1:00 SA @ Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2021

Tha thứ

LTS: Tết đến, năm cũ qua năm mới đến, tình cờ kênh của Thầy Minh Niệm có một trích đoạn riêng về tha thứ với giọng đọc Phan Anh. Chủ đề này sẽ còn kéo dài suốt cuộc đời của một con người khi người đó vẫn sống, vẫn yêu. Vậy nên re-post lại đoạn hướng dẫn thiền định tha thứ của tác giả Gina Sharpe trong cuốn "The power of forgiveness".

Tha thứ không phải là chuyện dễ làm. Khi ta bị làm hại, bị tổn thương, bị phản bội, bị bỏ rơi hay bị bóc lột, thì cảm giác dường như sự tha thứ là việc không thể thực hiện được. Tuy nhiên, trừ khi ta tìm được cách nào đó để tha thứ cho người, cho bản thân, nếu không ta sẽ chôn giữ ân hận và sợ hãi trong tim mãi mãi.

Thử tưởng tượng thế giới này sẽ ra sao nếu không có tha thứ, chúng ta sẽ như thế nào nếu mọi người đều giữ chặt mọi tổn thương, mọi bất mãn, mọi sân hận. Nếu ta cứ giữ mọi thứ đó trong tâm, không chịu buông bỏ, thì cuộc sống sẽ khốn khổ thế nào.

Không biết tha thứ là ta phải mang theo mình những nổi đau của quá khứ. Như Jack Kornfield đã nói: "Tha thứ là làm cho quá khứ tốt hơn". Trong ý nghĩa đó tha thứ không phải là cho người khác mà cho mối liên hệ của ta đối với quá khứ. Khi bắt đầu khởi lên lòng tha thứ, đó chính là sự khởi đầu cho bản thân ta.

Việc thực hành không phải là cố tạo ra một nụ cười trên gương mặt, rồi nói: "Không sao. Tôi không quan tâm". Đó không phải là một nỗ lực giả tạo để đè nén nỗi đau hay phớt lờ nó. Để có thể đi đến chỗ tha thứ, đôi khi ta phải trải qua một quá trình bao gồm sự đau đớn, giận dữ, buồn tủi, và mất mát. Sự tha thứ là một quá trình sâu sắc, cần phải được lặp đi lặp lại nhiều lần trong tâm ta. Nó bao gồm cái đau, bao gồm sự uất nghẹn. Dần dần với thời gian, nó sẽ đưa đến sự tự do của việc thực sự tha thứ. Nếu ta chân thành nhìn lại cuộc đời mình, ta có thể thấy những nổi sầu muộn, khổ đau đã đưa đến các sai phạm của bản thân. Chúng ta không chỉ là nạn nhân; đôi khi chúng ta cũng là người tạo tác. Ta cũng cần được tha thứ. Bằng cách đó, cuối cùng ta có thể đem lòng tha thứ cho bản thân và chôn niềm đau vào trái tim bi mẫn. Không có sự tha thứ, khoan dung đó, ta sẽ sống trong cô lập, trong lưu đày.

Khi bạn thực hành theo các phương thức tha thứ sau đây, hãy cảm nhận sự buông tha dầu ít hay nhiều trong tâm bạn. Không sao nếu như bạn chưa sẵn sàng để tha thứ, đôi khi quá trình đi đến tha thứ xuyên suốt cả một đời người. Bạn có thể làm điều đó khi đúng thời điểm và theo cách của bạn. Sự tha thứ là thái độ cởi mở, phóng khoáng, bao dung, không phải là thứ tình cảm mà ta tạo lập ra nơi thâm tâm.

CÁCH THỰC HÀNH THA THỨ

Có ba phương cách thực hành tha thứ, các cách này không bó buộc, nếu bạn cảm thấy không thể tha thứ cho bản thân, bạn có thể ngồi im lặng, quan sát xem có cánh cửa nào dù nhỏ hẹp hé mở trong trái tim để cho chút ánh sáng nhỏ nhoi nhất có thể len vào. Và nếu bạn cảm thấy không thể nào tha thứ cho người vì nghĩ là việc làm của họ không thể nào được tha thứ, thì bạn cũng cần biết điều đó. Trong quá trình thực hành, ta quán chiếu xem mình đang ôm ấp nỗi đau xót, chua cay nào, và nó dày vò trái tim ta như thế nào. Nếu như bạn chỉ có thể tha thứ một phần rất nhỏ, thì cũng không sao. Đây là một quá trình tháo gỡ mà đôi khi cần cả đời người làm việc đó. Hãy ngồi thoải mái, mắt khép lại, và thở tự nhiên, không gắng sức, buông thư thân tâm, cảm nhận sự kết nối giữa bạn và vũ trụ. Để hơi thở nhẹ nhàng đi khắp toàn thân, nhất là vào tim bạn. Khi đang hít thở, hãy cảm nhận tất cả mọi rào chắn mà bạn đã dựng lên, các tình cảm mà bạn chất chứa vì chưa thể tha thứ cho mình và cho người. Hãy nhận biết cảm giác đau đớn vì đã đóng chặt trái tim bạn.

Sự tha thứ từ người khác

Khi hơi thở len vào tim, hãy cảm nhận bất cứ sự khô cằn nơi đó, hãy lặp lại thầm những lời sau: "Tôi đã làm tổn thương, làm hại đến người khác bằng nhiều cách khác nhau. Giờ thì tôi đã nhớ lại những cách mà tôi đã phản bội, bỏ rơi, gây đau khổ, một cách cố ý hay vô tình, do đau khổ, sợ hãi, sân hận hay vô minh". Hãy nhìn thấy được những khổ đau mà ta đã gây ra cho người, cảm nhận được như thế, bạn sẽ cuối cùng buông xuống gánh nặng này và xin được tha thứ. Hãy dành nhiều thời gian để hình dung lại ký ức trĩu nặng tâm bạn, hãy nhẹ nhàng nói: "Tôi xin được tha thứ, xin được tha thứ".

Tha thứ cho bản thân

Để cầu xin sự tha thứ cho bản thân, hãy niệm thầm: "Khi tôi gây đau khổ cho người, bằng nhiều cách tôi cũng bị tổn thương, bị tác hại. Đã bao lần tôi phản bội, hay bỏ rơi bản thân trong ý nghĩ, lời nói hay hành động, một cách cố ý hay vô tình". Hãy tự nhớ lại những cách mà bạn đã làm tổn hạn mình và tha thứ cho từng hành động tác hại. "Qua những cách mà tôi đã làm tổn hại bản thân bằng hành động hay ý nghĩ, do sợ hãi, khổ và vô minh, giờ tôi chân thành hối lỗi. Tôi xin tha thứ cho bản thân. Tôi tha thứ cho bản thân. Tôi tha thứ cho bản thân".

Tha thứ cho người đã làm tổn hại ta

Để phát tâm tha thứ cho những người đã tổn hại ta, hãy lặp lại như sau: "Tôi đã bị tha nhân làm tổn hại, bóc lột, lừa dối, bỏ rơi bằng nhiều cách, dù vô tình hãy cố ý, bằng lời nói, ý nghĩ hay hành động". Hãy hình dung ra những cách bạn cảm thấy bị tổn hại. Hãy ghi nhận chúng. Từng sự tổn hại. Hãy ghi nhớ những điều này là thực đối với bạn, và cảm nhận sự đau buồn bạn đã gánh chịu trong quá khứ. Và giờ bạn cảm nhận rằng mình có thể buông gánh nặng này xuống bằng cách tha thứ dần dần khi tâm bạn đã sẵn sàng. Đừng ép buộc phải buông bỏ mọi muộn phiền trong một lần thiền định.

Ba phương cách thực hành sự tha thứ này lặp đi lặp lại, cho đến khi bạn cảm thấy tâm thật thanh thản. Đối với một số tổn thương nặng nề, có thể bạn chưa thấy thanh thản. Ngược lại, bạn còn có thể trải nghiệm lại cảm giác tổn thương mà bạn từng gánh chịu. Trong trường hợp đó, bạn có thể chỉ nghĩ thoáng qua, rồi tha thứ cho bản thân vì chưa sẵn sàng buông bỏ và bước tiếp với cuộc đời.


Còn đây là bản radio của Thầy Minh Niệm về Tha thứ

Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi