Hiển thị các bài đăng có nhãn Tâm lý. Hiển thị tất cả bài đăng
Bạn không thấy hạnh phúc bởi vì bạn chưa trưởng thành
Ý nghĩ của chúng ta cho rằng hạnh phúc là việc của nội tại và bất hạnh đến từ ngoại cảnh có lẽ là một trong số tất cả các thiên kiến nhận thức dai dẳng, cố chấp nhất.
Nhìn chung, ta công nhận là bản thân phải tự tạo nên hoặc đóng góp để có được hạnh phúc cho riêng mình (phải tự book chuyến đi, rời bỏ công việc, tìm người bạn đời) nhưng lại thường không nhận ra được rằng những nguyên nhân sâu xa và có sức ảnh hưởng nhất của bất hạnh, khốn khổ (về mặt tinh thần) lại không phải là những sự kiện bên ngoài xảy ra tình cờ, ngẫu nhiên.
Sự bất hạnh sinh ra từ sự kết hợp của các hành vi, đặc điểm (thường là tính cách), kiểu suy nghĩ, và sự thích ứng. Ta tưởng tượng rằng việc không hạnh phúc đơn thuần chỉ là kết quả của sự việc, sự kiện ngoại cảnh thôi, đó chính là lý do mà ta sợ mất kiểm soát. Thế nhưng ta biết điều đó không đúng khi xét trong thực tiễn: một số người vẫn hạnh phúc dù họ không có nhiều lý do để trở nên như vậy, và một số khác lại cực kỳ không vui, họ thống khổ tuy là mọi thứ xung quanh đang hỗ trợ cho họ.
Vấn đề không nằm ở những thứ xung quanh ta mà là thứ ở ngay trong bản thân ta - và gần như tất cả những người thấy không hạnh phúc đều mang chung một nét tính cách.
. . .
Khi còn trẻ, nếu may mắn, ta có một người bố người mẹ hay là người chăm sóc nào đó lo lắng và thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu nhất của ta. Có ai đó giúp buộc giày, đánh răng, hoàn thành bài tập về nhà và chuẩn bị bữa ăn. Đây về cơ bản là thứ mà trẻ em cần có để tồn tại và phát triển.
Theo thời gian, một người phụ huynh thực hiện đúng vai trò về cơ bản sẽ cố vấn, động viên con trẻ để nó có thể tự mình hoàn thành việc cần làm. Trong quá trình khôn lớn, đứa trẻ học được cách để tự sửa soạn chải chuốt, tự tìm kiếm thức ăn khi đói và chăm sóc không gian riêng của mình. Con trẻ cũng sẽ học cách để quản lý các mối quan hệ mình có, thực hiện bài tập hay không, đi đến buổi tập luyện hay không, và trở thành một người tử tế hay không.
Sau đó thì, dĩ nhiên là chúng sẽ đối mặt với hệ quả từ những lựa chọn của mình rồi.
Thế nhưng, nếu như đứa trẻ chưa bao giờ có được cơ hội để nhìn nhận bản thân như là một người có sự hoàn toàn tự chủ - không chỉ chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của mình mà còn có khả năng tự tạo ra sự hài lòng hay bất mãn - nó sẽ trở thành một người lớn bế tắc. Đây là kết quả điển hình của mối gắn bó không lành mạnh với những phụ huynh lấy con cái ra để phục vụ cho nhu cầu thừa nhận bản thân của họ.
Khi còn là con nít, ta la khóc để được bố mẹ giải quyết vấn đề của mình. Là người lớn rồi, ta chỉ có thể dựa vào chính mình thôi.
. . .
Tất cả những người không hạnh phúc đều có chung một nét tính cách: non nớt, chưa trưởng thành. Nó nằm ở phần gốc của mọi thói quen và hành vi mà sau cùng sẽ dẫn họ đến sự bất mãn với cuộc sống.
Khi ta không nhận trách nhiệm với lời nói hay hành động của mình, ta nói năng và xử sự bừa bãi, kết thúc bằng việc chia rẽ, cắt đứt các mối quan hệ và tổn thương người khác. Đấy là sự thiếu trưởng thành.
Khi có người làm việc gì đó sai trái, ta từ chối, loại bỏ họ và trở nên gay gắt chua cay. Những lời lẽ hung hãn và chấp nhặt không chỉ khiến ta mãi bế tắc mà còn làm chính bản thân mình trông có vẻ bị tổn thương nhiều hơn so với thực tế. Đấy là sự thiếu trưởng thành.
Khi ta không mấy vui vẻ với quỹ đạo cuộc sống của mình và chọn cách ai oán than phiền như trẻ con bất lực thay vì tìm kiếm chiến lược thay đổi như người lớn, ta sẽ cứ bất hạnh thôi. Đấy là sự thiếu trưởng thành.
Khi lớn khôn đúng cách, ta bắt đầu đứng ra chịu trách nhiệm cho ngoại hình, tổ ấm, công việc, và - sau cùng là - hệ quả trở thành của chính ta.
Khi ta trưởng thành, chúng ta có khả năng đặt lợi ích dài lâu lên thành ưu tiên trước những mong muốn, khát khao ngắn hạn.Dần dà, ta nhận thấy rằng nguồn gốc của vài niềm vui sướng lớn nhất của mình cũng bắt đầu từ đó. Ta tìm được sự an yên thực thụ nhờ đi về nhà, về nơi mà ta thật sự yêu thương; ta xuất hiện trong với diện mạo tươi tắn rạng rỡ và sẵn lòng giao thiệp hơn khi sửa soạn, chuẩn bị theo cách mà mình muốn; ta gặt hái lợi ích qua việc lao động chăm chỉ như tập thể dục, và gắn bó với một con đường sự nghiệp cụ thể.
Khi trưởng thành, chúng ta có khả năng đặt lợi ích dài lâu lên thành ưu tiên trước những mong muốn, khát khao ngắn hạn.
Những cá nhân không trưởng thành thì lại không làm được như vậy.
. . .
Nói cho rõ ràng thì, chuyện trầm cảm lâm sàng không tính là “chưa trưởng thành”. Chẩn đoán đó khác với sự bất hạnh nói chung. Đấy là hai thứ khác nhau, mang trải nghiệm không giống nhau với những nguyên nhân và sự điều trị cũng khác nhau.
Cội rễ của bất hạnh chính là việc không sẵn lòng nhận lấy trách nhiệm cho cuộc sống của mình.Thế nhưng, với việc một người nhìn chung sẽ tự đứng ra chịu trách nhiệm để sửa chữa cuộc đời của mình và hồi phục bản thân, thì hai thứ trên (trầm cảm và sự chưa trưởng thành) lại thường bổ sung cho nhau. Sự non nớt có thể là một nét tính cách, nhưng nó vẫn dễ uốn nắn.
Đó là thứ ta có thể khắc phục và cải thiện được.
Một nửa thế giới này thong dong như thể họ vẫn còn là trẻ con, như thể có ai đó đang chịu trách nhiệm cho việc giải quyết các vấn đề của họ, như thể nếu như họ khóc toáng lên đủ to thì cuối cùng sẽ có một người lớn nào đó đáp lời vậy. Một nửa thì nhận ra mình đã là người lớn rồi - và với thời gian, không gian và sự trưởng thành, họ sẽ có năng lượng và tài nguyên để khắc phục, xử lý những rắc rối họ gặp phải. Hay ít nhất là, họ sẽ có thể lên kế hoạch tìm giải pháp và bắt tay vào việc thực hiện thay đổi.
Cội rễ của bất hạnh chính là việc không sẵn lòng nhận lấy trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Là cứ mãi ở trong trạng thái như trẻ con và thắc mắc tại sao thế giới này lại không dành cho mình lời hồi đáp.
-----
Tác giả: Brianna Wiest @ Medium
Dịch giả: Minh Thanh @ Quora Vietnam
Photo: sprout_creative/Getty Images
Những thứ “thầm lặng” giết chết mối quan hệ mà bạn không lường trước được
Vào năm 1992, tôi và những người bạn phát cuồng với album "A pocket full of Kryptonite" của ban nhạc The Spin Doctor. Tôi đã gần như quên hẳn về nó cho đến vài hôm trước. Một bài hát của ban nhạc được bật trên radio, và tôi chợt nhớ lại lý do tại sao mình yêu thích nó.
5 lý do tại sao ai đó không trả lời tin nhắn của bạn
Hành động đó phản ánh nhân cách của họ hơn là nhân cách của bạn
Đầu năm nay tôi thường nhắn tin với một cô gái tuyệt vời và ngày nào cũng nói chuyện đến quá nửa đêm. Nhưng rồi đột nhiên cô ấy không nhắn tin lại cho tôi nữa. Cô ấy bỏ tôi lại một mình tự hỏi không biết mình đã làm gì sai.
Những câu hỏi cứ dằn vặt tâm trí khi tôi cố tìm hiểu điều gì đã khiến cô ấy lặn không sủi tăm như vậy. Nhưng trong lúc vừa đi dạo dọc bãi biển vừa nghe một cuốn sách audio, một câu quote của Marcus Aurelis bất chợt vang lên, khiến tôi hoàn toàn thay đổi cách suy nghĩ:
“Năng lượng của bạn tồn tại trong tâm trí, không phải từ những sự kiện bên ngoài. Hãy nhớ điều này và bạn sẽ tìm thấy sức mạnh.”
Tôi đã nhận ra rằng, khi một chuyện gì đó trong đời không diễn tiến theo kế hoạch, cứ lo lắng về những tình huống ngoài tầm kiểm soát là một hành động vô nghĩa. Do đó, giải pháp tốt hơn chính là thu nhận tri thức tâm lý học để ngăn chặn điều đó tiếp tục xảy ra trong tương lai.
Dưới đây là tổng hợp các lý do tại sao ai đó miễn cưỡng trả lời tin nhắn của bạn. Sự thật mặc dù sẽ khiến bạn khó chịu nhất thời, nhưng thà như thế còn hơn cứ phải suy nghĩ mãi về một chuyện mà không đưa ra được kết luận.
Mỗi một điều tôi thấu hiểu được dưới đây đã giúp tôi nhận định được lý do đằng sau hành vi của ai đó, để rồi sau cùng tôi có thể tiếp tục tiến về phía trước. Tôi hy vọng bạn cũng có thể giống như tôi.
1. Họ nghĩ rằng bạn nhàm chán
Hầu hết mọi người đều cho rằng chuyện trò với chính bản thân họ cũng khá là thú vị đấy chứ. Vì thế khi có người nghĩ điều ngược lại, nó giống như một gáo nước lạnh dội thẳng vào cái tôi của họ vậy.
Trên thực tế, niềm vui hoàn toàn thuộc về chủ quan. Ví dụ, tôi cho rằng một cuộc đối thoại về ý nghĩa của sự sống khá là vui, nhưng những người khác lại nghĩ rằng đấy thật sự là một thử thách căng não lúc 10 giờ sáng thứ Hai đầu tuần.
Đừng nghĩ quá nhiều, hãy nhớ rằng bạn sẽ chẳng thể nào làm hài lòng tất cả mọi người trên thế gian này, vì thế chủ yếu hãy cứ tập trung vào việc làm thỏa mãn bản thân mình thôi. Theo như lời Kriss Carr: “Khi bạn quá tập trung vào việc đáp ứng tiêu chuẩn của người khác, bạn sẽ không có đủ thời gian để nâng cao tiêu chuẩn của bản thân.”
2. Hết pin
Mỗi khi tôi khởi hành tới vùng núi Canada hay những nơi hoang dã khác, điện thoại tôi thường bị mất tín hiệu khiến tôi không thể liên lạc với thế giới bên ngoài.
Thành thật mà nói, tôi vô cùng yêu thích cảm giác được tách biệt hoàn toàn khỏi xã hội hiện đại trong lúc thưởng lãm những kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Nhưng ngay cả khi không đắm mình vào thiên nhiên, có nhiều lần điện thoại của tôi cũng bị hết pin, hoặc lỗi dịch vụ, khiến tôi khó lòng trả lời các tin nhắn.
Điều quan trọng cần nhớ: một vài người không phải lúc nào cũng mang theo sạc pin khi ra ngoài. Vì thế tôi tìm thấy một quy tắc như sau: nếu họ không nhắn tin lại trong vòng 24 giờ, có lẽ họ đang ngó lơ bạn đấy.
3. Họ đang bận như điên
Tôi hoàn toàn đồng cảm với thực trạng thời nay con người đang sống một cuộc sống cực kỳ bận rộn. Rốt cuộc, nếu chúng ta dành cả ngày chỉ để trả lời tin nhắn của người khác, chúng ta sẽ chẳng thể sử dụng thời gian của riêng mình để đạt được bất kỳ điều gì. Như thế rõ ràng không ổn.
Vì thế, điều quan trọng cần nhớ chính là: họ đang bị nhiều thứ khác choán hết tâm trí và không thể lập tức trả lời tin nhắn của bạn. Nhưng nếu đã online mấy tiếng rồi mà họ vẫn không trả lời bạn, có lẽ họ không nghĩ bạn quan trọng hay cần thiết tới mức phải cho vào lịch trình công việc của họ đâu.
4. Họ đang gây hấn thụ động
Trong thế giới lý tưởng, mọi người sẽ mở lòng với những vấn đề riêng và cùng nhau tạo ra những cuộc chuyện trò lịch sự để giải quyết bất cứ tranh chấp nào. Nhưng xui thay, tình huống đó hiếm khi xảy ra.
Tôi chú ý thấy có một vài người ưa hành xử theo cung cách gây hấn thụ động, thay vì lựa chọn trực tiếp đối mặt vấn đề.
Chẳng hạn như, họ không phản hồi lại tin nhắn của bạn suốt 2 tuần bởi họ không hài lòng với một câu nói của bạn. Nếu chuyện này từng xảy ra với bạn, chỉ cần ghi nhớ rằng hành vi kiểu đó thường thể hiện thiếu sót trong khả năng đồng cảm và trí thông minh cảm xúc khi tiếp xúc với người khác.
5. Họ chỉ lười thôi
Có vài người mất nhiều giờ để phản hồi một tin nhắn sau khi đọc xong. Mặc dù họ làm vậy nghe tức thiệt chứ, nhưng đấy đơn thuần chỉ là cách họ hành xử.
Chúng ta thường quên rằng chúng ta không thuộc top đầu trong danh sách những việc cần ưu tiên của người khác. Bởi có một sự thật phũ phàng thế này, nhiều người thích cày cả đống tập phim xong xuôi rồi mới phản hồi các tin nhắn trên mạng xã hội.
Vài người chỉ đơn giản là lười, không có động lực nhắn tin. Vì thế, nếu họ cứ không ngừng biểu lộ sự thiếu quan tâm đối với bạn một cách rõ ràng như thế, có lẽ đáp lại họ theo cách thức giống vậy cũng là một ý hay.
Thay vì dành thời gian lo lắng không biết lúc trò chuyện mình đã nói gì sai, tôi dần nhận ra rằng biến mất chính là hình ảnh phản ánh nhân cách của người đó chứ không phải của tôi.
“Chúng ta không thể kiểm soát miệng lưỡi xấu xa của người khác, nhưng một cuộc đời tốt đẹp cho phép chúng ta không cần quan tâm đến những lời lẽ xấu xa ấy.”
Nhớ kỹ là: Mặc dù chúng ta không thể kiểm soát hành động và lời nói của người khác, nhưng chúng ta chắc chắn có sức mạnh để lựa chọn nên đáp lại thế nào.
------------------
Tác giả: Matt Lillywhite - Medium
Dịch giả: Ngọc Hà - Quora Vietnam
Lời thêm: đọc thấy bài này thì nhớ đến đoạn trưa nay bị trách tại sao không trả lời tin nhắn của 3 ngày trước 😂
Kỹ thuật massage dành cho cặp đôi (Yoni & Linga Massage)
Nếu đã ở hoặc du lịch tại Ấn Độ, hoặc các nước quanh Tây Tạng/các nước thuộc Đế chế Angkor ngày xưa (Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanma) thì có lẽ bạn sẽ không lạ lẫm với các biểu tượng thờ cúng là Linga (Lingam) hoặc Yoni.
Tâm lý đằng sau những người phụ nữ luôn muốn khoe cơ thể trên Instagram là gì?
- Đàn ông thích tình dục.
- Phụ nữ thì thích sự chú ý.
Phương tiện truyền thông xã hội đang tràn ngập hàng triệu người đàn ông beta (ND: beta male => đàn ông không thành công hay quyền lực như những người đàn ông khác, trái ngược với alpha male – theo Từ điển Cambridge), những người sẵn sàng dành cho phụ nữ tất cả sự chú ý trên thế giới này.
Đổi lại, người đàn ông này mong đợi tình dục cho sự chú ý đó.
Điều mà những người đàn ông beta này lại không nhận ra là phụ nữ chỉ đơn giản là đang dắt mũi họ và ra sức cố gắng thu hút càng nhiều sự chú ý từ họ càng tốt. Phía đàn ông, vẫn như thế, vẫn tiếp túc đáp ứng những chiếc bánh chú ý cho thú cưng của mình.
Đây là lý do chính yếu khiến phụ nữ phô trương bản thân trên các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Instagram. Tâm lý nằm sâu bên trong là phụ nữ muốn được người khác thèm muốn. Họ muốn đàn ông theo đuổi họ và theo đuổi họ không ngừng - đơn giản vì điều đó khiến cuộc sống họ trở nên thú vị hơn và cảm giác thích thú của việc được theo đuổi khiến họ cảm thấy mình trở nên đặc biệt và đáng ngưỡng mộ.
Nhưng thật không may, bản ngã của phụ nữ rất mỏng manh dễ vỡ. Những gì ẩn giấu bên dưới vẻ bề ngoài kia thường lại là những người phụ nữ cảm thấy rất bất an, tuyệt vọng, thiếu thốn với lòng tự trọng thấp. Họ cần đến sự công nhận của những đàn ông khác bởi vì họ không thể chịu được khi nhìn thấy con người thực sự của mình.
Người đàn ông thông minh sẽ nhận ra rằng vẻ đẹp thực sự là cả bên trong lẫn bên ngoài. Phụ nữ phô trương cơ thể của họ chỉ là một vẻ đẹp bên ngoài. Điều đó chỉ giúp phụ nữ chạm vào bề mặt của vấn đề. Phụ nữ dường như không nhận ra rằng họ đã hạ thấp giá trị cốt lõi của mình với một người đàn ông thông minh bằng cách tỏ ra tuyệt vọng đến mức họ cảm thấy cần phải phô trương bản thân theo cách như vậy.
Hy vọng điều này giúp ích.
--------------------------------
Phải làm gì để tránh tính cứng nhắc?
TL;DR;
GS. William James là một trường hợp của việc làm mới bản thân liên tục, lúc đầu ông giảng dạy môn Giải phẫu ở Harvard, sau đó khi nghiên cứu Tâm lý học, cuối đời còn là triết gia. Ông là người đặt nền tảng cho các nghiên cứu về sự hình thành tính cách. Dựa vào các bằng chứng ông kết luận rằng tới tuổi 30, tính cách sẽ được định hình một cách chắc chắn và sau này thì khó có thể thay đổi.
Trong cuộc sống đầy thay đổi, thiếu chắc chắn, tính cách là những khuôn mẫu tâm lý của một người đã được chứng thực qua kinh nghiệm sống, đã giúp người đó sống healthy & balance trong nhiều năm nên được giữ lại và làm vững chắc. Quá trình đó là sự trưởng thành.
Tính cứng nhắc bắt nguồn từ nỗi sợ những điều không chắc chắn, là việc cố gắng thực thi các hệ thống niềm tin hạn hẹp của bản thân lên thế giới. Cứng nhắc đóng cửa tâm trí.
Để ngăn chặn tính cứng nhắc, bạn cần tiếp cận mọi thứ như việc vui chơi, sẵn sàng đối mặt với sự thiếu chắc chắn của thế giới.
----------------------------------
[...] GS. William James là nhà tâm lý học đầu tiên cho rằng những đặc điểm cốt lõi của chúng ta không thay đổi nhiều theo thời gian. Trong cuốn Những nguyên tắc của Tâm lý học (The Principles of Psychology), ông viết, hầu hết khi chạm tuổi ba mươi, tính cách sẽ định hình như tấm thạch cao và hiếm khi mềm ra nữa. Từ nhiều bằng chứng cho thấy nhận định này phần lớn là đúng. Gen di truyền đóng một vai trò rất lớn, môi trường sống cũng vậy, và sau vài thập niên đầu đời, con người ta ngừng thay đổi cốt lõi bên trong của mình theo một cách rõ nét. Có khả năng thay đổi hay không là một chuyện, nhưng có vẻ đúng là hầu hết mọi người đều vui vẻ gắn bó với những gì khiến họ thoải mái.
Có hai thứ trong cuộc sống chúng ta có thể chắc chắn tồn tại: một là, sự thay đổi, và hai là, sự không chắc chắn. Khi mới sinh, chúng ta chẳng biết gì nhiều. Trên thực tế, nếu không có cha mẹ và người chăm sóc, em bé chẳng thể nào sống sót được. Qua thời gian, chúng ta học hỏi và phát triển một mô hình tâm trí trong đầu (ND: mental model) về thế giới. Những câu chuyện văn hóa và động lực thực tế (đồ ăn, tiền bạc,...) hun đúc tâm trí và hành vi của chúng ta cho đến khi ta hình thành cái tôi. Chúng ta dần học được cách tránh xa hiểm nguy, tìm kiếm phần thưởng và cả nhìn nhận bản thân mình qua lăng kính người khác.
Lớn lên, ta nhận ra hiểu biết của bản thân mình là hạn hẹp. Cơ thể của chúng ta cũng đổi thay nhanh đến mức chính sự thay đổi là điều hiển nhiên vậy. Và chúng ta OK với điều đó bởi vẫn có những người bảo vệ mình, khỏi phải đối mặt với những bất cập mà sự không chắc chắn và thay đổi mang lại.
Nhưng đến một lúc nào đó, khi phải rời khỏi vùng an toàn của cha mẹ và tổ ấm, là lúc chúng ta bị ném ra thế giới ngoài kia, đột nhiên, chúng ta thực sự phải đối mặt với sự thiếu chắc chắn và dẫn đến phải thay đổi bản thân mình. Đây chính là thời khắc đánh dấu sự trưởng thành.
Con người ta sinh ra vốn đã khao khát sự ổn định và an toàn. Và khi chúng ta phải đối mặt với việc phải-làm-có-lý một thế giới đầy vô lý. Khi cha mẹ không còn có thể bảo vệ, gốc gác cho sự ổn định cần phải phát triển từ bên trong - là thế giới nội tâm và những hành vi dần trở thành tâm điểm cho sự an toàn. Sau vài chục năm kinh nghiệm, ta học được cách vượt qua những thử thách và đau khổ của cuộc sống. Và vì vậy, ta quyết định rằng giờ là lúc để bén rễ và tái sử dụng những thói quen cho bất cứ điều gì tương lai mang tới.
Khi còn nhỏ và lớn lên nhanh chóng, chúng ta dành phần lớn thời gian trong mode Khám phá. Chúng ta tìm kiếm những cuộc phiêu lưu mới, dành nhiều thời gian cho các hoạt động giải trí, dạo chơi xung quanh để xem mình thích và không thích thứ gì. Tuy nhiên, khi vượt qua ngưỡng trưởng thành, một khi chúng ta đã biết được sở thích của mình, một khi đã tự mình đồng thuận, chúng ta bắt đầu chuyển sang mode Khai thác. Giai đoạn này ổn định trong vài thập niên tiếp theo của cuộc sống. Thay vì khám phá những thói quen mới, những sở thích hay sở ghét mới, chúng ta ổn định và đặt cược vào những gì mình đã có. [...] Đây là định nghĩa cơ bản cho việc trở thành người lớn. Nếu bạn đã bỏ công sức để biết được mình là ai và muốn cái gì, sẽ hoàn toàn hợp lý khi chỉ tập trung vào những điều đó.
Tuy nhiên trong quá trình trưởng thành, còn một thứ khác ngầm thâm nhập và gây hoạ lâu dài. Đó là tính cứng nhắc. Cứng nhắc trông như, cảm giác như và hành xử như thể sự trưởng thành, thế nên nó rất nguy hiểm. Nhưng bản chất của nó lại hoàn toàn khác, nó kìm hãm phát triển hơn là hỗ trợ.
Trưởng thành nói rằng: Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm cho chính mình. Nó là phần tính cách biết điều khiển cảm xúc và có thể thoả hiệp với thế giới khi theo đuổi những ham muốn của bản thân.
Cứng nhắc nói rằng: Tao biết thứ gì là tốt nhất. Nó là phần tính cách cho rằng mình đã hiểu thấu được thế giới, và sau đó cố gắng kiểm soát thế giới dựa theo góc nhìn hạn hẹp, thay vì thỏa hiệp với thế giới.
Nói ngắn gọn, trưởng thành là việc phát triển các mô hình thói quen hỗ trợ sự phát triển trong một thế giới đầy phức tạp, theo định hướng bạn đã chọn. Còn cứng nhắc là việc cố gắng thực thi các hệ thống niềm tin của bạn lên người khác bởi vì bạn cho rằng mình hiểu biết nhất.
Thế nên bạn có thể trưởng thành mà vẫn giữ cho mình một tâm hồn cởi mở. Còn cứng nhắc, theo mặc định, là rắn chắc và khép kín. Trưởng thành bao trùm cả sở thích cá nhân, trong khi cứng nhắc lại hoá trang những phán xét thành sự thật.
Khi còn nhỏ, phần lớn những gì chúng ta học được thông qua việc chơi. Theo tiến hóa mà nói, chúng ta chơi vì việc chơi dạy dỗ ta về môi trường vật chất xung quanh, về các chuẩn mực xã hội và cải thiện năng lực nhận thức với chi phí gần như bằng không. Mặc dù mục đích việc chơi không phải là để học, học tập chỉ là kết quả tự nhiên của chơi. Chơi là trạng thái trong đó tâm trí cởi mở với các kích thích của thế giới - một dòng chảy tương tác không-phán-xét. Không có cách chơi đúng hay sai mà đơn giản chỉ là cuộc “đu đưa” liên tục với thực tại.
Còn tính Cứng nhắc lại đối nghịch hoàn hảo. Nó là trạng thái phán xét thuần túy, bị giới hạn bởi các ranh giới có trước từ những giả định đúng/sai của người mặc đồ hoá trang. Chẳng có bất kỳ lấn cấn nào về thực tế rằng, nó đang thiếu hụt thông tin trong một thế giới đầy rẫy nỗi khó hiểu. Cơ sở của Cứng nhắc là nỗi sợ những điều không chắc chắn. Sâu xa hơn, nó biết rằng mình chẳng biết gì cả và lo sợ điều đó. Vậy là thay vì tiếp tục chơi cho đến tuổi trưởng thành, nó trông cậy hết vào những gì mang lại sự thoải mái.
Rốt cuộc thì, tính Cứng nhắc chẳng phải là cách sống nếu bạn muốn theo đuổi sự trưởng thành, thách thức và sự thật. Trưởng thành có thể định hình một số thói quen, nhưng nhìn chung là đủ linh hoạt để đáp ứng với mọi thứ tốt/xấu theo hàng loạt cách đa dạng mà vẫn giữ cho bản thân cởi mở học hỏi những điều mới. Khi Gs. William James viết về định hình tính cách, ông cũng biết điều này. Ông viết các tác phẩm đỉnh cao nhất trong những năm cuối đời. Ông chưa từng rơi vào bẫy đóng cửa tâm trí.
Một trong những câu nói tôi yêu thích của ông đến từ cuốn Sự đa dạng của trải nghiệm tôn giáo (The Varieties of Religious Experience), ông viết:
Vui tính là một trạng thái tâm lý đầy tính triết học; như kiểu ta nói với Mẹ Thiên nhiên rằng chúng ta coi bả không nghiêm túc gì hơn bả coi chúng ta đâu à nha. Tôi cho rằng triết học luôn luôn phải đi đôi với tiếng cười.
[...]Bi kịch phổ biến khi trưởng thành không phải là chúng ta quên mất cách chơi - một việc tự nhiên nhất của con người. Mà là, ta lại tự thuyết phục bản thân rằng chơi là việc không nên làm khi lớn lên. Chúng ta ngừng xem lao động như là vui chơi. Chúng ta ngừng coi tương tác với bạn bè và những người thân yêu là vui chơi. Chúng ta ngừng bỏ cho thời gian cho việc vui chơi.
Hậu quả của tất cả điều này là tâm trí của chúng ta trở nên cứng nhắc. Nó quên đi cách cởi mở để tiếp nhận những thông tin mới, kích thích mới. Nhưng đẹp đẽ thay, tâm trí có thể học lại cách vui chơi bất cứ lúc nào, miễn là nó phải sẵn sàng đối mặt với sự thiếu chắc chắn. Hành trình tới đích mới là phần thưởng đáng chờ đợi.
----------------------------------
Tác giả: Zat Rana @ Medium
Ảnh: Christian Gertenbach - Unsplash
Bản dịch: Nguyễn Hữu Hoàng Hải - Quora Vietnam
Tôi bỏ việc để đi học về trầm cảm. Dưới đây là những gì tôi học được.
Mày 25 tuổi và đang điều hành một công ty nhỏ. Có nhiều người gấp đôi tuổi mày còn chưa làm được như vậy mày biết không?
Con bạn tôi làm ở BBC rất bỡ ngỡ trước quyết định này. Tôi kể với nó về sự trầm cảm tôi phải đối mặt kể từ khi thành lập doanh nghiệp riêng hai năm về trước. Nhưng nó không tin. Trong suy nghĩ của cô gái trẻ, tôi đang sống một cuộc sống đáng mơ ước, trong khi cô thì mắc kẹt với công việc của mình. Nhưng tôi thì chỉ muốn nói cho nó biết là tôi đang chìm, rất nhanh. Nhưng nó không tin – cái vẻ mặt hoang mang dần dần chuyển thành những lời trách móc mà ai ai cũng đã nghe đi nghe lại đến phát chán: Mày sẽ vượt qua được thôi mà. Chỉ cần suy nghĩ tích cực thôi. Sống lạc quan lên. Học cách biết ơn đi!
Nhưng không, tôi không vượt qua được. Trầm cảm và tôi đã sống chung với nhau từ rất lâu rồi. Tôi đã từng chối bỏ nó, làm ngơ nó, và nhồi nhét nó trong suốt nhiều năm. Tôi đã từng cố chiến đấu nhưng thất bại. Và khi có vẻ như không còn lối thoát, tôi đi bộ hơn 800km vòng quanh Tây Ban Nha, hai lần, để quyết tâm hạ gục con quái vật này. Nhưng vẫn không khá hơn tí nào.
Một điều tôi học được là ngay cả ở những lúc yếu đuối nhất của bản thân, chúng ta vẫn kiên cường và cứng cáp hơn chúng ta nghĩ nhiều.
Lần này, tôi quyết định bỏ việc, bỏ cả công ty lại đằng sau, dành những năm tháng tiếp theo để trò chuyện với những nghệ sĩ, doanh nhân, bác sĩ lâm sàng, thiếu niên, gamer – tất cả những người tôi có thể tìm được mà đã từng tiếp xúc với trầm cảm và dám mở lòng để nói về điều đó. Tôi muốn biết những lý do làm con người sụp đổ, và làm thế nào để chúng ta có thể chữa lành những vết thương.
Tôi đã rất ngạc nhiên với phản ứng của mọi người về nghiên cứu đầy ngẫu hứng này của tôi. Gần như mọi người đều mở lòng với tôi, một người hoàn toàn xa lạ, họ chia sẻ những câu chuyện về sự mất mát cùng những đau khổ của mình, nhưng họ cũng nói về sự quyết tâm của bản thân, niềm vui của việc chiến đấu và sống sót. Một điều tôi học được là ngay cả ở những lúc yếu đuối nhất của bản thân, chúng ta vẫn kiên cường và cứng cáp hơn chúng ta nghĩ nhiều.
Những cuộc trò chuyện này cũng làm tôi nghĩ lại mối quan hệ giữa bản thân với sự trầm cảm. Đa số những người phức tạp, thú vị, thông minh, sáng tạo, có nét nhất mà tôi đã từng gặp đều đã từng (hoặc vẫn đang bị) trầm cảm. Đối với họ, cực đoan của sự đau khổ đã cho phép họ khám phá những nơi sâu thẳm nhất của bản thân, làm cho họ sống một cách bất khuất hơn.
Vài tháng sau khi bắt đầu nghiên cứu của mình, tôi đến dự một buổi đọc sách của tác giả người Anh Matt Haig, tại buổi đọc đó, ông giới thiệu cuốn sách Reasons to Stay Alive. Haig là một người ăn nói nhẹ nhàng, có đôi nét hơi xấu hổ - hoặc đây là cách nói khác của việc Haig rất cẩn trọng với câu chữ của mình, không muốn tiết lộ quá nhiều về nội tâm ông. Thay vì trực tiếp trả lời những câu hỏi về trầm cảm, ông đưa ra cho chúng tôi một góc nhìn mới. Ông kể rằng, đa số những lá thư từ người hâm mộ mà ông nhận được đều là từ những đứa trẻ 13 tuổi.
Nhưng tại sao? Những đứa trẻ 13 tuổi đáng lẽ phải đọc truyện tranh hay mấy cuốn tiểu thuyết giả tưởng về ma cà rồng chứ? Reasons to Stay Alive? Ở tuổi 13 á? Khi mọi người bắt đầu lầm bầm cầm sách lên cho tác giả ký, tôi ngồi đó, đực mặt ra, trong lòng bỗng cảm thấy rạo rực.
Tôi đã có thể gạt bỏ đi cảm giác khó chịu đó. Thanh thiếu niên không bị trầm cảm. Chúng là những đứa trẻ bốc đồng, thiếu chín chắn, hay tỏ vẻ ủ rũ, quá nhạy cảm với mọi chuyện và cực kỳ khó hiểu. Chúng nói về đạn dược các thứ, nhưng chỉ vậy thôi. Chúng nói về những mối tình trái ngang và sự nổi loạn tuổi teen, nghe thì có vẻ hơi tệ nhưng đấy mới thật sự là tuổi teen. Hormone rồi sẽ từ từ lắng xuống, sự điên cuồng rồi sẽ dần dần chuyển sang sự trưởng thành.
Trong nghiên cứu của mình, tôi đã phỏng vấn nhiều chuyên gia tâm lý học, và họ cũng nói rằng thanh thiếu niên không thuộc lớp đối tượng có nguy cơ mắc trầm cảm cao. Ai cũng biết rằng độ tuổi 20 – 30 mới chính là khoảng thời gian mà trầm cảm lấp ló sau cuộc sống mỗi người. Và ngoại trừ một số vụ xả súng ở trường học ra thì cuộc sống nội tâm của những đứa trẻ 13 tuổi thật sự không có gì nhiều để khám phá và thăm dò.
Nhưng tôi đã không bỏ qua được những lời nói của Haig. Nghiên cứu của tôi cũng đang dần cho ra một kết quả tương tự. Kể từ khi tôi bắt đầu nói chuyện với những nạn nhân bị trầm cảm và cuộc chiến của họ, tôi cũng đã tìm hiểu thêm về những phương pháp trị liệu, những nghiên cứu khoa học đằng sau chúng, và những trải nghiệm cá nhân. Tôi đã nói chuyện với mọi người ở những nẻo đường khác nhau của cuộc sống, và khi nhìn lại bức tranh toàn cảnh, tôi nhận thấy có một sợi chỉ đỏ liên kết họ lại với nhau.
Khi tôi hỏi họ về lúc mà mọi thứ bắt đầu rạn nứt, nhiều người chỉ điểm về những năm tháng thiếu niên của họ, khoảng thời gian họ còn là những đứa trẻ ở tuổi vị thành niên. Hồi đó, họ không hiểu hoặc không biết về khái niệm thế nào là trầm cảm. Nhận thức về căn bệnh này đến rất lâu sau khi họ đã phải khổ sở. Nhìn vào quá khứ của mỗi người, họ đều rất khổ sở để tìm ra cách diễn đạt những gì đang diến ra bên trong những cảm xúc của bản thân, và tại sao, làm thế nào mà những cảm xúc này lại ở đó. Thấy được cảm xúc thô của bản thân và cố gắng hiểu được chúng cùng những suy nghĩ đã nhạt dần trong ký ức thật sự là một điều không hề dễ dàng gì.
Về cốt lõi, trầm cảm nghe giống như là một đứa trẻ bị mất đi sự hồn nhiên của mình vậy.
Nhưng tôi vẫn đang cố gắng hiểu được những suy nghĩ và cảm xúc thô này, một phần vì sự hiếu kỳ của bản thân, và một phần vì tôi thấy được đang có một mẫu hình chung xuất hiện quanh những câu chuyện này. Mọi người kể câu chuyện của mình, nhưng họ cố gắng kiếm một hình ảnh ẩn dụ nào đó để nói lên nỗi đau của bản thân, cứ như là chỉ lời nói không thì chẳng thể nào diễn tả được hết vậy, và trong số những người tôi đã phỏng vấn, nhiều người đã có cùng một trải nghiệm: Về cốt lõi, trầm cảm nghe giống như là một đứa trẻ bị mất đi sự hồn nhiên của mình vậy.
Sự hồn nhiên ở đây chính là cách mà những đứa trẻ vô tư tồn tại, cách chúng sống thoải mái dưới lớp da của bản thân và ngây thơ tin tưởng rằng mọi thứ đều tốt đẹp và sẽ luôn như vậy. Khi sự ngây thơ này mất đi, lý do không hẳn là vì chúng ta đã lớn lên, mà do đâu đó trên đường, chúng ta đánh mất đi cảm giác rằng bản thân mình xứng đáng. Trải nghiệm này được nhà nghiên cứu Brené Brown miêu tả lại rất chi tiết: Cảm giác hoặc trải nghiệm vô cùng đau đớn khi nhận ra rằng bản thân có rất nhiều thiếu sót, từ đó tự nhận bản thân không đủ xứng đáng để được yêu thương – Một sự kiện nào đó chúng ta đã trải nghiệm, tự bản thân gây ra, hoặc những lỗi lầm trong quá khứ, làm cho chúng ta cảm thấy không còn xứng đáng với những mối quan hệ.
Thật vậy, cảm giác không xứng đáng và mất đi sự hồn nhiên này chính là hình mẫu chung trong những cuộc gặp gỡ của tôi. Tôi nhận thấy rằng khi bạn lột bỏ đi các lớp triệu chứng của bệnh tâm lý – sự thiếu năng lượng, không thể cảm nhận niềm vui, mất đi mục đích sống, lo lắng gặm nhấm, và sự cô lập – thì bạn sẽ thấy được cảm giác cốt lõi đó, chính là sự xấu hổ, và nhục nhã.
Sự xấu hổ và nhục nhã ở đây không phải là theo cái nghĩa mà Sigmund Freud đề ra trong phức cảm Oedipus – những ham muốn biến thái và bốc đồng cơ bản của con người. Sự xấu hổ và nhục nhã ở đây chính là việc tự ghê tởm bản thân và sự bộc phát của những lời tự phê bình, “Mình không xứng đáng, mình không thể nào bằng người khác được, mình không quan trọng, nơi này không thuộc về mình”.
Với những suy nghĩ này trong đầu, chúng ta tự mặc định bản thân là người có lỗi trong mọi chuyện. Và cũng chính những suy nghĩ này là thứ dần khiến cho bạn bị trầm cảm, ngay cả khi cuộc sống vốn dĩ vẫn bình thường đến bao nhiêu.
Nhà phê bình nội tâm trong mỗi chúng ta có vẻ như là luôn đúng và có cảm giác như không thể nào tránh khỏi được, không thể nào bị câm lặng và đã bị hàn sâu trong tính cách của mỗi chúng ta. Nhưng sự thật không phải là như vậy.
Sự xấu hổ lớn lên ở những năm tháng tuổi teen, có khi là sớm hơn. Trong những căn phòng trị liệu tâm lý là những người có vẻ như đã vượt qua được những năm tháng đó nhưng sâu bên trong, họ vẫn còn cảm thấy bản thân mình là cái đứa nhóc dị hợm ở trường, con cừu màu đen, hoặc là cái đứa cố hoài mà vẫn không làm được gì nên hồn. Chúng ta đều có những nhà phê bình nội tâm kiểu đó. Nhưng có những người – những nghệ sĩ, những doanh nhân, những người trầm cảm lâu năm – họ sống gần gũi hơn với những nhà phê bình của họ. Họ bước đi trên phố mà những tiếng nói phê bình đó không còn là những giọng nói trong đầu họ, mà đối với họ, những giọng nói đó đã trở thành cái loa phát thanh. Brené Brown gọi những giọng nói đó là những con quỷ, Arianna Huffington gọi nhà phê bình nội tâm của cô là con bạn cùng phòng khó chịu, còn tôi gọi nhà phê bình của tôi là biên tập viên. Tôi luôn nghe tiếng biên tập viên của mình, lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại những lỗi sai trong câu chữ của tôi, những thứ tôi đã có thể nói mà sẽ làm cho tình huống đỡ bối rối hơn.
Nhà phê bình trong mỗi chúng ta có vẻ như là luôn đúng và có cảm giác như không thể nào tránh khỏi được, không thể nào bị câm lặng và đã bị hàn sâu trong tính cách của mỗi chúng ta. Nhưng sự thật không phải là như vậy. Nhà phê bình này thực chất là sự phán xét của những người khác về bản thân chúng ta, dù là thực tế hay tự chúng ta tưởng tượng ra, và khi tâm trí chúng ta còn mong manh, chúng ta nội tâm hóa những lời phán xét, bình luận này, để chúng hàn sâu thành một nhà phê bình nội tâm. Sau đó, không có sau đó nữa. Những lời đánh giá và nhận xét của người khác có thể không trực tiếp làm chúng ta tổn thương, một nhận xét thoáng qua, một cái nhìn chằm chằm, hoặc một câu bình phẩm đơn thuần nhưng nghe giống chỉ trích thường là đã đủ để cho sự xấu hổ tự khắc ăn nhập vào suy nghĩ của chúng ta, và rồi nó như một con ký sinh trùng, lúc nào cũng bám lấy suy nghĩ của chúng ta, ăn hết đi sự tự tin mà chúng ta đã xây dựng, và quyết không bao giờ rời bỏ chúng ta.
Chúng ta cũng đánh mất đi sự ngây thơ của bản thân khi những niềm tin chúng ta có về cuộc sống bắt đầu lung lay và thay đổi. Một thành viên gia đình rời đi và không quay lại, thế là sự linh thiêng của khái niệm gia đình bỗng nhiên bị phá vỡ. Một sự kiện thế này có thể làm cho chúng ta cảm thấy như chúng ta đã mất đi những nguyên tắc của bản thân, mỏ neo đến bến cảng an toàn cũng đã rời xa chúng ta. Nếu như nhà, nơi mà chúng ta luôn có thể quay về, mất đi sự linh thiêng của nó, thì chúng ta còn có thể đi về đâu và tin ai được nữa? Từ nhỏ đến giờ chúng ta đã bao giờ được yêu thương chưa? Chúng ta còn có thể tin được ai nữa không? Chính sự mong manh này sẽ là thứ làm cho chúng ta cứng rắn và khô cằn hơn với thế giới xung quanh.
Và nếu như cuộc sống ở nhà là chưa đủ thì còn có trường học. Cài cúc áo bộ đồng phục vào, học sinh sẽ được khen nếu trả lời đúng, bị phạt nếu dám nói chuyện trong lớp, học sinh gần như không được tự khám phá sự tò mò và trí tưởng tượng của bản thân. Chúng ta, khi ở trường đều đang được nhào nặn thành một đơn vị của xã hội lý tưởng.
Khá tình cờ, nhưng đa số những người mắc chứng trầm cảm mà tôi phỏng vấn đều là những học sinh cá biệt. Họ cảm thấy chán nản – và giáo viên, hoặc là cố vấn tâm lý nói thế này với họ - rằng họ không có động lực học, hoặc bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) – và nếu thẳng thắn nói ra, thì họ chỉ đang muốn nói rằng cái đứa nhóc này nó lười, bị đần và không muốn học. Những học sinh cá biệt này thường bỏ lớp để ngồi chơi game, để làm gì? Để được ở bất cứ nơi nào khác ngoài lớp học.
Những điều tôi nói trên đây có thể không có gì mới lạ lắm. Tuổi thơ và tuổi thiếu niên đóng một vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa trầm cảm phát sinh sau này. Trị liệu tâm lý thường dựa vào các chứng loạn thần kinh chức năng mà có thể đã được truyền cho chúng ta từ cha mẹ và cách mà chúng xuất hiện trong tiềm thức để ám ảnh chúng ta trong cuộc sống sau này. Nhưng người ta chỉ chú ý đến những thứ nổi trên bề mặt – bí mật gia đình, những cuộc cãi vã thê lương giữa bố mẹ và con cái, mấy ông chú lạm dụng, ông bố nghiện rượu,… - và sau đó họ chỉ gom hết những thứ này lại và cho rằng chúng là những yếu tố di truyền, rối loạn chức năng não.
Chúng ta, con người, thường rất bộp chộp cho rằng trầm cảm là một thứ gì đó thuộc về bệnh lý, trong khi sâu thẳm, cốt lõi của trầm cảm lại là một thứ mang tính cá nhân. Tìm được cái thứ gọi là trầm cảm trong cách mà chúng ta sống mỗi ngày, trong mối liên hệ giữa mỗi cá thể và thế giới sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc cố gắng tìm nó đâu đó trong não chúng ta. Và, có lẽ, thay vì chữa sự khốn khổ này bằng những loại thuốc xịn hơn và mắc tiền hơn, chúng ta có thể ngồi xuống, lắng nghe và hiểu những thứ làm cho chúng ta cảm thấy xấu hổ và tủi nhục, những thứ mà xã hội, những giáo viên, và ngay cả chúng ta, đang bắt những đứa trẻ phải chịu đựng, tại sao chúng ta không bắt đầu bằng việc giúp thế hệ sau này lấy lại sự ngây thơ của chúng?
Một bài học mà tôi đã học được từ tất cả những thứ này là viên thuốc thần kì không hề tồn tại, không có bài tập trị liệu hay tư thế thiền nào có thể chữa lành được những vết thương của chúng ta. Những thứ này có thể giúp ích, tất nhiên rồi, nhưng bí quyết thật sự thì rất đơn giản nhưng lại quá khó để nhận ra và chiêm nghiệm: Bí quyết thật sự chính là nhận ra rằng chi riêng bản thân chúng ta là đã đủ rồi. Rằng chúng ta không hề khác biệt, kỳ lạ, tan vỡ, hư hỏng, lầm lỗi, không được yêu thương hay không đáng thương. Nhưng thay vào đó, chúng ta vẫn luôn xứng đáng, kể cả với những thiếu sót của bản thân, chúng ta mạnh mẽ sau những tổn thương, dũng cảm trong những nỗi sợ hãi, chúng ta đủ tốt, chúng ta đều có tiềm năng, chúng ta độc đáo, tuyệt vời, và chúng ta cũng vẫn đang mò mẫm, cố tìm lấy một chỗ đứng trong cuộc đời này.
Tác giả: Elitsa Dermendzhiyska
Nguồn: Medium
Bản dịch của: Trần Hoàng Khanh - Quora Vietnam
Artwork: Depression by Erik Turner
Yêu là một cảm xúc hay là một lựa chọn?
Yêu là một cảm xúc hay là một lựa chọn ư?
Nó bắt đầu là một cảm xúc, nhưng theo thời gian, yêu dần trở thành một lựa chọn.
Khi mới bắt đầu, chúng ta thường bị nhầm lẫn yêu với phải lòng.
Phải lòng là khi mọi thứ vẫn còn đang mờ nhạt. Bạn không nghĩ theo hướng lâu dài. Nó vẫn chưa bật ra trong đầu bạn. Tất cả mọi thứ mà bạn làm là nhìn vào đôi mắt người đó, nắm lấy tay của họ và nghĩ “Ồ, hóa ra yêu là như thế này.”
Không phải đâu.
Yêu không hề giống nó một chút nào.
Yêu khó hơn thế rất nhiều.
Yêu bắt đầu khi thời kì trăng mật phai dần đi và bạn bắt đầu phải trải qua những điều cơ bản nhất của một mối quan hệ. Đó là khi những đêm dài nằm trên đi văng, những cuộc cãi vã dài hàng tuần liền, những sự hiểu lầm thường xuyên trở thành thứ quen thuộc đối với bạn.
Yêu là khi nhìn vào người đó, bạn nhận ra rằng: Yêu thực ra là một lựa chọn.
Đó là một quyết định có ý thức. Yêu không còn là thứ cảm xúc ấm áp, mơ hồ nữa. Nó trở thành một bổn phận. Nó là yêu kể cả khi bạn không muốn.
Chúng ta thường xuyên tô đẹp và lãng mạn hóa việc yêu, nhưng về lâu về dài, nó cũng chả khác gì một thứ mà ta phải để tâm đến trong cuộc sống thường ngày.
Khi bạn thực sự yêu một ai đó, bạn sẽ chịu đựng được mọi khuyết điểm và tật xấu của họ. Bạn sẽ ở bên cạnh họ dù cho tất cả những gì mà bản thân mình muốn làm là rời đi.
Yêu là cái cách mà bạn nhìn thấy tia sáng trong người bạn đời của mình, dù cho họ có mờ nhạt đi theo năm tháng.
Sau tất cả những đêm và ngày dài, sau tất cả những khó khăn và trở ngại, bạn nhìn vào người mình yêu, người mà bạn chọn để yêu.
Và bạn thầm nghĩ: “Ồ, hóa ra yêu là như thế này đó.”
Yêu là một lựa chọn. Tuy có khó khăn và mệt mỏi, nhưng chỉ cần chọn đúng người, nó có thể trở thành một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất của cuộc đời.
Source: Lee Lin - Quora => https://www.quora.com/Is-being-in-love-a-feeling-or-a-choice/answer/Lee-Lin-40?ch=10&share=e13bbcf7&srid=hNq5N
Bản dịch: Phạm Tuấn Việt - Quora Vietnam => https://www.facebook.com/groups/vietnamquora/permalink/2514581648774956/
Tình yêu đích thực
Một người nào đó thực sự yêu bạn sẽ làm bạn cười, chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc, họ sẽ mang đến sự ổn định và chắc chắn trong mối quan hệ, xoá sạch nỗi sợ hãi, bất an và u sầu của bạn.
Tình yêu đích thực nghĩa là sống trong bình yên, ổn định và hài hoà. Đó là các nguyên tắc cơ bản của một mối quan hệ lãng mạn lành mạnh.
Chúng ta đều biết rằng không có cách dễ dàng để tìm được một người có cảm xúc chín chắn. Sẽ rất thách thức khi tìm hiểu/khám phá một con người, mà người đó sẽ luôn mang đến cho chúng ta cảm nhận thành thật về sự an toàn, người đó sẽ không nói dối hay lừa dối chúng ta.
Tuy nhiên, cũng có một số điều chúng ta cần phải có để đảm bảo sự rõ ràng ngay từ lúc bắt đầu mối quan hệ: không có cơ hội cho những người rụt rè nếu chúng ta nói về tình yêu. Những người thiếu ổn định không thể xây dựng nên một mối quan hệ tốt được.
Điều này có nghĩa là bạn cũng nên đưa ra những thứ mà bạn muốn. Bạn cần phải thành thực với anh (cô) ấy nhưng bạn cũng phải thành thực với chính bản thân.
Chắc chắn rằng những mối quan hệ có thể trở thành cực kỳ phức tạp. Rất khó khăn để có thể tìm được sự cân bằng tuyệt hảo, và bạn sẽ phải vượt qua rất nhiều lần đến khi bạn đủ chín chắn và trưởng thành để biết bạn muốn gì và làm cách nào có được nó.
Bạn cần phải có mong muốn trở thành người tốt hơn/giá trị hơn, và cần tìm được một người sẽ giúp bạn thực hiện điều này. Bạn phải tôn trọng đôi bên và tôn trọng chính bản thân. Và điều này không dễ dàng tý nào cả.
Những mối quan hệ được tạo lập thành công chỉ khi các đối tác trong đó cảm thấy bình an và thoải mái được là chính mình. Sợ hãi không dám thể hiện những gam màu thực là tín hiệu xấu cho mối quan hệ. Tuy nhiên, khi bạn buông bỏ và thể hiện đúng bạn là như thế nào, bạn sẽ cảm nhận đó cứ như là ma thuật ý.
Giờ chúng ta cố gắng phân tích thêm một chút:
Một người yêu bạn sẽ lắng nghe bạn một cách cẩn trọng. Không chỉ là nghe những lời bạn nói ra mà còn phải cố gắng hiểu chúng nữa. Thấu hiểu là một thành tố quan trọng của tình yêu và của cả sự lãng mãn.
Điều đó có nghĩa rằng là đối tác của bạn không nhất thiết luôn phải đồng ý với tất cả những gì bạn nói. Một tình yêu đích thực cần có sự can đảm để nói với đối tác khi bạn không đồng ý với họ. Đồng ý với tất cả mọi thứ, sau cùng là điều không thể.
Giao tiếp là chìa khoá của mối quan hệ. Lắng nghe và nói, đồng thời mong đợi chính điều đó từ đối tác. Nó rất đơn giản nhưng thật đáng ngạc nhiên là nhiều cặp đã phải chia tay chỉ vì những vấn đề bắt nguồn từ giao tiếp.
Chắc chắn không phải ai cũng là người giỏi truyền đạt cảm xúc của mình. Một lời khuyên nhỏ này sẽ giúp bạn tốt hơn: đừng có cố gắng giấu tất cả mọi thứ ở bên trong. Hãy nói điều bạn không thích, điều đó có thể khiến bạn buồn hay giận dữ. Đừng có mong đợi đối tác đọc được suy nghĩ của bạn và cũng đừng có phát điên nếu anh (cô) ấy không làm được điều đó.
Một mẹo khác nữa là: luôn sẵn sàng lắng nghe khi có một người khác phàn nàn/càm ràm. Không có gì là tuyệt hảo, nhưng bạn và đối tác của bạn có thể làm nó tốt nhất có thể.
Ngoài giao tiếp ra, tự trọng cũng là một chìa khoá của mối quan hệ. Bạn không cần phải chứng minh với tất cả mọi người rằng bạn là người tuyệt hảo, bạn chỉ cần biết rõ bản thân bạn là được. Nếu bạn không tôn trọng bản thân và không trân trọng những điều bạn muốn thì sẽ rất khó để bạn có thể nhận biết được người khác có tôn trọng bạn hay không.
Nhưng ở đây cũng có các tín hiệu cụ thể. Ví dụ như khi một người nào đó không rõ ràng hoặc không chắc chắn về cảm xúc của anh (cô) ấy đối với bạn nhưng lại yêu cầu bạn đợi anh (cô) ấy thì đó là một tin xấu. Một người yêu và tôn trọng bạn sẽ tự biết điều này ngay tức thì. Anh (cô) ấy sẽ tôn trọng thời gian của bạn vì thời gian là thứ đáng giá nhất, vậy nên đừng có phung phí làm gì.
Hãy luôn nhớ rằng không ai trông đợi “một loại tình yêu” dựa trên sự bất an, sự bất ổn định, hoặc thao túng. Bình ban và ổn định; nó quan trọng hơn nhiều so với suy nghĩ của bạn.
Không ai mong đợi một mối quan hệ khiến họ sợ rằng đối tác của có thể rời đi bất cứ lúc nào. Sự tin tưởng nằm ở đâu trong mối quan hệ này? Đó đơn giản chỉ là sự thao túng cảm xúc mà thôi.
Một tình yêu chín chắn sẽ đến khi bạn tự tin, điềm tĩnh, kiên định rằng bạn chẳng sợ điều gì cả. Bạn chắc chắn rằng đối tác yêu bạn, và ngày mai anh (cô) ấy vẫn sẽ vẫn yêu bạn. Bạn biết rằng anh (cô) ấy tôn trọng bạn, và bạn cũng tôn trọng anh (cô) ấy.
Và điều quan trọng nhất: khi bạn tìm thấy mối quan hệ chín chắn, tràn đầy yêu thương, bình an và vững chắc, thì làm ơn đừng để vuột mất. Rất nhiều người đã mắc phải sai lầm này vì họ nghĩ rằng họ không xứng đáng được yêu. Đừng có làm điều dại dột đó với bản thân, vì bạn sẽ phải hối tiếc, sớm hay muộn mà thôi.
----
Hay lượn qua FB Thinking Art nên ra bài viết này, đọc thú vị nên dịch chơi đặt ở đây.
Đọc nhiều nhất
-
Xem phim "Analyze This" của Robert De Niro
Hôm nọ có xem cái phim "Analyze This" của Robert De Niro về xem, thấy vui vui, nay giới thiệu sơ sơ với mọi người... -
Đường Định mệnh (Sự nghiệp/May mắn)
Dẫn nhập: ngày trước cũng tò mò về cái chủ đề chỉ tay, rồi xem tay, rồi tự đọc và tìm hiểu loạn xị cả lên, thực ra kết quả chính là để loè g... -
Hiệu ứng domino và bí quyết tạo lập chuỗi các thói quen tích cực trong cuộc sống
Các hành vi của con người đều có mối liên hệ tương tác lẫn nhau Hãy lấy ví dụ về trường hợp của Jennifer Lee Dukes. Sau hơn 2 thập kỷ, từ k... -
Hà Nội đã mở rộng
Lâu rồi không viết cái gì vì bận bù đầu, giờ cũng chẳng hứng thú lắm nhưng lúc chiều đọc thấy cái tin Quốc Hội đã chấp thuận cho mở rộng Hà ... -
Nguyệt Ánh: Chill-out là thương hiệu của tôi
Chủ đề cuộc gặp lần này xoay quanh dự án Nguyệt Ánh Chill-out của Nguyệt Ánh đang được chú ý trên báo chí, trong các forum âm nhạc và cả ở ... -
Để yêu bất kì người nào, hãy làm những điều sau
Hơn 20 năm trước, nhà tâm lý học Arthur Aron đã thành công trong một thí nghiệm vô tiền khoáng hậu: làm cho 2 người xa lạ yêu nhau. Hè năm n... -
Phim: Buddha – Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca
Bộ phim Buddha về cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ đản sanh đến niết bàn. Bộ phim lấy cảm hứng ( hoặc cũng có thể gọi là được chuyển t...
Tham khảo
Liên kết web
Phân loại
Báo chí
(55)
Văn hoá
(33)
Tâm lý
(29)
Tán nhảm
(27)
Công nghệ
(25)
Blog
(17)
Xã hội
(16)
Nghề nghiệp
(15)
Phim
(15)
Quora
(14)
Con người
(13)
Kinh doanh
(13)
Nhạc
(13)
Cuộc sống
(11)
Kỹ năng
(11)
Marketing
(11)
Công cụ
(10)
Lập trình
(10)
Lịch sử
(10)
Sách
(10)
Cặp đôi
(9)
Phát triển
(9)
Thiền
(8)
Tình yêu
(8)
Tản mạn
(7)
Sức khoẻ
(6)
Chính trị
(5)
Giáo dục
(5)
Hạnh phúc
(4)
Kim Dung
(4)
Kiếm hiệp
(4)
Mạng xã hội
(4)
Phát triển cá nhân
(4)
Phần mềm
(4)
Tiền tệ
(4)
Tài chính
(4)
Thực hành
(3)
Tâm linh
(3)
Quản lý công việc
(2)
Quản lý thời gian
(2)
Tiếp thị
(2)
Chăm sóc khách hàng
(1)
Làm việc
(1)
Lãnh đạo cá nhân
(1)
Nguỵ biện
(1)
Quản lý cá nhân
(1)
Thương hiệu
(1)
Tình dục
(1)