3:41 SA @ Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

“Yêu là đau khổ”

Tình yêu không bao giờ khiến ai phải nếm chịu đau khổ cả. Và nếu bạn cảm thấy bị tổn thương bởi tình yêu, nghĩa là có điều gì khác bên trong bạn, không phải phẩm chất yêu thương, đang cảm thấy bị tổn thương. Chừng nào chưa nhận thấy điều này, bạn sẽ mãi ở trong vòng luẩn quẩn.

Thứ mà bạn gọi là tình yêu có thể ẩn dấu nhiều điều không phải tình yêu - tâm trí con người vốn rất khôn khéo, xảo quyệt khi lừa dối người khác và tự lừa dối chính mình. Tâm trí phủ lên những thứ xấu xí bằng lớp nhãn mác xinh đẹp, che đậy vết thương của bạn bằng những bông hoa. Đây là một trong những điều đầu tiên bạn cần phải đào sâu nếu muốn hiểu tình yêu là gì.

Từ “tình yêu” mà mọi người vẫn sử dụng không phải là tình yêu mà là lòng ham muốn. Và lòng ham muốn sẽ gây tổn thương, bởi vì việc khát khao ai đó như một vật thể chính là sự xúc phạm. Đó là sự xúc phạm, là sự thô bạo. Khi bạn hướng tới ai đó bằng lòng ham muốn, thì làm sao bạn có thể giả vờ đó là tình yêu? Thứ mà bề nổi trông như là tình yêu chỉ cần cào nhẹ, bạn sẽ thấy ẩn đằng sau chính là lòng ham muốn. Lòng ham muốn là thú tính. Việc nhìn ai đó đầy ham muốn là xúc phạm, là làm nhục, là giảm giá trị của người đó xuống thành đồ vật, thành một món hàng. Không ai thích bị sử dụng; đó là việc xấu xa nhất bạn có thể làm với người khác. Không ai là món hàng, không ai là phương tiện để bạn đạt được mục đích nào đó.

Đây là sự khác biệt giữa lòng ham muốn và tình yêu. Ham muốn là sử dụng người khác để thoả mãn dục vọng của bạn. Người khác bị lợi dụng, và khi đã lợi dụng xong, bạn sẽ ném anh ta/cô ta đi. Người đó không còn hữu ích đối với bạn nữa; bạn đã lợi dụng xong. Đây là hành động trái đạo đức nhất trên thế gian này - sử dụng người khác như một phương tiện.

Tình yêu chính là cực đối lập với lòng ham muốn: tôn trọng người khác vì lợi ích của chính người đó. Khi bạn yêu một người vì chính lợi ích của người đó, sẽ không có cảm giác tổn thương; tình yêu đó sẽ càng khiến bạn giàu có. Tình yêu khiến mọi người trở nên giàu có.

Thứ hai, tình yêu chỉ chân thật nếu không có cái tôi ẩn phía sau; bằng không, tình yêu sẽ chỉ là hành trình của cái tôi. Đó là cách tinh vi để kiểm soát. Và bạn phải thật tỉnh táo bởi vì khát khao nắm quyền kiểm soát này đã ăn sâu vào máu thịt của bạn. Nó không bao giờ xuất hiện trần trụi mà luôn ẩn sau những bộ cánh, những lớp trang trí thật đẹp: giúp đỡ, muốn mang đến hạnh phúc, ...

Hãy cẩn trọng với những cái tôi này. Khi đó, bạn sẽ bị tổn thương, bởi vì bằng cách này hay cách khác, người mà bạn tìm cách sở hữu sẽ nổi dậy, sẽ phá huỷ âm mưu của bạn, phá huỷ chiến lược của bạn bởi vì không ai yêu thứ gì hơn sự tự do. Bạn có thể hi sinh tình yêu cho tự do, nhưng không thể hi sinh tự do cho tình yêu. Và đó là những gì mà mọi người đã làm suốt bao nhiều năm nay: hi sinh tự do cho tình yêu. Khi đó sẽ có phản kháng, xung đột, và người ta tận dụng mọi cơ hội để làm tổn thương nhau.

Tình yêu dưới dạng thuần khiết nhất chính là sự chia sẻ niềm vui. Nó không đòi hỏi đền đáp, không kỳ vọng điều gì cả. Chính vì lẽ đó, làm sao bạn có thể cảm thấy tổn thương? Khi không có kỳ vọng, bạn sẽ không có cơ hội bị tổn thương. Khi đó bạn có thể yêu từ cách xa hàng ngàn dặm, không cần phải hiện diện bên nhau.

Tình yêu là một hiện tượng tinh thần; còn lòng ham muốn thì thuộc về thể xác. Cái tôi thuộc về tâm lý; còn tình yêu thì thuộc về tinh thần. Bạn sẽ phải bắt đầu từ đầu, từ chữ cái đầu tiên đến chữ cuối cùng của tình yêu; nếu không, bạn sẽ bị tổn thương hết lần này đến lần khác. Và hãy nhớ, không ai chịu trách nhiệm ngoài chính bạn, chỉ có bạn mới giúp được chính mình.

Và bạn cũng cần nhớ trò chơi bạn thích: sự phụ thuộc, sự chiếm hữu; đấy không phải là tình yêu mà là nỗi sợ. Nỗi sợ không bao giờ là tình yêu, và trong tình yêu không bao giờ có sự sợ hãi. Không có gì để mất vì tình yêu. Vì sao phải e sợ? Tình yêu chỉ cho đi. Yêu không phải là một giao dịch buôn bán, do đó không có vấn đề lỗ lãi. Tình yêu thích được cho đi, giống như những bông hoa luôn toả hương thơm. Hãy nhớ, nỗi sợ và tình yêu không bao giờ cùng tồn tại. Điều đó là không thể. Nỗi sợ là cực đối lập của tình yêu.

Người ta thường cho rằng ghét mới đối lập với yêu. Đó là suy nghĩ sai lầm, hoàn toàn sai lầm. Nỗi sợ mới đối lập với yêu. Khi ghét, người ta chỉ bộc lộ điều đó một lúc, nhưng thực chất vẫn yêu, tình yêu không còn nồng thắm nhưng nó vẫn ở đó. Sợ mới là cực đối lập của yêu: sợ có nghĩa là lúc này toàn bộ năng lượng tình yêu đã biến mất.

Yêu là hướng ra bên ngoài, can đảm tìm đến người khác, với niềm tin vô bờ rằng mình sẽ được đón nhận - và nó luôn được đón nhận. Còn nỗi sợ sẽ co rút và bên trong, khép kín, đóng hết các cánh cửa lớn, cửa sổ để mặt trời, mưa gió không thể nào chạm đến bạn - bạn quá sợ hãi. Bạn đang bước chân vào nấm mồ khi đang còn sống.

Nỗi sợ là nấm mồ, tình yêu là ngôi đền thiêng. Trong tình yêu, cuộc sống đạt đến đỉnh cao tối thượng của nó. Trong nỗi sợ, cuộc sống rơi xuống ngang tầm với cái chết. Nỗi sợ bốc mùi, còn tình yêu toả hương thơm. Vậy sao bạn lại sợ hãi?

Hãy sợ cái tôi của bạn, hãy sợ lòng ham muốn của bạn, hãy sợ lòng tham lam của bạn, hãy sợ tính chiếm hữu của bạn, hãy sợ sự ghen tuông của bạn, nhưng đừng bao giờ sợ tình yêu. Tình yêu là thần thánh, tình yêu giống như ánh sáng. Khi có ánh sáng, bóng tối không thể tồn tại. Khi có tình yêu, nỗi sợ không thể tồn tại.

Tình yêu có thể khiến cho cuộc đời bạn là một lễ ăn mừng vĩ đại - nhưng chỉ có tình yêu; không phải lòng ham muốn, không phải cái tôi, không phải tính chiếm hữu, không phải sự ghen tuông, không phải sự phụ thuộc.

OSHO - Being love


Về tác giả Osho

Osho tên thật là Chandra Mohan Jain, sinh ngày 11-12-1931, tại bang Madhya Pradesh, Ấn Độ. Ông tốt nghiệp khoa Triết, đại học Jain năm 1955 và lấy bằng M.A Triết tại đại học Sagar năm 1957. Năm 1962, ông thành lập những trung tâm thiền đầu tiên ở vùng quê nơi ông sinh sống và nổi tiếng như một người khơi dậy phong trào thiền học “đánh thức sự sống” (Jivan Jagruti Adolan). Thời gian này, người ta biết đến ông với tên gọi Acharya Rajneesh.

Khoảng thời gian những năm 1980 là thời kỳ cao điểm, có khoảng 200.000 hội viên và 600 trung tâm tu học theo tinh thần của Osho trên toàn thế giới. Năm 1989, ông chính thức lấy tên Osho. Ông mất ngày 19-1-1990 tại thành phố Pune, Ấn Độ.

Osho là bậc đạo sư gây tranh cãi bậc nhất, đồng thời cũng có ảnh hưởng nhất. Tờ Sunday Times của London mô tả Osho là một trong 1000 người kiến tạo của thế kỷ 20. Còn tờ Sunday Mid-day của Ấn Độ bình chọn Osho là một trong 10 người, cùng với Gandhi, Nehru và Đức Phật, thay đổi vận mệnh của Ấn Độ. Sách của ông đã được dịch ra hơn 60 ngôn ngữ trên thế giới.

Osho được biết đến với những đóng góp mang tính cách mạng trong lĩnh vực chuyển hoá nội tâm thông qua thiền định. Phương pháp thiền động (active meditation) của Osho giúp giải toả căng thẳng cho thân và tâm, giúp mọi người dễ dàng trải nghiệm sự an nhiên, tĩnh tại.


Đọc thêm "3 cấp độ yêu trong Being love" của Maria Vo



Diễn đọc của Bánh Cam về trích đoạn "Chương 5: Yêu là đau khổ và những hiểu lầm khác" từ cuốn sách Being love của Osho
Chia sẻ lên mạng xã hội:

Bình luận

Kết nối và gửi lời chào hỏi