Người “của” Bill Gates
Từng làm giám đốc giải pháp cho Tập đoàn Intel VN và bây giờ là giám đốc marketing của Microsoft VN, lương khoảng 40.000 USD/năm, là người VN duy nhất tổ chức cuộc gặp giữa người “giàu nhất hành tinh” - Bill Gates - và Thủ tướng Phan Văn Khải tại Mỹ vào tháng 6-2005, Trịnh Thanh Lâm là đại diện một lớp người trẻ VN tham gia trực tiếp công việc kinh doanh của những tập đoàn đa quốc gia...
Vật lộn với Intel!
Gốc gác ở Hải Dương, như câu tự giới thiệu sau này với nhiều người bạn (“Tôi từ quê ra!”), Trịnh Thanh Lâm lớn lên ở chốn quê nhà hiền lành rồi vào đại học thời bao cấp. Chưa bao giờ nghĩ đến chuyện buôn bán, thế nhưng kinh doanh là công việc đầu tiên mà Trịnh Thanh Lâm bước vào sau khi tốt nghiệp ngành toán - Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1988.
Lúc đó đã có quyết định giữ Thanh Lâm ở lại trường nhưng kẹt vấn đề biên chế. Thời ấy, cử nhân toán học như anh chỉ có thể hưởng nửa mức lương so với những người trong biên chế, vậy là vào đời để tự mưu sinh bằng cách... đi buôn gạo!
Thời bao cấp cũng là thời gạo châu củi quế, miền xuôi còn hiếm huống chi miền ngược. Gạo được Lâm mua từ Hải Dương vận chuyển lên Cao Bằng bán lại cho bà con mong kiếm vài đồng lời nuôi thân.
Sau một năm xuôi ngược hàng ngàn cây số, đổ mồ hôi sôi nước mắt, kết quả... lỗ hơn một lượng vàng! Anh chàng cử nhân toán lắc đầu ngao ngán mà trở lại giảng đường Trường Tổng hợp nhận nửa suất lương...
Trong cái rủi luôn có cái may. Khi trở về trường, bỗng một hôm có đoàn cán bộ bên học viện quân y sang trường làm việc, họ muốn trường giúp cho một người biết về máy vi tính. Số là họ vừa được tặng thưởng một chiếc máy tính đời 286 mà không biết sử dụng ra sao.
Thế là người rảnh rang nhất được cử đi giúp học viện quân y. Lâm được cử đi. Câu hỏi duy nhất mà anh phải trả lời ông trưởng phòng tổng hợp của học viện quân y là: “Anh có biết hết các phím trên cái máy tính này không?”. “Dạ biết!”. Và Lâm trở thành “chủ nhân” của phương tiện máy tính tối tân nhất vào thời điểm tháng 2-1990 của học viện.
Năm năm sau, một cơ hội tuyệt vời mở ra với Lâm khi anh được chọn sang Nhật học bốn tháng về công nghệ thông tin (CNTT). Thật ra, CNTT lúc ấy ở Nhật đã là một trời một vực với chiếc máy tính đơn lẻ mà anh từng là bậc thầy.
Lần đầu tiên Lâm quen với khái niệm “hệ thống dữ liệu”, “kết nối mạng”... Nhật Bản thời ấy đã làm được những bước nhảy vọt có thể gây choáng cho bất cứ quốc gia nào: họ đã sản xuất được máy tính, đã lập được hệ điều hành, vi xử lý riêng với khát vọng nối mạng toàn cầu.
Lâm bắt đầu tự học với các dạng ngôn ngữ lập trình cấp thấp và cứ cảm thấy chồn chân trước những gì mà nền CNTT Nhật Bản đang có. Một người bạn cười và khuyên anh: “Hãy bình tĩnh mà đi tới, bởi Nhật Bản đã như ông già 60 tuổi, còn VN trong lĩnh vực này chỉ là một em bé mới sinh...”.
Ấy vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn Lâm đã được chứng kiến cảnh “ông già 60 tuổi” kia đã phải chấp nhận để một “anh chàng người Mỹ” làm thay cái việc nối mạng toàn cầu.
Sự kiện này đã làm Lâm suy nghĩ rất nhiều: chưa hẳn người VN không thể bắt kịp tri thức CNTT của thế giới... Thời điểm này - 1997, Tập đoàn Intel mở văn phòng tại VN, một cơ hội mới đang chờ đón một người trẻ VN...
Lâm kể lại: “Thời điểm đó tôi đang đi dạy ở thành phố Vinh, Nghệ An. Nghe tin Tập đoàn Intel đang cần một người nghiên cứu các giải pháp cho khách hàng VN. Họ đã phỏng vấn đến 12 người mà chưa chọn được, tôi quyết liều một phen đăng ký phỏng vấn đến ba vòng.
Tôi còn nhớ hình ảnh thật tức cười trong tình huống cuộc phỏng vấn chỉ diễn ra bằng... tay, ai nói người đó hiểu. Nói mãi, nói mãi rồi người Mỹ phụ trách phỏng vấn cũng biết lờ mờ rằng tôi có kiến thức về CNTT nên phán: “Mày chắc được rồi, chỉ có tiếng Anh tệ quá!”.
Đi làm. Thử thách kinh khủng nhất đối với Lâm là khi nghe tiếng chuông điện thoại. Lâm cứ thấy bủn rủn cả người mỗi khi tiếp những cuộc điện thoại từ nước ngoài gọi sang bởi vốn tiếng Anh ít ỏi của mình.
Mà cái gì mình sợ thì cứ tới liên tục. Điện thoại từ nước ngoài tới tấp gọi về! Đi họp cũng lại sợ, một sếp người Singapore nói: “Cái gì không biết mày cứ hỏi tao”. Anh đáp thật tình: “Cái gì tao cũng không biết”.
Anh này trợn mắt, nhún vai và lắc đầu...! Lúc đó Lâm đã 31 tuổi, cái ấm ức của tuổi đáng ra đã phải yên bề công danh khiến anh thấy chỉ có một lối thoát duy nhất: học, học và học!
Hai năm đầu làm việc cho Intel, Lâm không còn thời gian nào dành cho mình và gia đình. Mỗi ngày phải học từ 12-14 giờ, người cứ căng ra, cái mẹo duy nhất để tránh nỗi sợ hãi khi nhận điện thoại từ nước ngoài là câu nói thuộc lòng bằng Anh ngữ: “Mày cứ gửi mail sang cho tao!”.
Một lần giám đốc người Anh ở Singapore điện sang nhờ mua giùm mấy cái “table cloths” (khăn trải bàn) ở khu du lịch Hội An, nhưng Lâm nghe ra là “table clock” (đồng hồ để bàn) nên nhờ người quen tìm khắp Hội An để mua... đồng hồ để bàn.
Tìm không ra, anh mail sang báo thì vị giám đốc ngớ ra cười ầm và bảo: “Làm với Intel mà dốt tiếng Anh là không được, cho dù mày giỏi vi tính cỡ nào. Tao gửi mày 5.000 USD để học tiếng Anh, phải học cho đàng hoàng”.
Số tiền này đủ cho 100 giờ học tiếng Anh ở Hội đồng Anh kiểu một thầy một trò. Cánh cửa khó nhất được mở ra với Lâm, với một kinh nghiệm mới khi làm việc với các tập đoàn lớn: “Đừng giấu dốt, bạn sẽ được giúp đỡ!”.
Sau hai năm, kết quả xếp loại hằng năm của Lâm từ trung bình dần tăng lên khá giỏi, rồi đến lúc anh được bình chọn vào hạng “outstanding” mà cả Intel châu Á chỉ có Lâm và một người Trung Quốc đạt được!
Con đường đến với “người giàu nhất hành tinh!”
Không phải ngẫu nhiên mà Tập đoàn Microsoft “mua” Trịnh Thanh Lâm về trong thời điểm tháng 1-2005.
Công việc chính thức dài lâu mà tập đoàn của ông trùm Bill Gates giao cho Lâm là giám đốc marketing cho Microsoft tại VN, nhưng một nhiệm vụ đặc biệt đang chờ anh trước mắt: là người VN duy nhất của Microsoft có mặt để dẫn chương trình và phiên dịch cho cuộc gặp giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Bill Gates trong chuyến viếng thăm lịch sử của Thủ tướng tới Mỹ vào tháng 6-2005!
Và vinh dự hơn là những gì mà con người giàu nhất hành tinh này đã chuẩn bị cho cuộc gặp với Thủ tướng VN một cách trân trọng nhất, với cả băngrôn bằng tiếng Việt: “Chào mừng Thủ tướng Phan Văn Khải” - điều ít thấy ở một nơi mà 100% sử dụng Anh ngữ...
39 tuổi đời, dáng vẻ phong trần, chân tình, không cầu kỳ, không điệu đàng dù cho anh đang là “người nhà” của Bill Gates. Sự thay đổi công việc lần này đối với Lâm không khó khăn như thời anh bước chân vào Intel vì anh đã có “cái giá” của mình.
Lâm nói đơn giản và khá hài hước về mình: “Thật ra có vài khác biệt. Ở Intel, tôi làm chuyên gia phần cứng, nhưng về với Microsoft tôi phải làm chuyên gia phần mềm, phải hoạch định được hướng tiếp cận và khai thác thị trường...
Tất cả điều đó không quan trọng một khi bạn đã tự trang bị cho mình những chuẩn mực mang đẳng cấp quốc tế trong công việc. Giờ đây tôi có thể thoải mái làm mọi việc tại VN hay Singapore, Ấn Độ hay Hoa Kỳ mà không còn lo sợ điều gì như thời mới về Intel...”.
Bây giờ “cậu bé nhà quê” năm xưa đã lịch lãm comlê ngon lành trong chiếc Mercedes C240 bóng loáng rong ruổi khắp phố phường Hà Nội hay có mặt trên những khoang máy bay thượng hạng bay đi khắp năm châu với “thương hiệu”: người của Bill Gates...
Nhưng điều mà anh thích nhất là một buổi chiều thật rảnh rỗi, bạn bè “alô” một tiếng đi cà phê hay uống vài cốc bia; hoặc về quê nhà quây quần bên mâm cơm với những người nông dân và nói đủ thứ chuyện trên đời.
Biết đâu, câu chuyện tiến thân cũng như những nỗ lực không mệt mỏi để vượt qua những trở ngại của Lâm sẽ gieo vào lòng những đứa trẻ nhà quê nào đó một ngọn lửa khát vọng, rằng một ngày nào nó cũng sẽ được đi xa như chú Lâm và câu chuyện cổ tích “ngày xửa, ngày xưa... ” sẽ trở thành sự thật!...
Từ 50.000đ/tuần đến 6.000USD/tháng
Đã có một thời những mối quan hệ lao động được xác lập bởi giá trị cơ bắp. Đã có một thời người ta bình đẳng trong cơ chế “trung bình chủ nghĩa”.
Và có một thời vị trí lãnh đạo được xem là vật mua bán, biếu xén hoặc “để dành” cho con em các sếp bất chấp năng lực...
Còn bây giờ, khi cuộc đua thương trường đã thật sự khốc liệt, có những người trẻ ở độ tuổi 20-30, họ không có vốn tiền tỉ, không vai vế thân quen, nhưng họ được một đơn vị, một công ty hay một tập đoàn đa quốc gia mời về, “đặt” vào những vị trí quan trọng và tất nhiên đồng lương trả cho họ cũng phải thật xứng đáng bởi họ là những “người làm thuê số 1”!
Đây là câu chuyện về Lê Trung Thành - hiện là phó tổng giám đốc Pepsi VN với mức lương hơn 6.000 USD/tháng, đồng thời là thành viên sáng lập Trường dạy nghề marketing IAM. Nhưng ít ai biết để trở thành một marketing giỏi nhất VN và được Tập đoàn Pepsi tuyển dụng, chàng trai 34 tuổi đã “khởi nghiệp” bằng những bảng điều tra thị trường với tiền công 50.000 đồng/tuần!...
Những bài học đầu tiên
Năm 1992, lần đầu tiên ở VN xuất hiện hoạt động khảo sát thị trường. Một công ty nghiên cứu thị trường từ Thái Lan cử chuyên gia bay sang đặt vấn đề liên kết với ĐH Kinh tế TP.HCM thực hiện cuộc điều tra diện rộng trên người tiêu dùng TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Thành là một trong năm sinh viên tình nguyện tham gia dự án điều nghiên này.
Thời ấy, những hoạt động khảo sát thị trường đều trong tình trạng sơ khai, đối tượng phạm vi khảo sát chưa được chọn lựa , chủ yếu đụng đâu hỏi đó. Cầm bảng câu hỏi, chàng sinh viên kinh tế cứ thế mà lủi vào bất cứ khu phố nào có vẻ “hiền, hiền...”, gõ bất cứ cửa nhà nào thấy “dễ, dễ...”, cũng có khi cả buổi chẳng thu thập được gì bởi đối tượng không nằm trong phạm vi khảo sát. Mỗi bảng câu hỏi làm rất công phu, được trả công 5.000 đồng. Và lần đầu tiên trong đời, Thành đã kiếm được tiền: 50.000 đồng cho một tuần đi khắp hang cùng ngõ hẻm!
“Nhưng bù lại, có một cái gì đó rất khác lạ đã nhen lên trong đầu tôi với bảng câu hỏi và những cách thức mà người ta tìm kiếm dữ liệu. Nó khác hoàn toàn với những bộ môn đã học trong nhà trường. Lần đầu tiên tôi biết một cách căn bản về “thăm dò”, “điều nghiên”, những thuật ngữ tưởng chừng như đơn giản mà sau này tôi mới biết những thông tin đó quyết định số phận cả một dự án hàng triệu USD. Cậu SV năm cuối dần dần bộc lộ mình là người có đầu óc tổ chức và nhiều kinh nghiệm nhất trong nhóm, được “lên chức” nhóm trưởng, rồi phụ trách truyền đạt kỹ năng cho những sinh viên mới hơn. Rồi được đi Hà Nội, Đà Nẵng...
Ký ức những ngày đầu học nghề vẫn chưa phai trong tâm trí “vị” phó tổng giám đốc ở tuổi 34 hôm nay: “Lần ấy, Công ty sữa F. đã đổ không biết bao nhiêu tiền để điều tra về thị trường sữa ở VN. Tôi lấy làm lạ, F. là một thương hiệu lớn toàn cầu sao phải điều tra quá tốn kém như thế.
Các số liệu thống kê do chúng tôi mang về chứa đựng một thông tin hết sức quan trọng: nói về sữa, người dân chỉ biết hai chữ “Ông Th.” - một nhãn hiệu quá quen thuộc vốn trước đây là của Hãng F. Và đúng như tôi phán đoán, Hãng F. phát động cuộc chiến đòi lại nhãn hiệu “Ông Th.” của mình. Cho dù chiến thắng không thuộc về Hãng F. một cách trọn vẹn, nhưng tôi đã thấy được sức mạnh kinh hồn của những tấm phiếu điều tra thị trường - bài học đầu tiên về thương hiệu của tôi đã có từ đây”.
Tốt nghiệp loại xuất sắc, không đi “đầu quân” cho các công ty nước ngoài như nhiều sinh viên giỏi khác, Thành quyết định ở lại làm việc tại Trung tâm nghiên cứu thị trường của ĐH Kinh tế. Thành thú thật: “Trước tiên là do mê công việc mới mẻ này, nhưng thực tình tôi cũng chờ một suất học bổng của trường”. Mức lương 600.000 đồng/tháng chẳng thấm vào đâu so với công sức anh bỏ ra cho những dự án khảo sát thị trường tiếp theo.
“Năm 1993, hàng loạt “đại gia” như Caltex, Unilever, Johnson and Johnson, P & G…bắt đầu xuất hiện và kéo theo hàng loạt phương thức tiếp thị... Tôi lao vào tiếp cận, học hỏi hầu hết các loại hình khảo sát lúc ấy: công nghiệp, hàng tiêu dùng, thói quen tiêu xài, sở thích xem truyền hình... Những cánh cửa mới cứ mở ra liên tục nên tôi nghĩ không thể đứng bên ngoài mà học được, cần phải bước vào bên trong mới có thể nhìn được cận cảnh. Tự nhiên lúc đó tôi khát khao được đi làm cho những tập đoàn nước ngoài một cách mãnh liệt, đi làm không vì đồng lương cao hơn mà nơi đó, tôi sẽ học được điều mình cần...”.
Với doanh nghiệp trong nước, Thành là người “quan trọng”, có kinh nghiệm, nhưng khi bước chân gõ cửa các tập đoàn, công ty đa quốc gia thì anh thấy mình là... con số không! Sau này đúc kết lại, chưa bao giờ trong đời Thành bị người ta từ chối nhiều như thế. Đơn xin việc nộp ào ào, và nơi nào cũng hỏi về... kinh nghiệm. Cuối cùng đành phải đi đường vòng: làm sales (nhân viên bán hàng) cho Hãng Caltex!
“Đó là giai đoạn mà tôi khủng hoảng đến vật vã, tôi được giao đi chào hàng món “khó nuốt” nhất là... nhựa đường! Hết nhựa lại tới nhớt! Không còn cảnh áo trắng cà vạt, xách cặp táp đi làm điều tra thị trường như ngày nào. Nhiệm vụ của tôi lúc ấy là tiếp cận với... lề đường, với những người thợ sửa xe lấm lem dầu mỡ và nói toàn những câu chuyện đá banh, vụ án, chuyện “xe cán chó” mới hòa nhập khách hàng được. Tôi cảm thấy mình lì hơn, nhưng nghĩ lại mới thấy đó cũng là một giáo trình quí giá sau này, những gì tôi học trong nhà trường chỉ một thì cuộc đời đã dạy tôi mười!”.
Là nhân viên bán dầu nhớt, nhưng công ty cũng qui định lưu loát tiếng Anh! Thành lại phải vật vã vượt qua những tiêu chuẩn mới: tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp, kỹ thuật “vượt qua phản đối” mà người bán hàng lúc nào cũng phải đối diện.
Khi chuyển sang làm việc cho Unilever qua một cuộc phỏng vấn “chữa cháy” cho một người bạn, Thành mới hiểu đúng về giá trị của công việc và kinh nghiệm. Khi tham gia phỏng vấn, người ta đề nghị Thành đưa ra mức lương cho chính mình (điều này hầu như còn rất xa lạ đối với các doanh nghiệp nhà nước), Thành đề nghị mức cao gấp đôi so với lương đang hưởng bên Công ty Caltex: 400 USD/tháng. Nhưng thật không ngờ, Unilever đồng ý ngay mức lương tự đề xuất đó! Cuộc đời Thành rẽ sang một bước ngoặt khác...
Thất bại và thành công
Nhiệm vụ đầu tiên được giao khi về đầu quân cho tập đoàn Unilever là xây dựng thương hiệu cho hai sản phẩm: xà bông Lifebuoy và Lux. Thành làm việc độc lập, được báo cáo thẳng với trưởng phòng tiếp thị. Đó là một người phụ nữ Thụy Sĩ cho tới giờ anh vẫn rất kính trọng:
“Bà ấy bảo bà có nhiệm vụ nâng đỡ những tài năng VN và suốt tám năm trời mình đã có dịp kiểm chứng lời bà ấy nói. Mỗi khi mình làm hết sức mà chưa được như ý thì bà vò đầu, bứt tai cảm thấy như chính bà chưa làm tròn bổn phận”. Học với người giỏi phải luôn ở tư thế “hừng hực lửa” và đừng bao giờ nghĩ đến việc gặp người đàn bà Thụy Sĩ này với cái đầu trống không. Bà ấy bảo: “Hãy suy nghĩ và chọn ra giải pháp rồi đến nói chuyện với tôi sau!”.
Trong môi trường như vậy, Thành đã bước vào thử thách đầu tiên bằng cách “chinh phục” con dấu “cầu chứng” cho nhãn hiệu Lifebuoy. Đó là thời điểm mà nhãn hiệu này đang bị hai đối thủ khác cạnh tranh dữ dội. Và cuối cùng chàng trai trẻ đã giành chiến thắng ngoạn mục với con dấu “cầu chứng” của Viện Pasteur với cam kết 10 triệu bánh xà phòng phát không cho hệ thống y tế hạ tầng trong ba năm.
Để có được thành công đó, trong suốt ba năm trời Thành phải đi ghe vào tận những vùng sâu nhất của ĐBSCL hay lặn lội lên những bản làng tít tận Cao Bằng để điều tra, nghiên cứu nhãn hiệu của mình làm có tác dụng ra sao đối với cộng đồng. Đó cũng là một giá trị quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu: giá trị mà sản phẩm mang lại cho cộng đồng - cái chân của hoạt động marketing chuyên nghiệp là đây.
Năm 1999, nhãn hiệu Lifebuoy được giải thưởng Unilever toàn cầu bởi liên tục tăng trưởng trong vòng ba năm. Phần thưởng dành cho “công trạng” này là một suất du học cao học quản trị kinh doanh tại Úc.
Học xong, vừa từ Úc quay về, Thành vấp phải một khủng hoảng trong sáu tháng đầu tiên: sản phẩm nhuộm tóc Sunsilk vốn thành công rực rỡ ở Thái Lan lại thất bại nặng nề tại thị trường TP.HCM. Hóa ra, sai lầm lại nằm ở điểm cơ bản trong nghiên cứu thị trường do nôn nóng và chủ quan khi nghĩ rằng: ở Thái Lan thành công thì ở VN chuyện chiếm lĩnh thị trường là việc... đương nhiên!
Chỉ trong ba tuần thử nghiệm đã có ngay kết quả đắng cay: lỗ 3 triệu USD! Có hai thái độ phải lựa chọn của người lãnh đạo chương trình khi bị thất bại nặng nề: một, đổ thừa “không phải lỗi tại tôi”; hai, cắn răng nhận trách nhiệm và quyết tâm làm lại. Thành đã chọn cách thứ hai khi anh đến gõ cửa phòng tổng giám đốc và đề nghị: “Hãy cho tôi thêm sáu tháng nữa để làm lại mọi việc. Nếu không làm được tôi sẵn sàng chấp nhận bị đuổi việc!”.
Những cái nhìn tỉnh táo hơn, những cuộc điều tra khoa học hơn, mẫu mã được thay đổi..., chỉ sau sáu tháng doanh số tăng gấp đôi, sản phẩm dần lấy lại được thị trường. Sếp gật gù khen ngợi, nhưng với Thành đó là một bài học xương máu trên con đường chinh phục thị trường...
Thất bại cũng như khả năng chuyển bại thành thắng của Thành không lọt qua được mắt của những tập đoàn, công ty đa quốc gia. Tổng giám đốc Pepsi VN, ông Phạm Phú Ngọc Trai, nói đơn giản nhưng đầy đủ khi mời Thành về làm việc với cương vị phó tổng giám đốc phụ trách toàn bộ mảng marketing: “Đó là một con người làm việc đầy say mê và có sự sáng tạo mãnh liệt!”.
Con đường chinh phục thị trường của Lê Trung Thành vẫn còn là con đường dài phía trước, nhưng với riêng anh vẫn không thôi ấp ủ một hoài bão: đưa Trường dạy nghề marketing IAM trở thành một trung tâm đào tạo chuyên gia markerting hàng đầu của VN!
Kiên quyết loại trừ những “bản báo cáo láo”
Huyện Chợ Mới, An Giang:
Chuyến "vi hành" này nhằm ghi nhận thực tế, sau đó cho tổng điều tra lại và dám chấp nhận tỉ lệ hộ nghèo từ 10-15%. Đây quả là chuyện hiếm có. Ông Nguyễn Danh Trung, chủ tịch UBND huyện, cho biết:
- Năm 2004, tỉ lệ hộ nghèo của Chợ Mới được thống kê là 1,3%, con số rất đáng... nghi ngờ. Vậy mà mới đây, qua tổng điều tra lại số hộ nghèo theo tiêu chí mới, đáng lý tỉ lệ sẽ tăng lên thì báo cáo vẫn đưa ra con số xấp xỉ như cũ! Chúng tôi cảm nhận rằng số liệu này chưa phản ánh đúng thực trạng, chưa chuẩn xác.
Chợ Mới đất chật người đông, chỉ có 23.000ha đất canh tác cho 370.000 dân, trong khi sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nên còn nhiều hộ nghèo, nhiều bà con phải đi các địa phương khác làm ăn kiếm sống. Đừng nói đâu xa, ngay ở thị trấn trung tâm huyện, chúng tôi vẫn thường gặp và biết khá nhiều hộ nghèo thật sự nhưng họ nào có được xếp vào hộ nghèo. Hay như về số hộ nhà cửa xiêu vẹo, báo cáo của các xã rất thấp, đến khi thống kê lại để tiến hành cất nhà tình thương thì con số chợt tăng một cách đột biến, có xã như Kiến An tăng hơn 200%...
- Không thể an tâm với số liệu đó, lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện quyết định đi xuống tận dân, xuống tận từng địa bàn để trực tiếp tìm hiểu thực tế. Hằng tuần chúng tôi đã vào vai những người dân, có thể là một nông dân, một người làm thuê, một người đi kiếm việc làm vì với tư cách cán bộ, khi tiếp xúc giữa mình với dân hình như có một sự ngăn cách nào đó nên có nhiều điều bà con không dám phản ảnh, không dám bộc bạch hết. Trong vai những người dân, chúng tôi dễ tiếp cận nên ghi nhận được tường tận dưới nhiều góc độ khác nhau và được nghe bà con nói thẳng thắn.
* Các ông đã ghi nhận được điều gì?
- Rất nhiều điều! Riêng về vấn đề hộ nghèo thì con số thực tế cao hơn rất nhiều con số báo cáo. Có một gia đình ở Kiến Thành gồm hai vợ chồng già và ba đứa con bao năm qua không có nhà ở, nhưng không hề có trong danh sách hộ nghèo. Hôm cấp cho căn nhà tình thương, họ mừng lắm, nhìn cảnh tượng hai vợ chồng lúi húi trong mưa ôm từng mớ đất đắp tôn thêm nền nhà còn lỗ chỗ ai nấy đều ngậm ngùi. Có cô bé học sinh giỏi nhà nghèo, quanh năm đi học chỉ với một bộ đồ cũ nhàu nhưng chẳng thấy ai báo cáo. Và nhiều trường hợp khác nữa... Chúng tôi không khỏi ray rứt và ân hận vì cảm thấy mình chưa sâu sát với dân.
Chúng tôi nhận ra rằng những con số báo cáo thường được thực hiện một cách máy móc, không sâu sát thực tế. Điều này ngoài việc cán bộ cơ sở bị động, thiếu nhận thức và thực hiện một cách thiếu trách nhiệm thì còn do căn bệnh chạy theo báo cáo lấy thành tích.
* Từ tỉ lệ 1% tăng lên 15%, con số này có làm các ông bất ngờ, gây sốc?
- Chúng tôi còn mừng nữa là đằng khác, bởi nó khẳng định rằng nhận định ban đầu của mình là đúng. Chúng tôi dám nhìn thẳng sự thật và chấp nhận sự thật. Con số đó giúp chúng tôi phần nào hình dung thêm hoàn cảnh sống, mức sống, khả năng thu nhập của người dân, đồng thời nhận ra những điều chưa làm được của mình.
Chúng tôi không cần những con số báo cáo chạy theo thành tích mà cần số liệu thật, thể hiện đúng thực trạng. Từ cơ sở đó chính quyền huyện mới có những chủ trương, tính toán phù hợp để đề ra biện pháp, giải pháp căn cơ trong việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo ổn định cuộc sống, cũng như thực hiện chu đáo hơn các chế độ chính sách đối với các hộ nghèo như hỗ trợ vốn, xóa nhà tạm bợ, chăm lo sức khỏe, bảo hiểm xã hội...
* Qua báo cáo của cán bộ thuộc quyền này, huyện có rút ra được bài học gì?
- Đó là bài học về khâu công tác cán bộ, chúng tôi đang chấn chỉnh đội ngũ cán bộ của mình theo hướng “gần dân, sát dân, hiểu dân”. Cán bộ phải thường xuyên xuống tận địa bàn nắm bắt tình hình. Tới đây chúng tôi có chủ trương giảm các cuộc họp bàn và hội nghị không cần thiết, dành thời gian đó cho cán bộ xuống cơ sở. Như vừa rồi thực hiện thi công nạo vét tuyến kênh ấp chiến lược, khi vướng mắc chúng tôi đã xuống tận nơi gặp gỡ trao đổi trực tiếp, giải thích với bà con, cuối cùng bà con hiểu ra đã hoan nghênh ủng hộ. Nếu không xuống gần dân như thế, liệu sử dụng các biện pháp hành chính đơn thuần có khả thi?
Bài học thứ hai là kiên quyết loại trừ căn bệnh thành tích, loại trừ những bản báo cáo chạy theo thành tích. Căn bệnh thành tích kiểu ấy chỉ làm cho chúng ta tự mãn, không nắm bắt được tình hình thực tế. Mà không nắm bắt được thực tế chắc chắn sẽ không có những chính sách sát với thực tiễn, hợp lý, hợp lòng dân...
Tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh - "Sống cứ như thế đến cùng"
Xin trích ra đây một đoạn:
Dẫn nhập: "Xứ Nghệ lắm người tài nhưng cũng nhiều kẻ sĩ "gàn". Xưa, cụ Nguyễn Công Trứ công thành danh toại, trở về quê cưỡi trâu lấy mo cau bịt... phía sau và phán rằng để che miệng thiên hạ. Nay có nhà báo già cả gan viết đơn kiến nghị FIFA phải buộc trọng tài đề tên lên áo như cầu thủ, để khi có vị nào bắt láo, khán giả còn biết tên để mà... chửi"
Đoạn tiểu sử thú vị về xây dựng CNXH và bị cách chức: "Năm 1976, tôi đã là Trưởng phòng Giá - Tiêu dùng rồi ấy chứ - ông Quỳnh nhớ lại - Lúc đó, cơ chế quản lý kinh tế của ta còn bao cấp nặng lắm. Với chức danh như vậy và lòng hăng hái của tuổi trẻ, tôi viết tờ trình cải cách kinh tế và đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Vật giá Nghệ Tĩnh. Thế là họ làm ầm lên, có người còn hô trói tôi lại!
Họ kết tội ba tội: Dám bỏ giá cung cấp là chống lại CNXH; bỏ thuế sát sinh là chống lại chính sách thuế Nhà nước; cho HTX vay vốn là tội ném tiền ra cửa sổ, phá hoại ngọn cờ lớn nhất của CNXH ở nông thôn (vì cho nông thôn vay vốn nghĩa là khuyến khích họ bỏ ruộng!). Tôi bị giáng chức xuống nhân viên! - Ông cười, nụ cười hiền lành trông thật tội - Vì bị kỷ luật như vậy nên chi bộ không kết nạp Đảng cho tôi nữa. Sau này, nhiều lần chi bộ định kết nạp nhưng tự xét thấy mình nhiều tuổi rồi, tôi xin rút lui, nhường cho lớp trẻ"
Mời quý bạn ghé ra VNN đọc chơi, có gì xin bình luận:
http://vietnamnet.vn/psks/2005/09/487165/
Đọc nhiều nhất
-
Đường Định mệnh (Sự nghiệp/May mắn)
Dẫn nhập: ngày trước cũng tò mò về cái chủ đề chỉ tay, rồi xem tay, rồi tự đọc và tìm hiểu loạn xị cả lên, thực ra kết quả chính là để loè g... -
Phim: Buddha – Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca
Bộ phim Buddha về cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ đản sanh đến niết bàn. Bộ phim lấy cảm hứng ( hoặc cũng có thể gọi là được chuyển t... -
Hiệu ứng domino và bí quyết tạo lập chuỗi các thói quen tích cực trong cuộc sống
Các hành vi của con người đều có mối liên hệ tương tác lẫn nhau Hãy lấy ví dụ về trường hợp của Jennifer Lee Dukes. Sau hơn 2 thập kỷ, từ k... -
36 câu hỏi để yêu nhau
20 năm trước, nhà tâm lý học người Mỹ Arthur Aron đã tự soạn ra một bộ 36 câu hỏi, với mục đích khiến cho hai người hoàn toàn xa lạ yêu nhau... -
Ghen tuông có phải là hèn nhát không?
Ghen tuông là rất phức tạp. Nó có nhiều thành phần trong đó. Sự hèn nhát cũng là một trong số đó; thái độ ích kỷ là một phần khác; ham muốn... -
10 kỹ năng & nguyên tắc giúp bạn trở thành chuyên gia
Kiến thức là vô cùng quan trọng và một điều tuyệt nhiên luôn đúng là nếu muốn thành công, bạn cần có một nền tảng kiến thức vững chắc. Tuy... -
Nếu không có thực lực, bạn chỉ là kẻ ăn bám
Dựa vào núi núi đổ, dựa vào người người chạy, chỉ có tự dựa vào chính mình mới là đáng tin cậy nhất. Ba mẹ có là ông nọ bà kia đi chăng nữa...
Tham khảo
Liên kết web
Phân loại
Báo chí
(55)
Văn hoá
(33)
Tâm lý
(29)
Tán nhảm
(27)
Công nghệ
(25)
Blog
(17)
Xã hội
(16)
Nghề nghiệp
(15)
Phim
(15)
Quora
(14)
Con người
(13)
Kinh doanh
(13)
Nhạc
(13)
Cuộc sống
(11)
Kỹ năng
(11)
Marketing
(11)
Công cụ
(10)
Lập trình
(10)
Lịch sử
(10)
Sách
(10)
Cặp đôi
(9)
Phát triển
(9)
Thiền
(8)
Tình yêu
(8)
Tản mạn
(7)
Sức khoẻ
(6)
Chính trị
(5)
Giáo dục
(5)
Hạnh phúc
(4)
Kim Dung
(4)
Kiếm hiệp
(4)
Mạng xã hội
(4)
Phát triển cá nhân
(4)
Phần mềm
(4)
Tiền tệ
(4)
Tài chính
(4)
Thực hành
(3)
Tâm linh
(3)
Quản lý công việc
(2)
Quản lý thời gian
(2)
Tiếp thị
(2)
Chăm sóc khách hàng
(1)
Làm việc
(1)
Lãnh đạo cá nhân
(1)
Nguỵ biện
(1)
Quản lý cá nhân
(1)
Thương hiệu
(1)
Tình dục
(1)