã bị một cái dây thòng lọng xiết vào, và bạn hoặc chấp nhận bị treo cổ lên (vì quá “cải lương”), hoặc vùng lên mà đấm cái thằng đang thắt cổ bạn.

NHÀ TỐNG PHẢN CÔNG

Để nói về cái khủng khiếp khi nhà Tống phản công Đại Việt, ta cần chú ý 2 điểm: nhân lực và vật lực. Quách Quỳ - một tướng giỏi nhà Tống được điều từ mặt trận biên giới với Đại Liêu về cầm quân đánh Đại Việt. 10 vạn quân được điều động. 20 vạn dân phu góp mặt. Và 5 triệu lạng vàng được nhà Tống tung vào chiến trận.

Xem ra nhà Tống đã rất đánh giá Đại Việt ta khá cao đấy.

Bây giờ, đến lượt các bạn sống bên bờ sông Cầu giơ tay lên. Sân khấu sắp tới là của các bạn.

Quách Quỳ quả nhiên là tướng giỏi, tất cả mọi phòng thủ của Lý Thường Kiệt để lại từ Quảng Tây cho tới biên giới phía Bắc, Quách Quỳ đều vượt qua. Đồng chí này đánh một lèo từ biên giới và chỉ dừng lại ở sông Như Nguyệt. Sông Như Nguyệt chính là sông Cầu thuộc hệ thống sông Thái Bình hôm nay. Như vậy, Quách Quỳ chỉ cách Thăng Long 20km. Chẳng khác gì chuyện Hitler đứng ở ngay cửa ngõ Maxcova tại thế chiến thứ 2.

Tuy nhiên, bằng cách tấn công nhà Tống, Lý Thường Kiệt đã đem tới 3 điểm:
  • Tạo thế chủ động cho nhà Lý thay vì ngồi đợi thòng lọng
  • Khiến giặc nôn nóng báo thù và đưa quân mỏi mệt từ phương xa đến. Qua đó nhà Lý lấy quân nhàn đánh quân mệt mỏi đúng binh pháp.
  • Khiến hậu phương của giặc bị phá thủng. Chướng ngại vật được tạo ra suốt tuyến biên giới giúp kéo dài thời gian để chuẩn bị kỹ càng tuyến phòng thủ tiếp đón quân Tống (hừ, câu này mà thi đại học hay tốt nghiệp thì nhớ trả công cho tôi đấy).
  • Do đó khi Quách Quỳ có mặt ở sông Cầu thì tình thế của ông ta cá nằm trên thớt thôi. Lý Thường Kiệt đã bày sẵn “thiên la địa võng” đợi rồi.
Bạn biết trong binh pháp, điều gì quan trọng nhất với quân viễn chinh không? Đấy là lương thảo. Lý do quân Tống mới sử dụng tới 20 vạn dân phu cho 10 vạn quân viễn chinh là vì vậy.

Lý Thường Kiệt nhìn ra được điều này, ông biết rõ phòng tuyến biên giới không ngăn được kỵ binh Tống, cho nên khi phò mã Thân Cảnh Phúc được giữ biên giới. Ông đã dặn dò về việc tập hậu. Đêm đêm tập kích vào dân phu, cướp lương thực, đồng thời đánh “bọc hậu” các nhóm nhỏ từ phía sau. Thời gian càng kéo dài, lương thực vận chuyển càng khan hiếm, quân Tống lâm vào tình thế đói khát.

Nói thì dễ nhưng làm thì hơi bị khó. Quân ta mấy trận đầu bị thua chạy tan tác. Ví dụ : nếu sau này Lê Lợi chém được Liễu Thăng ở ải Chi Lăng thì Quách Quỳ lại nhìn ra được cái hiểm yếu của ải Chi Lăng mà đi đường vòng, đánh tạt sườn vào quân Đại Việt khiến quân ta thua to phải bỏ chạy (Bỏ chạy nhé chứ không phải rút lui chiến thuật như các bác SGK viết đâu). Tuy nhiên, phò mã Thân Cảnh Phúc cũng đã thoát kịp, và từ đó bắt đầu cướp phá lương thực từ phía sau, đẩy đại quân Quách Quỳ vào thế “sống dở chết dở”. Người phò mã áo chàm này sau đó đã chết trong trận chiến ở Bắc Giang.

Khi Quách Quỳ tiến vào cửa sông Như Nguyệt. Ông ta chính thức đối đầu với Lý Thường Kiệt. Lúc này thái úy của chúng ta đã 58 tuổi. Đúng chất lão tướng ra trận. Hai bên bắt đầu dàn trận.

Quách Quỳ ban đầu giữ thế thủ, ông ta đợi thủy quân tập kích cùng. Nhưng ông ta đã quên mất một điều: luận về thủy quân, nhà Tống chỉ bằng cái móng tay út so với Đại Việt. 2 tháng trước khi Quách Quỳ tới Như Nguyệt. Thủy quân Tống do Dương Tùng Tiên chỉ huy đã bị Lý Kế Nguyên – đô đốc thủy sư quân ta đuổi chạy như vịt về tận Trung Quốc rồi (Tôi nói thật chỗ này, tôi rất đau lòng khi đồng chí Schooling của Singapore giành HCV Olympic đợt vừa rồi. Luận về nghề sông nước, dân tộc ta mới là số 1 Đông Nam Á).

Không cần nói nhiều về thủy quân, đơn giản nhắc tới thủy quân thời phong kiến: Việt Nam vô đối.

Quay lại mặt trận chính, nơi Quách Quỳ đối đầu Lý Thường Kiệt.

Chờ mãi không thấy quân thủy tới, biết là bị đuổi chạy mất rồi. Quách Quỳ đành tấn công. Quân viễn chinh đi xa không cầm cự được. Quân Tống bắc cầu phao vượt sông.

Lý Thường Kiệt liền mai phục:
  • Lý Thường Kiệt cứ cho nó vượt, sau khi quân Tống vào được một lực lượng hòm hòm thì quân Lý ba mặt ào ra tấn công.
  • Hai mặt tạt sườn vào, xé lẻ quân địch ra. Chém giết đã tay. Giống như chui vào cái hòm nạp mạng vậy.
  • Quân phía sau quay lưng bỏ chạy. Nhưng chết nỗi. Bên kia sợ Lý Thường Kiệt vượt sông đốt trại nên chặt phao mất rồi. Thế là mấy anh kia nhảy xuống sông hết.

Rút kinh nghiệm, Tống đánh lần tiếp không xài cầu phao nữa mà xài bè. Từng đoàn kéo qua, đánh hỏa tiễn ầm ầm. Nhưng thế phòng thủ của Như Nguyêt chắc như bắp. Bè nào qua thì “thịt” bè nấy. Chưa kể đêm đêm, bài hùng ca

Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan hủ bại hư

Cứ vang lên ở đền Trương Hống, Trương Hát làm sĩ khí ta tăng cao còn sĩ khí địch run sợ vì tưởng đó là mệnh trời.

Người văn võ song toàn như Lý Thường Kiệt thật hiếm thấy !

Quách Quỳ thiếu lương thực, chỉ mong đánh lớn một trận cho bõ. Nhưng Lý Thường Kiệt án binh bất động không ra, vì ông đợi cho quân Quách Quỳ hết lương, dịch bệnh đeo bám. Không phải, tiêu vong sinh lực địch chỉ một phần. Bởi ông sắp đặt một âm mưu khác ghê gớm hơn nhiều.

Tháng 2/1077, thủy quân Đại Việt tràn lên bờ, đánh chiếm núi Nham Biền rồi đổ bộ xuống quân Tống. Một cuộc giao tranh ác liệt diễn ra, Quách Quỳ, Triệu Tiết đem quân sang chống đỡ. Hai bên tiêu hao nặng. Nhưng Quách Quỳ, Triệu Tiết không hề biết rằng đó chỉ là nghi binh.

Đêm ấy, lợi dụng quân Triệu Tiết mệt mỏi và không đề phòng. Lý Thường Kiệt vượt sông Như Nguyệt, đánh một trận khủng khiếp trong đêm. 5 vạn quân viễn chinh của Tống bị diệt trong đêm đó.

Quách Quỳ từ 10 vạn còn lại hơn 3 vạn thoi thóp như cá nằm trên thớt đợi Lý Thường Kiệt qua mổ xẻ.

Chúng ta tạm thời dừng phòng tuyến Như Nguyệt ở đây để về hỏi thăm sức khỏe hai anh Chân Lạp và Cham Pa. Các bạn xem Tam Quốc Diễn Nghĩa biết rồi: 2 đồng chí này tựa tựa Đông Ngô đấy, mang danh thì nhận lời nhưng lại ở tư thế “đục nước béo cò”, xem hai ông anh này ai thắng ai bại thì mới điều quân. Nếu Tống thắng thì nhân đó tấn công lấy đất. Nếu Tống thua thì cũng ko khiến Đại Việt mất lòng. Nhưng thời gian càng dài thì sự uy hiếp sẽ càng lớn dần. Bởi chủ lực Đại Việt không nằm ở phía Nam. Nếu quân Đại Việt tiếp tục đánh với Quách Quỳ, tình trạng “lưỡng bại câu thương” sẽ xảy ra, đến khi quân ta đuổi được Quách Quỳ đi thì cũng không còn sức xuống phía Nam nữa.

Nhưng nếu nghị hòa với Quách Quỳ thì lại khác. Nó sẽ đẩy đến việc làm cho Chân Lạp và Cham Pa phải rợn người vì điều đó cho thấy Tống đã bỏ đồng minh, và Đại Việt vẫn quá mạnh, lại đủ thì giờ để bảo vệ biên giới.

Lá thư nghị hòa được gửi qua, nhà Tống mừng như bắt được vàng. Giao kèo được ký kết, ta lấy lại được đất. Một lá thư, yên cả mạn Bắc và mạn Nam.

Năm 1077, Lý Thường Kiệt đại phá quân Tống, làm câm lặng Champa. Người là anh hùng xứng danh nhất thế kỷ XI.

Lời kết:

Ngô Tuấn Lý Thường Kiệt, bạn hãy nhớ về cái tên ấy, ngàn đời lịch sử dân tộc rất nhiều anh hùng. Nhưng vị anh hùng bản lĩnh đến mức đem quân sang Bắc đánh giết thì không có mấy người dám nghĩ, lại càng không mấy ai dám làm. Con người ấy, không chỉ có tài năng thống lĩnh ba quân, mà còn có khả năng thơ phú, văn học để khích lệ tướng sĩ. Một hoạn quan mà toàn vẹn hơn vô vàn triệu triệu người, bởi sự toàn vẹn BÌNH NAM VÀ DẸP BẮC của mình.

Xuyên suốt luôn biết đặt đại cục lên đầu. Khi uyển chuyển, khi mạnh bạo, khi hòa hoãn, khi tấn công. Một đời anh hùng đó, đáng để hậu thế cúi rạp người học hỏi và ngưỡng mộ.

Lý Thường Kiệt :: Một đời bi thống - một đời anh hùng

Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi