4:07 CH @ Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2021

Kỷ Luật và Cứng Nhắc khác nhau thế nào?

Trong buổi sáng nay, bạn cùng phòng mình đã hỏi rằng: “Sự khác biệt giữa kỷ luật và cứng nhắc là gì?”. Mình đã từng trải qua cả hai, nên mình cảm thấy mình có đủ khả năng để phân biệt giữa hai điều đó. Nói một cách ngắn ngọn, sự ép buộc/cứng nhắc là đi NGƯỢC lại dòng chảy, trong khi kỷ luật ĐÚNG sẽ trôi CÙNG với dòng chảy.

Về sự cứng nhắc: Mình đã cực đoan với bản thân trong phần lớn cuộc đời mình. Nhưng hôm nay mình sẽ lấy một ví dụ chính và có thể phổ biến với nhiều người. Học ở trường thật nhàm chán, nó chẳng đem lại gì cho mình ngoài việc có thêm bạn bè. Nhưng việc học trên trường chính nó thì chẳng phù hợp với mình. Mình tự cảm thấy mình thích tự học và tự hành hơn, nên nhiều lúc còn cảm thấy giáo viên như là chướng ngại hơn là một ánh sáng dẫn đường trong hành trình vun đắp trí tuệ. Mình ghét học trên trường, và học trên trường cũng không phù hợp với mình. Nên việc học như thế là một sự ép buộc.

Về kỷ luật: Mình mới thực sự kỷ luật được vài tháng. Kỷ luật ở đây không phải là theo một thói quen cứng nhắc, thức dậy lúc 5 giờ và ăn lúc 7 giờ,… Đó không phải là kỷ luật; nó là sự cứng nhắc. Và sự cứng nhắc sẽ tước đi cuộc sống của một con người. Kỷ luật thực sự nằm ở chỗ nhận thức được chính mình trong từng thời điểm cụ thể, không biết về tương lai hay quá khứ. Người cũng không biết về hiện tại; người đó sống ở hiện tại! Vì vậy, nói một cách đơn giản hơn: khi tôi đói, tôi ăn; khi tôi muốn đi nặng, tôi đi; khi tôi muốn tập thể dục, tôi nhảy ra khỏi ghế và vươn vai. Kỷ luật xảy ra khi một người làm những gì cần thiết trong từng thời điểm.

Ngoài ra, sẽ có những người chưa đủ chánh niệm trong từng khoảnh khắc của hiện tại, nên đôi lời về kỷ luật ở trên sẽ hơi khó phần nào áp dụng ngay và luôn. Gượm đã, sẽ có người bảo sống tỉnh thức không cần nỗ lực. Điều này mới chỉ đúng một nửa. Như Osho từng nói: “Với nỗ lực, trạng thái vô nỗ lực sẽ tới”. Nên nếu không kỷ luật được như trên, hãy chọn một hướng đi mà khiến bạn thực sự đam mê mà có thể duy trì lâu dài. Ví dụ, bạn thích con đường giác ngộ tâm linh, và sẽ có những “lời răn”, những “lưu ý” cần nhớ để đảm bảo bạn tăng trưởng nhanh nhất có thể. Trong số những điều đó sẽ có những điều bạn không thích làm ban đầu. Nhưng nếu quan sát trái tim bạn thật kĩ mà bạn biết rằng điều này sẽ giúp mình trong tương lai, thì dù không thích thì vẫn nên làm điều đó.

Tóm lại, bạn chỉ có thể thực sự kỷ luật khi bạn hiểu được trái tim mình. Nếu bạn chưa hiểu, mọi thời gian biểu và sự nỗ lực sẽ trở nên vô nghĩa. Thời gian biểu duy nhất không nằm ở trên đồng hồ. Nó nằm ở trong trái tim bạn.

Nguồn: Osho - Thiền và Yêu

Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi