4:22 CH @ Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2020

Phải làm gì để tránh tính cứng nhắc?

Hay sự khác nhau giữa Trưởng thành và Cứng nhắc


TL;DR;

GS. William James là một trường hợp của việc làm mới bản thân liên tục, lúc đầu ông giảng dạy môn Giải phẫu ở Harvard, sau đó khi nghiên cứu Tâm lý học, cuối đời còn là triết gia. Ông là người đặt nền tảng cho các nghiên cứu về sự hình thành tính cách. Dựa vào các bằng chứng ông kết luận rằng tới tuổi 30, tính cách sẽ được định hình một cách chắc chắn và sau này thì khó có thể thay đổi.

Trong cuộc sống đầy thay đổi, thiếu chắc chắn, tính cách là những khuôn mẫu tâm lý của một người đã được chứng thực qua kinh nghiệm sống, đã giúp người đó sống healthy & balance trong nhiều năm nên được giữ lại và làm vững chắc. Quá trình đó là sự trưởng thành.

Tính cứng nhắc bắt nguồn từ nỗi sợ những điều không chắc chắn, là việc cố gắng thực thi các hệ thống niềm tin hạn hẹp của bản thân lên thế giới. Cứng nhắc đóng cửa tâm trí.

Để ngăn chặn tính cứng nhắc, bạn cần tiếp cận mọi thứ như việc vui chơi, sẵn sàng đối mặt với sự thiếu chắc chắn của thế giới.

----------------------------------

[...] GS. William James là nhà tâm lý học đầu tiên cho rằng những đặc điểm cốt lõi của chúng ta không thay đổi nhiều theo thời gian. Trong cuốn Những nguyên tắc của Tâm lý học (The Principles of Psychology), ông viết, hầu hết khi chạm tuổi ba mươi, tính cách sẽ định hình như tấm thạch cao và hiếm khi mềm ra nữa. Từ nhiều bằng chứng cho thấy nhận định này phần lớn là đúng. Gen di truyền đóng một vai trò rất lớn, môi trường sống cũng vậy, và sau vài thập niên đầu đời, con người ta ngừng thay đổi cốt lõi bên trong của mình theo một cách rõ nét. Có khả năng thay đổi hay không là một chuyện, nhưng có vẻ đúng là hầu hết mọi người đều vui vẻ gắn bó với những gì khiến họ thoải mái.

Có hai thứ trong cuộc sống chúng ta có thể chắc chắn tồn tại: một là, sự thay đổi, và hai là, sự không chắc chắn. Khi mới sinh, chúng ta chẳng biết gì nhiều. Trên thực tế, nếu không có cha mẹ và người chăm sóc, em bé chẳng thể nào sống sót được. Qua thời gian, chúng ta học hỏi và phát triển một mô hình tâm trí trong đầu (ND: mental model) về thế giới. Những câu chuyện văn hóa và động lực thực tế (đồ ăn, tiền bạc,...) hun đúc tâm trí và hành vi của chúng ta cho đến khi ta hình thành cái tôi. Chúng ta dần học được cách tránh xa hiểm nguy, tìm kiếm phần thưởng và cả nhìn nhận bản thân mình qua lăng kính người khác.

Lớn lên, ta nhận ra hiểu biết của bản thân mình là hạn hẹp. Cơ thể của chúng ta cũng đổi thay nhanh đến mức chính sự thay đổi là điều hiển nhiên vậy. Và chúng ta OK với điều đó bởi vẫn có những người bảo vệ mình, khỏi phải đối mặt với những bất cập mà sự không chắc chắn và thay đổi mang lại.

Nhưng đến một lúc nào đó, khi phải rời khỏi vùng an toàn của cha mẹ và tổ ấm, là lúc chúng ta bị ném ra thế giới ngoài kia, đột nhiên, chúng ta thực sự phải đối mặt với sự thiếu chắc chắn và dẫn đến phải thay đổi bản thân mình. Đây chính là thời khắc đánh dấu sự trưởng thành.

Con người ta sinh ra vốn đã khao khát sự ổn định và an toàn. Và khi chúng ta phải đối mặt với việc phải-làm-có-lý một thế giới đầy vô lý. Khi cha mẹ không còn có thể bảo vệ, gốc gác cho sự ổn định cần phải phát triển từ bên trong - là thế giới nội tâm và những hành vi dần trở thành tâm điểm cho sự an toàn. Sau vài chục năm kinh nghiệm, ta học được cách vượt qua những thử thách và đau khổ của cuộc sống. Và vì vậy, ta quyết định rằng giờ là lúc để bén rễ và tái sử dụng những thói quen cho bất cứ điều gì tương lai mang tới.

Khi còn nhỏ và lớn lên nhanh chóng, chúng ta dành phần lớn thời gian trong mode Khám phá. Chúng ta tìm kiếm những cuộc phiêu lưu mới, dành nhiều thời gian cho các hoạt động giải trí, dạo chơi xung quanh để xem mình thích và không thích thứ gì. Tuy nhiên, khi vượt qua ngưỡng trưởng thành, một khi chúng ta đã biết được sở thích của mình, một khi đã tự mình đồng thuận, chúng ta bắt đầu chuyển sang mode Khai thác. Giai đoạn này ổn định trong vài thập niên tiếp theo của cuộc sống. Thay vì khám phá những thói quen mới, những sở thích hay sở ghét mới, chúng ta ổn định và đặt cược vào những gì mình đã có. [...] Đây là định nghĩa cơ bản cho việc trở thành người lớn. Nếu bạn đã bỏ công sức để biết được mình là ai và muốn cái gì, sẽ hoàn toàn hợp lý khi chỉ tập trung vào những điều đó.

Tuy nhiên trong quá trình trưởng thành, còn một thứ khác ngầm thâm nhập và gây hoạ lâu dài. Đó là tính cứng nhắc. Cứng nhắc trông như, cảm giác như và hành xử như thể sự trưởng thành, thế nên nó rất nguy hiểm. Nhưng bản chất của nó lại hoàn toàn khác, nó kìm hãm phát triển hơn là hỗ trợ.

Trưởng thành nói rằng: Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm cho chính mình. Nó là phần tính cách biết điều khiển cảm xúc và có thể thoả hiệp với thế giới khi theo đuổi những ham muốn của bản thân.

Cứng nhắc nói rằng: Tao biết thứ gì là tốt nhất. Nó là phần tính cách cho rằng mình đã hiểu thấu được thế giới, và sau đó cố gắng kiểm soát thế giới dựa theo góc nhìn hạn hẹp, thay vì thỏa hiệp với thế giới.

Nói ngắn gọn, trưởng thành là việc phát triển các mô hình thói quen hỗ trợ sự phát triển trong một thế giới đầy phức tạp, theo định hướng bạn đã chọn. Còn cứng nhắc là việc cố gắng thực thi các hệ thống niềm tin của bạn lên người khác bởi vì bạn cho rằng mình hiểu biết nhất.

Thế nên bạn có thể trưởng thành mà vẫn giữ cho mình một tâm hồn cởi mở. Còn cứng nhắc, theo mặc định, là rắn chắc và khép kín. Trưởng thành bao trùm cả sở thích cá nhân, trong khi cứng nhắc lại hoá trang những phán xét thành sự thật.

Khi còn nhỏ, phần lớn những gì chúng ta học được thông qua việc chơi. Theo tiến hóa mà nói, chúng ta chơi vì việc chơi dạy dỗ ta về môi trường vật chất xung quanh, về các chuẩn mực xã hội và cải thiện năng lực nhận thức với chi phí gần như bằng không. Mặc dù mục đích việc chơi không phải là để học, học tập chỉ là kết quả tự nhiên của chơi. Chơi là trạng thái trong đó tâm trí cởi mở với các kích thích của thế giới - một dòng chảy tương tác không-phán-xét. Không có cách chơi đúng hay sai mà đơn giản chỉ là cuộc “đu đưa” liên tục với thực tại.

Còn tính Cứng nhắc lại đối nghịch hoàn hảo. Nó là trạng thái phán xét thuần túy, bị giới hạn bởi các ranh giới có trước từ những giả định đúng/sai của người mặc đồ hoá trang. Chẳng có bất kỳ lấn cấn nào về thực tế rằng, nó đang thiếu hụt thông tin trong một thế giới đầy rẫy nỗi khó hiểu. Cơ sở của Cứng nhắc là nỗi sợ những điều không chắc chắn. Sâu xa hơn, nó biết rằng mình chẳng biết gì cả và lo sợ điều đó. Vậy là thay vì tiếp tục chơi cho đến tuổi trưởng thành, nó trông cậy hết vào những gì mang lại sự thoải mái.

Rốt cuộc thì, tính Cứng nhắc chẳng phải là cách sống nếu bạn muốn theo đuổi sự trưởng thành, thách thức và sự thật. Trưởng thành có thể định hình một số thói quen, nhưng nhìn chung là đủ linh hoạt để đáp ứng với mọi thứ tốt/xấu theo hàng loạt cách đa dạng mà vẫn giữ cho bản thân cởi mở học hỏi những điều mới. Khi Gs. William James viết về định hình tính cách, ông cũng biết điều này. Ông viết các tác phẩm đỉnh cao nhất trong những năm cuối đời. Ông chưa từng rơi vào bẫy đóng cửa tâm trí.

Một trong những câu nói tôi yêu thích của ông đến từ cuốn Sự đa dạng của trải nghiệm tôn giáo (The Varieties of Religious Experience), ông viết:

Vui tính là một trạng thái tâm lý đầy tính triết học; như kiểu ta nói với Mẹ Thiên nhiên rằng chúng ta coi bả không nghiêm túc gì hơn bả coi chúng ta đâu à nha. Tôi cho rằng triết học luôn luôn phải đi đôi với tiếng cười.

[...]Bi kịch phổ biến khi trưởng thành không phải là chúng ta quên mất cách chơi - một việc tự nhiên nhất của con người. Mà là, ta lại tự thuyết phục bản thân rằng chơi là việc không nên làm khi lớn lên. Chúng ta ngừng xem lao động như là vui chơi. Chúng ta ngừng coi tương tác với bạn bè và những người thân yêu là vui chơi. Chúng ta ngừng bỏ cho thời gian cho việc vui chơi.

Hậu quả của tất cả điều này là tâm trí của chúng ta trở nên cứng nhắc. Nó quên đi cách cởi mở để tiếp nhận những thông tin mới, kích thích mới. Nhưng đẹp đẽ thay, tâm trí có thể học lại cách vui chơi bất cứ lúc nào, miễn là nó phải sẵn sàng đối mặt với sự thiếu chắc chắn. Hành trình tới đích mới là phần thưởng đáng chờ đợi.

----------------------------------

Tác giả: Zat Rana @ Medium
Ảnh: Christian Gertenbach - Unsplash
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi