5:22 CH @ Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016

"Cần cù là huyền thoại, hiếu học là ngộ nhận"

Ông đã có cuộc trò chuyện với Vietnamnet, lý giải vì sao ông lại “chỉ mặt đặt tên” như vậy. Ông cũng chia sẻ những nghiên cứu sâu hơn về giáo dục cũng như những giá trị của cá nhân trong thời kỳ mới.

GS. Trần Ngọc Thêm

“Không thể tự khen là cần cù được”

Cần cù và hiếu học lâu nay được xem là niềm tự hào của người Việt chúng ta. Nay ông kết luận rằng những phẩm chất này chỉ là huyền thoại thì quả là một cú sốc...

- Nếu chỉ là một công dân, đúng là tôi cũng nghĩ rằng cần cù và hiếu học là những phẩm chất đáng tự hào vì hầu như đâu đâu và ai ai cũng nói như vậy. Và có lẽ sẽ có cảm giác bất bình với kẻ dám kết luận rằng những phẩm chất này chỉ là huyền thoại.

Nhưng tôi là nhà khoa học và người làm khoa học thì phải có trách nhiệm đi tìm sự thật và tôn trọng sự thật.

Vậy thì về mặt khoa học, sự thật này như thế nào?

- Cần cù, hiếu học thường được xem là những phẩm chất chung của Đông Á. Cùng là cần cù, hiếu học nhìn bề ngoài thấy giống nhau, thực ra là giữa Việt Nam với Đông Bắc Á rất khác nhau.

Mọi phẩm chất của con người đều là do hoàn cảnh sống tạo nên. Điều kiện tự nhiên Đông Bắc Á rất khắc nghiệt nên người Đông Bắc Á thật sự cần cù − Nhật Bản, Hàn Quốc là những điển hình của đức tính cần cù ấy.

Còn Việt Nam và Đông Nam Á là khu vực vốn được thiên nhiên ưu đãi nên không thể có phẩm chất ấy.

Sở dĩ lâu nay các học giả Việt Nam và cả nhiều người nước ngoài nghĩ rằng người Việt cần cù là do bị đặc điểm của nghề trồng lúa nước đánh lừa.

Trồng lúa nước là nghề mang tính thời vụ rất cao. Gặp lúc gieo cấy hay vào vụ gặt thì hình ảnh dễ thấy là người nông dân Việt đầu hôm sớm mai bán mặt cho đất, bán lưng cho trời – đúng là cần cù thật. Nhưng xong việc thì lại chơi.

Khoảng thời gian giữa cấy và gặt rất dài, là lúc chúng ta nghỉ ngơi, ăn chơi liên miên: “Tháng giêng là tháng ăn chơi/ Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè/ Tháng tư đong đậu nấu chè/ Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm...”.

Bây giờ vẫn thế. Con người nông dân đi vào công sở, cộng với tổ chức quản lý kém..., nên người Việt về cơ bản vẫn ham chơi bời, lễ hội, đàn đúm, “buôn dưa lê” và nhậu nhẹt. Nên mới có tình trạng 30% công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về.

Ở một dân tộc cần cù thì các quán cà phê sẽ không đông khách đến tận 9 - 10h sáng, và buổi chiều thì từ 4h chiều trở đi các quán nhậu sẽ không nghẹt cứng hết cả như ở Việt Nam. Mà số lượng các quán cà phê và quán nhậu ở các thành phố Việt Nam thì rất nhiều.

Ở các đô thị Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… đều không có nhiều quán ăn chơi đến thế và không đông khách quanh năm suốt ngày đến thế.

Người Việt Nam có ham ăn đến thế không? Không hề. Đấy là ăn chơi, ăn để chơi chứ không phải ăn để làm việc. Tất nhiên là sống thì phải có ăn có chơi nhưng ham ăn chơi như thế thì không thể tự khen là cần cù được!

Hiếu học là sự ngộ nhận

Còn sự hiếu học thì sao, thưa ông? Tại sao ông cho rằng nó là huyền thoại chứ không phải là thực tại?

- Hiếu học cũng được xem là một giá trị truyền thống của văn hóa Á Đông. Song cần phải phân biệt hiếu học với hiếu danh.

Lớp học thầy đồ xưa (Ảnh tư liệu)


Sự khác biệt giữa hiếu học với hiếu danh thể hiện ở chỗ người hiếu học đi học trước hết quan tâm đến việc nâng cao tri thức và năng lực, còn người hiếu danh đi học là nhằm để có địa vị cao trong xã hội.

Ở các nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo đều có tình trạng hiếu danh này. Song ở các nước Đông Bắc Á, nhờ xã hội được quản lý tốt nên muốn có địa vị cao thì phải có tri thức. Cộng thêm lối tư duy của người Đông Bắc Á vừa có tính chủ toàn giống ta nhưng cũng vừa có tính phân tích giống phương Tây, đồng thời họ cũng là những dân tộc thực sự cần cù, cho nên để có danh, họ phải học hành đến nơi đến chốn.

Kết quả là trong lịch sử, các quốc gia Đông Bắc Á đều có những phát minh khoa học, những sáng tạo đóng góp vào quá trình phát triển của dân tộc và nhân loại.

Khác với Đông Bắc Á, người Việt đi học nhưng ít quan tâm đến việc tiếp thu kiến thức, tiếp thu phương pháp mà chỉ quan tâm nhiều đến việc lấy điểm, lấy bằng. Lấy được bằng rồi thì quan tâm đến việc dùng tấm bằng ấy để lấy được một địa vị, bất kể địa vị đó có phù hợp với năng lực sở trường của mình hay không.

Thời xưa người Việt đi học chỉ cốt để làm quan, cốt thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Vì vậy mà câu dạy con thường gặp là “Không học thì lớn lên đi cày!”. Thời Lê - Trịnh có 724 người đỗ tiến sĩ thì có tới 712 người (chiếm 98,3%) làm quan, 12 người còn lại thuộc số chưa kịp vinh quy đã mất hoặc không có thông tin.

Trên báo Cứu quốc ra ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu ra chuyện một ông chủ tịch Ủy ban xã nọ khoe rằng thôn ông trong tháng vừa qua đã bán các chức vị như chánh phó lý, khán thủ..., thu được một món tiền khá lớn. Người đã kịch liệt phê phán việc này và nói rằng “Làm tiền bằng cách bán ngôi thứ tức là gây cho dân chúng có óc hiếu danh”.

Thời nay, sau khi tốt nghiệp THPT, ai cũng cố gắng vào đại học, nhưng vào được rồi thì phần lớn sinh viên đều không muốn phải đọc nhiều, học nhiều, trong khi thích tranh thủ kiếm thêm vài cái bằng nữa. Nhiều người đi học hệ tại chức (vừa học vừa làm), thậm chí cả cao học, nghiên cứu sinh, cũng chỉ cốt lấy bằng nên mới sinh ra nạn học giả bằng thật...

Sở dĩ người Việt đi học mà không coi trọng tiếp thu kiến thức, phương pháp là do hàng loạt nguyên nhân, đều có nguồn gốc từ văn hóa truyền thống. Thứ nhất, là do tầm nhìn gần - xưa học để đi thi, làm quan, nay học để đi thi, lấy bằng.

Thứ hai, là do bệnh đối phó - chỉ tập trung vào mục tiêu trước mắt là đi thi.

Thứ ba, là do bệnh sĩ diện – “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, không “vạch áo cho người xem lưng” - nên học mà dấu dốt, không hỏi.

Thứ tư, là do tổ chức xã hội kém, quản lý không nghiêm, cùng với lối sống trọng tình nên chỉ cần có bằng cấp và có quan hệ tốt thì dù dốt, dù năng lực kém cũng vẫn có thể có được địa vị cao trong xã hội.

Kết quả là trong lịch sử của mình, Việt Nam không có một phát minh khoa học nào. Những phát minh khoa học, nếu có, đều được hoàn thành trong môi trường nước ngoài, như Hồ Nguyên Trừng với súng thần công, Nguyễn An với thiên tài kiến trúc đều hoàn thành ở Trung Quốc.

Những nhà khoa học, nghệ sĩ đạt tới tầm cỡ thế giới đều là nhờ phương Tây đào tạo - Ngô Bảo Châu được đào tạo ở Pháp, Đặng Thái Sơn được đào tạo ở Nga.

Các thói hư tật xấu chủ yếu trong đời sống văn hóa Việt Nam đương đại (Trần Ngọc Thêm 2015)

Giáo dục nhìn từ văn hóa


GS Trần Ngọc Thêm cho rằng “Bệnh ưa thành tích và bệnh giả dối trong giáo dục rất nặng. Người Việt có câu “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ” nhưng ở trường thầy cô dạy phải biết khôn để giành phần thắng, đóng kịch trong những tiết dự giờ, những lúc có tranh tra... Học sinh học yếu kém cỡ nào thì cũng lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp cao ngất ngưởng"…

"Sự dối trá phổ biến đến nỗi người lớn quên rằng mình đang nói dối. Giả dối trong suy nghĩ thì tự an ủi mình, giả dối trong lời nói được khen là khéo léo, giả dối trong hành động được xem là khôn ngoan”.

Do đâu mà ông lại nặng lời với giáo dục như vậy?

- Không nên nói tôi nặng lời hay không, mà hãy kiểm tra xem điều tôi nói có đúng hay không.

Chỉ cần vào mạng gõ từ khóa “học thuê”, ta sẽ thấy tràn ngập các thông tin như: “Học hộ, học thuê: Nghề mới cho cử nhân thất nghiệp”, “Hội Nhận Đi Học Thuê Đại Học”, “Dịch vụ học hộ, học thuê tại Hà Nội”, “Dịch vụ học, thi hộ tràn lan trong giới sinh viên”, “Nhức nhối nạn học thuê thi hộ”...

Nạn học thuê, thi thuê, thuê viết luận văn, luận án; nạn mua bán bằng cấp... trong nhà trường và các nạn chạy bằng cấp, chạy chức, chạy quyền, chạy huân chương... ngoài xã hội chẳng phải chính là những biểu hiện của bệnh thành tích, bệnh giả dối, bệnh hiếu danh đấy sao?

Vậy, theo ông, tại sao nền giáo dục của chúng ta lại trở nên như vậy?

- Đúng là nền giáo dục của chúng ta vốn không đến nỗi như vậy. Mỗi giai đoạn lịch sử của một xã hội đều tạo ra một nền giáo dục đáp ứng những yêu cầu lịch sử của mình. Nền giáo dục truyền thống của Việt Nam đã từng phục vụ tốt cho nhu cầu của xã hội Việt Nam truyền thống...

Nhu cầu của xã hội Việt Nam truyền thống là gì và nền giáo dục truyền thống có đặc điểm gì, thưa ông?

- Toàn bộ lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử của một nền văn minh lúa nước. Nghề trồng lúa nước là nghề phải lệ thuộc vào thiên nhiên ở mức độ cao nhất. Người trồng lúa nước gắn bó với đất, với làng, cả đời không ra khỏi làng, lúc nào cũng chỉ mong được yên ổn. Văn hóa của người trồng lúa nước là văn hóa rất âm tính, văn hóa hướng đến ổn định.

Để đáp ứng nhu cầu của một xã hội ưa ổn định thì nền giáo dục có mục tiêu là đào tạo ra những con người giúp xã hội giữ được ổn định. Xã hội ổn định cần người biết nghe lời, vâng lời.

Biết nghe lời, vâng lời được gọi là “ngoan” - "con cãi cha mẹ trăm đường con hư". Vì vậy giáo dục truyền thống của Việt Nam từ gia đình ra đến xã hội, vào đến nhà trường đều chỉ khuyến khích phẩm chất ngoan, vâng lời. Trong gia đình dạy con cái vâng lời cha mẹ, ra ngoài xã hội khuyến khích người dưới vâng lời người trên.

Như vậy, “ngoan” là phẩm chất mục tiêu của giáo dục Việt Nam truyền thống. Còn năng lực mà giáo dục Việt Nam truyền thống hướng tới là gì? Đó là “giỏi”.

Giỏi được hiểu là thuộc bài. “Thuộc” đây là học thuộc lòng. Ở nhà, cha mẹ hỏi “Con đã học thuộc bài chưa?”. Đến trường, thầy cô hỏi “Có trò nào chưa thuộc bài giơ tay?”. Thuộc bài thì khi trả bài phải làm theo đúng mẫu - cái gì cũng có “mẫu”: bài tập mẫu, bài văn mẫu... - sẽ đạt thành tích cao.

Triết lý giáo dục Việt Nam truyền thống có thể tóm gọn trong 4 chữ là “con ngoan - trò giỏi”. Con ngoan trò giỏi là mục đích phấn đấu của mỗi học sinh, đó là con đường dẫn tới thành công. Thành công ngày xưa là thi đỗ làm quan, bây giờ là thi đỗ lấy bằng. Mục đích chỉ có thế, rất cụ thể và rất thiển cận.

Kết quả và hậu quả của "con ngoan trò giỏi"


Triết lý giáo dục “con ngoan trò giỏi” đã mang lại những kết quả gì, thưa ông?

- Trong gia đình, mục tiêu ngoan theo nghĩa biết vâng lời khiến cho người Việt Nam từ xưa đến nay hầu như chưa bao giờ được là chính mình.

Đứa con khi còn nhỏ đi học vì cha mẹ, chọn trường chọn nghề theo ý cha mẹ, lấy vợ vì cha mẹ, đẻ con, nuôi con có khi cũng vì cha mẹ, theo ý cha mẹ. Nếu cha mẹ còn sống thì dù có lên ông lên bà rồi nhưng làm gì cũng vẫn phải hỏi ý kiến các cụ.

Nhờ thế mà có kết quả là gia đình cực kỳ ổn định, êm thấm, dù đôi khi chứa đựng cả một bi kịch bên trong.

Trong nhà trường, mục tiêu giỏi theo nghĩa thuộc bài đã đẻ ra các căn bệnh học gạo, học tủ, học lệch..., đẻ ra nghề luyện thi và các lò luyện thi... Nhờ thế mà có nhiều người đỗ đạt, nhận bằng. Xã hội có nhiều người thành đạt nhờ thuộc bài và biết vâng lời như thế là một xã hội rất ổn định.

Tóm lại, triết lý “con ngoan trò giỏi” đã giúp cho Việt Nam trong một thời gian dài có một nền văn hóa cực kỳ ổn định mà không một cuộc xâm lăng nào có thể phá đổ. Nền giáo dục theo triết lý “con ngoan trò giỏi” đã thực hiện được sứ mệnh xây dựng văn hóa bảo tồn đất nước, chống ngoại xâm.

Và ngày nay triết lý “con ngoan trò giỏi” để lại những hậu quả gì?

- Từ sau đổi mới chúng ta hướng đến một xã hội phát triển. Từ truyền thống “trọng tĩnh”, ở một số phương diện nào đó chúng ta đã chuyển sang “trọng động”. Ngày xưa giàu có phải giấu đi nhưng giờ thì khoe ra, phải tự hào. Dân giàu nước mạnh, triết lý sống đã thay đổi.

Trong khi đó thì triết lý giáo dục vẫn như cũ, không thay đổi gì cả. Với triết lý “con ngoan trò giỏi” thì mọi thứ đều bị rập khuôn (bài mẫu, cách giải mẫu, đề mẫu...), mọi hoạt động đều mang tính đối phó.

Sự độc lập suy nghĩ có thể được khuyến khích một cách hình thức, còn thực chất là thường bị thủ tiêu. Sự sáng tạo thường bị dập tắt. Độc lập suy nghĩ tất sẽ hình thành thói quen phản biện, mà phản biện thì sẽ không còn ngoan và biết vâng lời. Sáng tạo thì sẽ mới lạ, độc đáo, không theo khuôn mẫu nào. Không theo mẫu, không đúng đáp án là không thuộc bài, ít thầy cô dám xem là trò giỏi.

Để yên ổn, ổn định thì mọi người phải giống nhau. Nếu trồi lên khác người thì sẽ phá vỡ sự ổn định và do vậy sẽ bị dập xuống…

Nền giáo dục của chúng ta đã tạo được một số trường chuyên rất nổi tiếng. Các trường này có thể có tỉ lệ 100% (hoặc gần 100%) thi đỗ đại học, có thể có nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Những học sinh này đều là những người rất giỏi, thông minh, nhưng điểm lại hầu như chẳng có mấy ai trở thành nhà khoa học lớn.

Những tài năng như GS.VS. Trần Đại Nghĩa, GS. nhạc sĩ Trần Văn Khê, GS. Ngô Bảo Châu…, nếu không được đào tạo tiếp nhiều năm ở phương Tây thì chắc cũng chẳng thành danh.

Văn hóa phương Tây là văn hóa hướng đến phát triển nên xã hội phương Tây khuyến khích học trò tranh luận, phản biện. Có phản biện, có tranh luận thì mới có phát triển.

Nhu cầu xã hội của Việt Nam thời nay là phát triển, nhưng nền giáo dục vẫn bị triết lý giáo dục thuở xưa chi phối, không thay đổi bao nhiêu, cho nên không còn thích hợp.


Cần có quan niệm khác về "con ngoan trò giỏi"? (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Cải cách giáo dục cần bắt đầu từ triết lý


Ông nói rằng giáo dục vẫn không thay đổi gì cả, trong khi giáo dục đã và đang trải qua những cuộc cải cách, đổi mới đấy chứ?

- Tôi nói giáo dục không thay đổi là nói về triết lý giáo dục.

Trong khi các cuộc cải cách giáo dục lâu nay chỉ lo thay đổi những cái bề ngoài như cấu trúc hệ thống (10 năm, 12 năm); chương trình (thay đổi số môn bắt buộc/ tự chọn, có hay không có phân ban); SGK (mỗi lần lại tổ chức viết lại SGK); phương thức học (niên chế hay tín chỉ, thầy hay trò là trung tâm), phương thức thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh đại học (Bộ hay trường ra đề, thi riêng hay thi gộp)...

Mọi thứ chúng ta đều có nghiên cứu, tham khảo, đi học thế giới.

Học theo thế giới trong khi điều quan trọng nhất rất ít được để ý là xuất phát điểm của thế giới rất khác với ta. Những nền giáo dục tiên tiến của các nước phát triển xây dựng trên xuất phát điểm là họ đã có một xã hội đô thị hóa rồi, công nghiệp hóa rồi, bây giờ người ta chỉ còn lo hiện đại hóa và hội nhập.

Còn xuất phát điểm của chúng ta là xã hội nông thôn, con người nông dân. Mà giữa nông thôn với đô thị, nông dân với thị dân, nông dân với công nhân thì văn hóa (suy nghĩ, hành động, ứng xử...) khác nhau rất nhiều. Tức là chúng ta bị hụt hẫng, có một khoảng cách rất xa về văn hóa - con người.

Ở các nước phát triển, khi người ta đã có xã hội công nghiệp - đô thị rồi thì con người rất tự giác, trung thực, tổ chức xã hội rất ổn định, nề nếp. Dễ hiểu là vì sao người ta chỉ cần lo phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

Còn chúng ta không được như vậy… Thế nên, có đổ bao nhiêu tiền vào giáo dục cũng như muối bỏ bể. Bởi khoảng hụt hẫng giữa ta và thế giới là hụt hẫng về văn hóa - con người, chứ không phải là chương trình, SGK, càng không phải là tiền bạc. Mà xây dựng văn hóa - con người với những phẩm chất cần có của một xã hội đô thị và công nghiệp thì phải bắt đầu từ việc thay đổi một cách cơ bản triết lý giáo dục.

Trong các cuộc cải cách giáo dục cũng đã có bàn đến triết lý giáo dục, có đề ra một loạt những phẩm chất muốn hướng tới. Ông có ý kiến gì về điều này?

- Những phẩm chất và triết lý từng được nêu ra đều là tham khảo của thế giới.

Chẳng hạn, triết lý giáo dục mà nhiều người thường nhắc đến là triết lý do UNESCO đề xuất: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

Rất hay, rất thực tế, nhưng là thực tế phù hợp với xuất phát điểm của thế giới chứ không phù hợp với xuất phát điểm của ta, vì vậy mà càng cải cách càng rối.

Thực tế phù hợp với xuất phát điểm của chúng ta là như thế nào, thưa ông?

- Nếu xuất phát điểm của chúng ta là văn hóa - con người nông nghiệp - nông thôn và triết lý giáo dục xây dựng nên văn hóa - con người ấy là “con ngoan, trò giỏi”, thì cần xây dựng một triết lý mới bám sát vào thực tế ấy mới tạo nên được sự thay đổi. Con ngoan cần đổi thành con có bản lĩnh, trò giỏi cần đổi thành trò sáng tạo.


Hệ giá trị Việt Nam truyền thống cốt lõi (Trần Ngọc Thêm 2015)

Bởi vì nếu ngoan là biết vâng lời, thì có bản lĩnh là biết và dám phản biện.

Cần dạy cho trẻ em suy nghĩ bằng cái đầu của mình về tất cả những gì mà cha mẹ, thầy cô nói ra, về mọi thứ mà các em quan sát thấy ngoài xã hội.

Dạy cho các em cách suy nghĩ, cách bình luận, phê phán, đưa ra ý kiến của mình, tức là sáng tạo. Giỏi không phải theo kiểu học thuộc bài nữa mà có ý kiến riêng, có tìm tòi, tức là sáng tạo.

Cha mẹ, thầy cô phải khuyến khích điều đó. Tập cho trẻ cách tư duy sao cho sắc sảo, lập luận sao cho chặt chẽ, thuyết phục.

Bản lĩnh là “dũng”, sáng tạo là “trí”, mang cái “trí” và “dũng” ấy phục vụ cho cộng đồng là “nhân”.

Đi đến ba chữ “dũng-trí-nhân” không phải là trở lại với Nho giáo (kiểu Hán Nho: “Nhân-lễ-nghĩa-trí-tín”), cũng không hoàn toàn là trở lại với Khổng tử.

Khổng tử bắt đầu bằng “nhân” vì văn hóa phương Bắc vốn quá thiên về dũng mà thiếu tình người. Còn văn hóa chúng ta thì ngược lại, mọi thứ đều lấy tình cảm làm đầu nên phải bắt đầu từ “dũng”.

10 giá trị cốt lõi để “lấp khoảng trống”




Hệ giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm (Trần Ngọc Thêm 2015)


Vậy thì những giá trị nào mà con người Việt Nam cần có trong giai đoạn hiện nay, cũng như để hướng tới sự hội nhập toàn cầu, thưa ông?

- Trong công trình của mình, tôi có đề xuất hệ giá trị định hướng cốt lõi toàn diện gồm 35 giá trị, và hệ giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm gồm mười giá trị.

Mười giá trị này chia thành năm cặp, bao gồm một cặp giá trị xã hội và bốn cặp giá trị cá nhân.

Cặp hai giá trị xã hội “dân chủ” và “pháp quyền” là cặp rất quan trọng. Dân chủ là tổ chức xã hội từ dưới lên trên. Pháp quyền là tổ chức xã hội từ trên xuống dưới. Quản lý phải theo đúng luật, mọi thứ tình cảm phải để ra ngoài. Thực hiện được cặp giá trị xã hội này sẽ là nền tảng cho việc thực hiện những giá trị khác, và bảo đảm cho việc lấp đầy khoảng hụt hẫng về văn hóa - con người.

Còn lại bốn cặp giá trị con người cá nhân là gì?

- Cặp thứ nhất là nhân ái và yêu nước. Đây là hai giá trị truyền thống điển hình, nhưng phải thay đổi nội hàm của nó. Yêu nước truyền thống là yêu nước trong chiến tranh. Yêu nước mới phải là cả trong chiến tranh và hòa bình. Nhân ái truyền thống là nhân ái của văn hóa làng xã giữa những người quen thân nhau, với người lạ thì vô cảm. Nhân ái mới phải là nhân ái trên tinh thần trách nhiệm, ý thức xã hội, đi ra đường cũng phải thương yêu giúp đỡ nhau.

Cặp thứ hai là trung thực và bản lĩnh. Thời hội nhập con người rất cần những giá trị này; không trung thực không làm việc được với ai, không có niềm tin làm gì có bạn bè. Và để trung thực cần phải bản lĩnh, biết suy nghĩ bằng cái đầu của mình.

Cặp thứ ba là trách nhiệm và hợp tác, là hai giá trị của con người trong quan hệ với đồng loại.

Cặp thứ tư là tính khoa học và sáng tạo. Thời buổi kinh tế tri thức làm việc phải khoa học, cái gì cũng phải xem xét tính toán cân nhắc sao cho logic chặt chẽ.

Năm cặp giá trị này là những giá trị tối thiểu; tùy theo yêu cầu cụ thể, có thể có những bổ sung. Năm cặp giá trị này cần được thực hiện không chỉ trong giáo dục mà cần đưa vào tất cả các cơ quan đoàn thể, các cấp các ngành. Nếu đâu đâu cũng thực hiện được năm cặp giá trị này, chắc chắn sẽ thành công.

Xin cảm ơn ông.

GS. Nguyễn Thế Hữu, nguyên Giám đốc ĐH Huế, có bày tỏ sự ngạc nhiên khi giáo dục của chúng ta không nhắc đến phẩm chất cao thượng của con người. Ông Hữu đặt câu hỏi: “Vì chúng ta quên hay vì chúng ta không còn lòng tin con người có thể cao thượng?”.

Nếu câu hỏi này đặt ra cho ông, ông sẽ trả lời như thế nào?

- Tôi không thích lắm phẩm chất “cao thượng”. Tôi thích từ mà đạo diễn Trần Văn Thủy từng dùng làm tiêu đề cho phim của mình hơn – đó là sự “tử tế”. “Cao thượng” xác lập vị thế đứng trên và cho đi. Còn “tử tế” là quan hệ giữa những người cùng chung sống.

Văn hóa âm tính hay nói đến sự cho đi, nhưng thực ra cho đi vẫn chứa đựng suy nghĩ về lấy lại. Ở Việt Nam ta, mỗi khi nhà ai có cưới hỏi, tang ma thì mọi người thân quen đều xúm lại giúp đỡ. Nhưng đừng quên rằng sau mỗi cuộc tang ma hay hôn nhân, gia chủ sẽ phải ngồi lại ghi sổ từng người một đã giúp mình bao nhiêu, để sau này còn có trách nhiệm trả lại bằng hoặc cao hơn.

Vì sao người Việt Nam ngồi ăn với nhau anh nào cũng tranh nhau trả tiền? Có phải hoàn toàn vì cao thượng hay không? Thực ra là vì trong tiềm thức có nguyên nhân từ văn hóa: Người trồng lúa nước vốn ở yên một chỗ, gắn bó lâu dài. Trong quan hệ ngang bằng, ai chi tiền thì người đó nắm lợi thế, tạo ra ơn nghĩa để thắt chặt quan hệ. Người kia mang mặc cảm của người mắc nợ và phải tìm cơ hội để mời lại. Nếu có người nào đi ăn mà cứ để người khác trả tiền vài lần thì sẽ bị mang tiếng là keo kiệt, “ăn chùa”.

Còn người Phương Tây cùng ăn với nhau xong thì cưa đôi, phần ai người ấy trả, rất tự nhiên và vô tư, vì văn hóa của họ là văn hóa đi, con người luôn di chuyển. Hôm nay gặp nhau đây mà có khi không có cơ hội gặp nhau lần thứ hai, vì vậy ứng xử sòng phẳng, không nợ nần, sẽ khiến cho cả hai đều thấy thoải mái.

Chi Mai (Vietnamnet) thực hiện



Xem thêm trao đổi của Lương Hoài Nam: Người Việt có quan tâm đến 'giáo dục thật'?
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi