Chuyện không đâu ... :(
Khặc, không biết ma quỷ xui khiến hay là làm sao nữa mà lúc 8h sáng, baby đến nhà đón đi làm mình lại nổi quạu khi baby đang trêu chọc mình tý cho vui. Thế là tự nhiên cái chuyện không đâu gây ra một ngày căng thẳng vô cùng, nước mắt nước mũi có, điên đầu có, và cả cái ngón tay cái của mình bị bầm tím cũng có (híc, chắc phải vài tháng nữa mới hết được).
Đúng là chuyện không đâu, đáng ra mình phải cười khì khì bảo đừng chêu nữa, để cắm nốt cái phích điện, ai dè mình lại nổi quạu quát tướng lên. Đến giờ phút này mình cũng không chuyện gì đã khiến mình như vậy lúc 8h sáng nữa. Híc, đầu ngày, đầu tuần, hix... Thôi, đi tắm rồi đến năn nỉ vậy, hix, ....
Một sự lãng phí.... phìn phịt
Mỗi một buổi học, phí phải trả là 90.000 VNĐ, học từ 5h30 - 7h (tối), nghĩa là 90 phút. Làm một phép tính đơn giản là phí phải trả cho 1 phút học ở Apollo là 1000 VNĐ/phút, một mức phí không hề rẻ tý nào (nhưng nếu so với Bristish Council - Hội đồng Anh thì vẫn rẻ hơn một chút).
Trong lớp học có khoảng 10 người, già có (khoảng 40 tuổi), trẻ có (khoảng 17 tuổi). Già không ra già, trẻ không ra trẻ (khoảng 23 - 28 tuổi) thì tất nhiên là nhiều nhất. Và rõ ràng mỗi người một ý, một suy nghĩ, một tầm nhìn nên quan điểm và cách thức học cũng khác nhau.
Riêng cá nhân mình, mình thấy cần học TA (nên mới đến đây học), nhưng cần trả phí đắt một chút để mà xót tiền, học chăm hơn và cũng được dùng dịch vụ tốt hơn (học với người nước ngoài). Và cũng do suy nghĩ của mình nữa, nên vào lớp học thì nếu có cơ hội để nói, trao đổi thì cần tận dụng ngay (và đôi khi giáo viên phải xì tốp mình lại để người khác nói), và mình tự thấy như vậy là hợp lý (và giới già già cũng thấy vậy :D).
Ấy thế mà trong lớp có mấy bé em (có lẽ gọi mấy cháu bé thì hợp hơn), cháu thì đang học cấp 3, cháu đang học đại học, đi học bằng xiền của ba má nên cháu không xót, vào lớp học chat chit (nói chiện nhảm) suốt cả buổi, giáo viên nhắc thì khó chịu, rồi thở dài thườn thượt. Chán!!!! (chả nhẽ buông cho câu: "Làm gì mà thở dài phìn phịt như hoẵng động đực vậy?" - trích câu của nhà văn Chu Lai viết trong "Kẻ ăn mày dĩ vãng", không phải của mình :D).
Bực tý nên viết vài dòng, để lúc nào đọc lại thì lại ... bực tiếp ;)
Thôi, mình cứ giữ nguyên cái nguyên tắc, vào lớp học cứ việc nói khoẻ, ai thích chát chít thì cứ việc, họ không học thì coi như họ trả xiền hộ mình để mình đến đấy "chát chít" với giáo viên người Anh, thats it!!! :D
Tôi 'cực lực' buồn vì U-23 chúng ta thất bại

Trước hết, nói sơ qua về trận bóng chiều tối qua, có lẽ chẳng có gì để nói nhiều ngoài 2 từ PHỌT PHẸT. Chỉ khổ cho cái chú ngồi cạnh mình ở quán cafe, chửi rủa hậu vệ và tiền vệ trung tâm khản cả giọng, đến lúc ăn 3 trái rồi thì đi về, chán không chửi được nữa, thế nên mình cũng không cần "vuốt đuôi" làm gì, chỉ đế thêm 2 từ ở trên là đủ rồi.
Quay lại cái bài viết trên ở VNE, dù chỉ là một bài ngắn (và kèm cả một bài nữa "cực lực" tin tưởng vào U23 và ông Riedl) nhưng cũng toát lên nhiều ý trong đó. Trước Sea Games 23, hẳn các quan chức bóng đá VN mong muốn U-23 đoạt huy chương vàng để che đi cái thực trạng phọt phẹt, mua độ từ CLB đến trọng tài. Nhưng bây giờ thua rồi, chắc sắp tới cơn sóng dữ "bài tiêu cực" mới thực sự bùng to, và sẽ có ối thằng chết, và khối giám đốc sở TDTT đi toi, và chắc báo chí sẽ bán như tôm "càng xanh tươi". Nhưng nghĩ cũng lạ, một cái sự cũ rích (tiêu cực) mà ai cũng biết nhưng lại giả vờ không biết bao nhiêu năm nay bây giờ mới có kịp bục ra, vậy cái gì che dấu bao nhiêu năm? Có lẽ là th... Hị hị, thôi, viết đến đây thì dừng không nhỡ có quan chức nào của Bộ VHTT "lạc" vào đây lại chụp lên đầu tôi cái "phiên thiên ấn" thì chết.
Để kết thúc, xin trích một đoạn trong bài viết trên ra đây hầu quý bạn ghé chơi:
Hỡi các cầu thủ U23, thiếu vắng chiếc HC vàng của các anh, người hâm mộ chẳng còn dịp đua xe đến mất mạng. Giới chức thế là tiêu mất cái kết có hậu cho bản báo cáo cuối năm. Báo chí không còn cơ hội bán chạy như tôm càng xanh. Còn bản thân các anh thì khỏi nói: Không đạt tới cái mốc đã định sẵn là 6 tỷ tiền thưởng.
Trong số các anh, cũng có những người xuất thân nông dân nhưng chắc giờ này chẳng thể biết được món tiền kia lại tương đương với mức đền bù cho 400.000 con gia cầm bị tiêu hủy. Các anh chắc cũng chẳng thể hình dung được rằng số tiền trên có thể xây được 300 căn nhà tình nghĩa do công ty Đầu tư và Phát triển nhà Đồng Tháp lắp ráp bằng vật liệu nhẹ có giá 20 triệu đồng mỗi căn. Giả sử mỗi căn nhà có mặt tiền rộng 4 m, xếp chúng cạnh nhau sẽ được một quãng đường dài 1.200 m. Tức là có thể xây được 3 vòng nhà tình nghĩa bao quanh một sân vận động cho bà con xem bóng đá tẹt ga.
Và thêm một đoạn nữa vậy:
Các quan chức mất cơ hội thể hiện lòng hảo tâm, các nhà hảo tâm không còn dịp tranh giành nhau xem ai có mức độ hâm mộ nhiều hơn, còn người hâm mộ thực sự không được bội thực bởi các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp vì người giàu nhằm ủng hộ đội tuyển bóng đá, tập hợp của những con người mà không ít trong đó tập luyện vất vả đến nỗi lương tháng 10 triệu không đủ tiền ăn, buổi tối khát miếng nước thì căng-tin của trung tâm huấn luyện thể thao Nhổn đã đóng, phải trèo cổng ra ngoài, vẫy taxi chạy một mạch 20 cây số lên tận New Century uống ly Hennessy cho đã cơn.
“Lợi thế không bao giờ tồn tại vĩnh viễn...”
Lợi thế của một địa phương hay một quốc gia không tồn tại vĩnh viễn, nếu ta không khai thác thì đến một lúc nào đó lợi thế ấy sẽ mất đi. Những nơi không có lợi thế nếu họ biết tạo ra lợi thế cho mình thì họ sẽ có năng lực cạnh tranh để phát triển mạnh.
Trên đây là trích dẫn từ bài nói chuyện của ông Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM với Tuổi Trẻ về phát triển kinh tế TP. HCM trong những năm qua và trong tương lai sắp tới. Nhân vài phút rảnh rang trước khi nghỉ trưa nên viết vài dòng về chuyện đội ngũ quản lý VN yếu kém bao nhiêu năm nay mà vẫn không thay đổi, trái lại tình trạng chạy chức chạy quyền, lo lót kiểu "con ông cháu cha" vẫn tiếp diễn và còn mạnh hơn.
Tôi còn nhớ trong những năm đầu của thập niên này, công luận vô cùng lo lắng về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta nói chung và TP nói riêng, khi thực hiện lộ trình cắt giảm thuế theo AFTA, nhất là thời điểm tháng 7-2003 cắt giảm mạnh các dòng thuế nhập khẩu liên quan đến các sản phẩm chủ lực của TP. Nhưng thực tế các doanh nghiệp của TP không những không mất thị trường, “chết” vì hàng ngoại nhập như chúng ta lo lắng, mà ngược lại càng mạnh hơn, thị trường càng mở rộng hơn.
Với cái đoạn ở trên, và cả từ tình hình thực tế chúng ta đều thấy kinh tế tư nhất mới là động lực phát triển của quốc gia, mới là khu vực giải quyết công ăn việc làm nhiều nhất trong xã hội nhưng vẫn bị đối xử phân biệt. Thật là một quốc gia kỳ quặc.
Quý bạn có ghé thăm, xin vui lòng đọc cả bài của ông Tiến sĩ trên về tình hình phát triển kinh tế của TP HCM, đầu tàu KT của Việt Nam tại báo Tuổi Trẻ, và có gì chia sẻ hay "bức xúc", xin cứ cho biết ý kiến (hix, dạo này chỉ thấy bà con đọc, chẳng có ý kiến mấy...)
Nhậu say, trèo lên dây điện, bó tay luôn!!!

"Cái quá khứ đang hãm hiếp hiện tại và có thể hãm hiếp cả tương lai"

Nghe Đỗ Hoàng Diệu trả lời phỏng vấn BBC cũng thấy nhiều cái hay hay, và cái hay hay đấy nó vẫn luẩn quẩn qua lại rất nhiều qua các bài/phỏng vấn khác nhau về chủ đề VN trên BBC. Mà thực ra, hình như xu thế xã hội của VN hiện tại là quá đề cao quá khứ, và lúc nào cũng coi quá khứ là chuẩn mực, ước ao "được quay trở lại", trong khi đó cuộc sống luôn là ngày hôm nay, ngày mai và những ngày sau nữa. Về chủ đề này, tui sẽ quay trở lại khi có dịp.
Trích một đoạn phỏng vấn từ BBC Vietnamese:
Đỗ Hoàng Diệu nói cô không hiểu tại sao người ta lên án khi mà, "Xã hội Việt nam hiện thời có quá nhiều ám ảnh về tính dục và cái quá khứ đang hãm hiếp hiện tại và có thể hãm hiếp cả tương lai".
"Trong một xã hội luôn coi trọng quá khứ và truyền thống, nhất là gần đây những tác phẩm như Hồi ký của Đặng Thùy Trâm được đề cao, thì Bóng Đè trở thành hiện tượng"
Nhân tiện mạch về Đỗ Hoàng Diệu và Bóng Đè, xin post ra đây danh mục một số bài viết về hoặc liên quan đến, để hầu quý bạn ghé thăm. Còn về trận chung kết bóng đá nam SeaGames 23, Việt Nam vừa thua "trắng lưng", chán chẳng buồn nhắc nữa, nghe và đọc loăng quăng về Đỗ Hoàng Diệu và Bóng Đè thay cho SeaGames nhé.
- Lớn hơn số phận đàn bà... : Nhà văn Nguyên Ngọc nói về Bóng Đè và Đỗ Hoàng Diệu
- “Tôi viết đúng với những gì mình có” : Đỗ Hoàng Diệu tâm sự về tác phẩm và về chính bản thân
- So sánh Đỗ Hoàng Diệu với Vệ Tuệ : Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn nhận xét về tác phẩm, xu thế và so sánh Đỗ Hoàng Diệu với Vệ Tuệ ở Trung Hoa
- Sáng tác “Bóng đè”, phê bình “nói mớ” : Nhà phê bình Nguyễn Hoà (Báo Nhân dân) nhận xét về tác phẩm Bóng Đè và các bài phê bình xung quanh. Bài này đã được đăng trên Văn Nghệ Trẻ, sau báo điện tử VietNamNet đăng lại với sự chỉnh sửa của tác giả, không hiểu sao bây giờ VNN đã hạ xuống.
Xem phim của Arnold Schwarzenegger
Dưới đây 2 hai phim mềnh thích nhất của Arnold

Predator (1987)

Terminator 2: Judgement day (1991)
Nếu muốn xem các phim các của Arnold, mời vào đây...
The Godfather
The Godfather - Phần 1 (1972)
The Godfather - Phần 2 (1974)
The Godfather - Phần 3 (1990)
Hành trình về Phương Đông
Tò mò đọc thử thì thấy rất cuốn hút và càng đọc thì càng thấy thú vị. Khi đó cũng không rõ tác giả là ai, chỉ biết đó là một nhóm các nhà khoa học của Anh Quốc (và tất nhiên cũng không biết dịch giả là ai cả - sau mới biết là Nguyên Phong). Đọc xong thì trả, và từ đó cũng không thấy nữa.
Sau đó muốn đọc lại, có ra hiệu sách hỏi (hình như là ở Hiệu sách Tràng Tiền thì phải), thì được cô bán sách ở đó giáo huấn đây là "sách cấm" và không được phép ban hành. Lúc đó cũng thấy lạ, ông bạn nhắc, rồi cô bán sách "dạy dỗ" nhưng tôi chẳng hiểu tại sao lại bị cấm (lúc đó thôi, bây giờ thì không thấy nói là bị cấm). Cho dù nội dung có nhiều chỗ không thể (hoặc chưa thể) chứng minh, nhưng nó đem đến nhiều điều thú vị, và một trong những điều thú vị đó là sự tranh cãi rằng nó có phù hợp với xã hội Việt Nam hay không, hay nó là cấm hay không?
Rồi đến năm 1997, Internet vào Việt Nam và tất cả chúng ta có nhiều cơ hội để đọc, khai thác thông tin và trao đổi nhiều hơn. Lẽ tất nhiên, một cuốn sách thú vị thế này thì kiểu gì cũng sẽ xuất hiện trên Internet.
Tôi cũng đã đọc lại (đọc lướt thôi) từ kha khá lâu rồi, nhưng ngày hôm nay quyết định post lại tại đây để khi nào rảnh rang hơn đọc lại, để ngẫm nghĩ (và cũng có thể lấy làm chủ đề để trao đổi - cãi cọ vậy 😜😆😊).
Tác phẩm "Life and Teaching of the Masters of the Far East" (1935), hồi ký của Dr. Blair T. Spalding (1857 – 1953) Một phần của hồi ký đã được Nguyên Phong chuyển ngữ với tựa đề “Hành Trình Về Phương Đông”.
Nguyên tác có tất cả sáu quyển ghi nhận đầy đủ về cuộc hành trình gay go nhưng lý thú và tràn đầy sự huyền bí ở Ấn độ, Tây Tạng, Trung hoa và Ba Tư. Ba quyển đầu ghi lại những cuộc thám hiểm của phái đoàn từ Anh sang Ấn, sự gặp gỡ giữa phái đoàn và những vị thầy tâm linh sống ở Á châu, và ở dãy Hy Mã Lạp Sơn. Ba quyển sau là những ghi nhận riêng của giáo sư Spalding về các cuộc hành trình. Sự trao đổi kiến thức giữa phái đoàn và các vị thầy tâm linh, với bản tường trình của phái đoàn đã đưa đến những cuộc tranh luận sôi nổi. Cuối cùng thì ba người trong phái đoàn đã trở lại Ấn Độ sống đời ẩn sĩ. Hồi ký của giáo sư Spalding là một công trình nghiên cứu nghiêm túc với nhiều dự kiện được phái đoàn ghi nhận đầy đủ một cách khoa học, và cho đến nay vẫn còn nhiều đọc giả hâm mộ, nhiệt liệt tán thưởng các quyển hồi ký này.
MỤC LỤC:
- Lời nói đầu
- Chương 1: Một người Ấn lạ kỳ
- Chương 2: Người đạo sĩ thành Benares
- Chương 3: Khoa Học Thực Nghiệm Và Khoa Học Chiêm Tinh Bí Truyền
- Chương 4: Trên Đường Thiên Lý
- Chương 5: Thành Phố Thiêng Liêng
- Chương 6: Những Sự Kiện Huyền Bí
- Chương 7: Vị Đạo Sĩ Có Thể Chữa Mọi Thứ Bệnh
- Chương 8: Đời Sống Siêu Nhân Loại
- Chương 9: Cõi Vô Hình
- Chương 10: Hành trình về Phương Đông
Đôi dòng về Nguyên Phong:
Nguyên Phong - John Vu (Vũ Văn Du)
Tác phẩm phóng tác “Hành trình về phương Đông” của tác giả Nguyên Phong quá xuất sắc và khác biệt so với bất kỳ bản gốc nào, nên vào năm 2009 NXB BookSurge Publishing tại New York cùng hai dịch giả Poven Leace và Biện Giang đã liên hệ xin phép Nguyên Phong để dịch ngược sang tiếng Anh với tựa “Journey to the East” với tên Nguyên Phong ở ngoài bìa ở vị trí như một tác giả.
Vậy Nguyên Phong là ai mà độc giả hâm mộ đến như vậy? Ông là John Vu (tên Việt là Vũ Văn Du), giáo sư ngành công nghệ sinh học (Biotechnology) & kỹ nghệ phần mềm (Software Engineering) ở Đại học Carnegie Mellon, Hoa Kỳ.
Các tác phẩm do ông dịch đã được First News xuất bản ở Việt Nam gồm: “Ngọc sáng trong hoa sen”, “Bên rặng Tuyết Sơn”, “Hoa trôi trên sóng nước”, “Minh triết trong đời sống”, “Đường mây qua xứ tuyết”…
Liên kết: Blog của GS. John Vu - Facebook của GS. John Vu (tuy nhiên đã dừng hoạt động do xuất hiện một số cá nhân mạo nhận sử dụng hình ảnh của GS để lừa đảo)
Chương 10: Hành Trình Về Phương Đông
Bức điện tính đến bất ngờ, làm phái đoàn hết sức sửng sốt. Bác sĩ Kavir cho biết một tờ báo ở Luân đôn đã ghi nhận rằng phái đoàn khoa học ưu tú nhất Anh quốc, đã quỳ mọp bên cạnh những đạo sĩ “trần truồng” xứ Ấn để nghe dạy bảo.
Dư luận quần chúng hết sức phẩn nộ, đòi đại học Oxford phải ngưng ngay các cuộc du khảo và triệu hồi phái đoàn trở về để giải thích. Phái đoàn lập tức lấy xe lửa trở về Bomby.
(Ghi chú : Khi đó Ấn độ đang là thuộc địa của Anh, và vấn đề kỳ thị chủng tộc, giai cấp còn rất mạnh) Nhật ký của giáo sư Spalding :
“Thật là bất ngờ khi chúng tôi nhận được bức điện tín, kèm theo đó là một bức thư của Lãnh sự quán Bombay cùng những mẫu báo nói về những giáo sư đại học của Hoàng gia đã “quỳ mọp” bên cạnh những phù thuỷ Ấn mang rợ để nghe dạy bảo. Lời tường thuật đầy ác ý của một ký giả thiếu sáng suốt, đã phá hoại công trình sưu tầm nghiên cứu đang diễn ra tốt đẹp. Làm sao có thể giải thích cho quần chúng hiểu rằng ngoài các phong tục, tôn giáo hỗn độn, phức tạp, hoang đường, mê tín dị đoan còn ẩn dấu các chân lý cao đẹp mà người Âu cần nghiên cứu. Đành rằng Ấn độ đã ngủ say trong bao thế kỷ nay, nhưng trong sự suy đồi vật chất vẫn tiềm tàng một sinh lực tâm linh mãnh liệt đang chờ đợi được đánh thức.
Chúng tôi đã học hỏi nhiều trong cuộc du khảo này, bài học đầu tiên do một người Anh, thương gia Keymakers đã dạy :
- Để nghiên cứu một cách vô tư và khoa học, người Âu cần gạt bỏ lòng tự kiêu, thành kiến văn hoá, chỉ giữ gìn một đầu óc khoa học, phê bình chặt chẽ để có thể xuyên qua rừng người mê tín tìm đến sự thật.
Như một viên ngọc quý cần phải được mài dũa, cuộc đi tìm chân lý cũng thế, chúng tôi đã mất mấy năm trời tìm tòi, gạn lọc mới gặp được các vị đạo sư tiêu biểu cho đời sống tâm linh thực sự của xứ Ấn. Nhờ những may mắn tình cờ, chúng tôi đã gặp các sinh hoạt tâm linh cao thượng mà ít người Âu nào có diễm phúc khám phá. Tất cả những chân lý từ trước đến nay chỉ được truyền bá một cách hết sức bí mật, thận trọng, đã được tiết lộ cho chúng tôi. Là một phái đoàn khoa học, chúng tôi đã phân tách kỹ lưõong, kiểm soát cẩn thận, phê bình chặt chẽ và đặt câu hỏi cho đến khi thật rõ ràng. Mỗi người chúng tôi đều ghi chép vào sổ tay cá nhân riêng những sự kiện quan sát, sau đó chúng tôi cùng nhau kiểm điểm, bàn luận và kiểm chứng lại tài liệu này cho đến khi tất cả đồng ý là chính xác, mới ghi vào hồ sơ chính. Nhờ phương thức này, chúng tôi quả quyết rằng tài liệu ghi nhận hoàn toàn đặt căn bản trên nền tảng khoa học chứ không phải sự tin tưởng hay hiểu biết của một cá nhân.
Chúng tôi hy vọng khi công bố, các kết quả này sẽ là một nhịp cầu thông cảm giữa hai văn hoá và thúc đẩy những cuộc nghiên cứu sâu rộng hơn. Sự kiện vừa qua đã thay đổi tất cả và làm sụp đổ mọi kỳ vọng khiêm tốn nhất. Giáo sư Allen tin rằng nếu chúng tôi trở lại Luân đôn tuyên bố những điều khám phá và giải thích lý do một cách rõ ràng có thể quần chúng sẽ có thiện cảm hơn chăng ? Tôi không nghĩ như thế, hiện tại còn quá sớm để thay đổi một dư luận bắt nguồn từ những quan niệm hẹp hòi, những thành kiến và sự tự hào mù quáng.
Người Âu chỉ nhìn Ấn độ như một xứ chậm tiến, một thuộc địa dốt nát, mê tín đầy những kẻ thất học, chứ nào thấy được những giá trị tinh vi, những khoa học tiến bộ được che dấu cẩn thận dưới ánh nắng thiêu đốt miền nhiệt đới.
Giáo sư Mortimer và nhóm khoa học gia Hoa kỳ có ý muốn tách riêng và tiếp tục cuộc nghiên cứu vì xứ Hoa kỳ dù sao cũng ít thành kiến hơn. Đại học Yale và Harvard sẵn sàng bảo trợ cuộc du khảo, nhất là khi nó đã có kết quả. Với tư cách trưởng phái đoàn, tôi không muốn thấy công trình tốt đẹp bị gián đoạn nhưng cũng không muốn đại học Hoa kỳ hưởng hết kết quả, dù sao tôi cũng là một người Anh, với mọi tự hào về truyền thống Oxford đã đào tạo ra chúng tôi, và chúng tôi muốn tên tuổi nó trong cuộc khảo cứu tiền phong này.
Viên lãnh sự lạnh nhạt tiếp đãi phái đoàn trong căn phòng nhỏ. Y chỉ mẫu báo nói về cuộc nghiên cứu đang trở nên một đề tài hấp dẫn, được báo chí khai thác triệt để :
- Các ông nên biết điều một chút, dù sao các ông cũng là những khoa học gia, giáo sư đại học lừng lẫy, có chân trong hội Khoa học Hoàng gia. Các ông là đại diện cho thành phần danh dự, ưu tú nhất nước Anh… Các ông đã làm mất uy tín Hoàng gia, tại sao các ông không chịu ngồi yên ở Oxford ? Cái xứ nóng bực này có gì đâu để khảo cứu….
Giáo sư Oliver nổi nóng :
- Đó là việc riêng của chúng tôi, anh biết gì mà nói …
Viên lãnh sự nhếch miệng cười nhạt :
- Đó không phải việc riêng của các ông nữa, nó liên quan đến danh dự Hoàng gia, danh dự Oxford. Các ông nên biết tôi cũng xuất thân từ Oxford….
Giáo sư Oliver buột miệng :
- Nếu anh xuất thân từ Oxford thì anh phải biết cuộc khảo cứu này sẽ làm rạng danh đại học của chúng tạ Một ngày nào đó, người ta sẽ nói rằng chính Oxford đã tiên phong trong việc khảo cứu các hiện tượng huyền bí, các môn Yoga….
- Yoga ? Yoga là cái gì ? Ông muốn nói đến một loài thú nào chăng ?
Giáo sư Oliver há hốc miệng, không nói thêm lời nào. Một sự ngờ nghệch như vậy có thể tha thứ được đối với một công dân tầm thường, vô học, chỉ quanh quẩn nơi xó nhà, chưa hề ra khỏi tầm chuông nhà thờ Westminster… Đằng này y là một lãnh sự, đại diện cho Hoàng gia, xuất thân từ Oxford và đã sống ở Ấn độ hơn 6 năm naỵ Viên lãnh sự xem xét thông hành và cho biết phái đoàn phải rời Ấn độ ngay trong tuần lễ sau.
***
Nhật ký của giáo sư Spalding :
Trong khi mọi người trở về khách sạn, chờ đợi ngày lên tàu trở về Luân đôn. Tôi vẫn linh cảm sẽ có một chuyện gì xảy ra. Tôi lang thang trong khu phố Bombay đông đúc, đầu óc mơ hồ, không biết phải làm gì. Tôi cố ôn lại những việc xảy ra trong vòng nửa năm quạ Quả thế, từ hôm thất vọng đi lang thang như thế này trong thành Benares. Tôi đã gặp một người Ấn cao lớn, khác thường đã chuyển giao thông điệp của một Chân Sự Từ đó khắp mọi nơi, phái đoàn luôn luôn được che chở và may mắn gặp gỡ những người dành trọn đời cho việc đi tìm chân lý, những người đã thắng đoạt thiên nhiên, đã chinh phục được các sức mạnh vô hình trong trời đất, đã có quyền năng phi thường… Đúng như lời người đó nói, sự nghiên cứu đã vén mở được những điều phái đoàn muốn tìm kiếm, nhưng mọi người vẫn chưa hài lòng. Chúng tôi ao ước được gặp vị Chân Sư bí mật, một người mà tôi có cảm giác đã quen, đã biết từ một tiềm thức xa xôi nào. Trong giây phút đó, tôi bỗng có một ý tưởng lạ lùng, bằng tất cả sức mạnh tư tưởng tôi ao ước vị Chân Sư bí mật này hãy giúp đỡ chúng tôi, hãy cho chúng tôi gặp mặt.
Đang đắm chìm trong dòng tư tưởng triền miên bỗng tôi giật mình, một cảm giác lạ lùng như một luồng điện chạy dọc theo xương sống, khiến tôi mở choàng mắt ra. Dưới chân một cây cổ thụ cao lớn, cành lá xum xuê, một người Ấn với khuôn mặt phương phi, quai hàm rộng, trán cao, cặp mắt tinh anh có khả năng thu hút người khác. Còn ai vào đây nữa, chính người Ấn lúc đầu mà tôi đã gặp tại thành Benares. Chính người này đã mang thông điệp đầu tiên cho phái đoàn. Tôi vội vã chạy đến mừng như gặp bạn cố trị Người Ấn mỉm cười :
- Thế nào ? Việc nghiên cứu của các ông tốt đẹp chứ ? Tôi hy vọng Brahmananda, Sudeih Babu, Mahasaya, Harishinanda, Hamud El Sari… không làm các ông thất vọng.
Tôi há hốc miệng, không nói được câu nào. Tại sao người này dường như biết tất cả ?
Người Ấn mỉm cười :
- Bạn mến, cách đây nửa năm, bạn có hỏi tôi rằng, các bậc Chân Sư có thật hay không ? Nếu có thật tại sao các ngài không xuất hiện dạy dỗ quần chúng ? Sự ẩn dật đâu có lợi ích gì ? Lúc đó, trong lòng bạn thật sự không lấy gì tin tưởng về sự hiện hữu của những cá nhân đã tiến xa trên con đường đạo. Tôi đã trả lời rằng, vì không biết rõ các ngài nên quan niệm thông thường không thể xét đoán các ngài một cách đứng đắn. Thực ra các bậc toàn thiện luôn luôn xuất hiện để giúp đỡ thế gian một cách lặng lẽ, âm thầm. Đa số mọi người tin rằng các ngài phải hiện ra trong hào quang rực rỡ, với các phép thần thông biến cõi trần đau khổ này thành một cõi thiên đàng. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra…. Khi đó bạn không hoàn toàn đồng ý, là một người Thiên chúa giáo, bạn vẫn nghĩ rằng, đấng Christ đã hứa sẽ trở lại cứu rỗi tất cả… Thực ra đấng Christ có bao giờ rời bỏ chúng ta đâu. Lúc nào ngài chả luôn bên cạnh ta, giúp đỡ chúng tạ Sự tin tưởng rằng ngài sẽ trở lại trong một vầng hào quang sáng chói là một điều không đúng. Chúng ta chỉ quen tìm kiếm thượng đế bên ngoài như một đấng toàn năng có thể giúp ta thoa? mãn những điều mong ước, chứ không chịu tìm kiếm ở nội tâm, nơi ngài luôn ngự trị. Tôi hy vọng sự tiếp xúc với các đạo sĩ trong thời gian qua sẽ giúp bạn một căn bản vững chắc, một niềm tin mãnh liệt để có thể tiếp tục việc nghiên cứu.
Tôi kinh ngạc đến sững người, không những người Ấn này biết rõ tất cả mà dường như còn đọc được tư tưởng người khác. Người Ấn mỉm cười hiểu ý :
- Các bạn đã được chỉ dẫn về khoa Yoga, các phương pháp dưỡng sinh, cõi giới vô hình, môn chiêm tinh bí truyền, các luật vũ trụ, quan niệm về Phàm Ngã và Chân Ngã…. Các bạn đã tỏ ra say mê, thích thú vì đó là điều khao khát bấy lâu nay, đúng không ?
- Tại sao….tại sao ông lại biết rõ như vậy ?
Người Ấn dịu dàng :
- Vì tôi là người được chỉ thị phải giúp đỡ các bạn. Chính tôi đã theo dõi tư tưởng các bạn từ khi phái đoàn vừa đặt chân đến xứ này. Tôi hết sức thông cảm sự bất mãn, buồn phiền, chán nản suốt hai năm đầu , khi các bạn đến thăm các đền đài nguy nga, tiếp xúc với các đạo sĩ nổi tiếng nhưng không học hỏi được điều gì mới lạ. Thay vì gặp các bậc hiền triết, các bạn gặp toàn những kẻ bịp đời, những người giữ chức tước, địa vị thật cao mà công phu tu hành, trì giới lại rất thấp. Thay vì gặp những đạo sư có kinh nghiệm tâm linh, các bạn gặp những tu sĩ miệng nói thao thao như nước chảy mà chả biết mình đang nói gì, hình như chân lý cao siêu mà y trích dẫn từ kinh điển không dính dáng gì đến đời sống an nhà, sung sướng trong các đền thờ đồ sộ của y cả. Tất cả đều là những thử thách cho sự nghiên cứu của các bạn. Một chân lý có giá trị thực sự phải chịu nổi các thử thách của thời gian. Cuộc đi tìm chân lý cũng thế, nó đòi hỏi một sự cố gắng và một tinh thần khoa học, suy xét để gạt bỏ các điều mê tín, các thành kiến. Các bạn đã xứng đáng được truyền dạy những chân lý cao đẹp đó, tôi mới đến gặp bạn tại Benares và chuyển giao thông điệp của một vị Chân Sự Nhờ thế các bạn mới thực sự gặp được những người tiêu biểu cho nền minh triết của Á châu. Tuy nhiên, như tôi đã nói nếu bạn muốn đi xa hơn để gặp các bậc chân sư thì lại khác….
- Ông tin rằng chúng tôi có thể gặp các ngài ?
- Dĩ nhiên, nếu các bạn chọn con đường này, nó sẽ là một cuộc hành trình khác hẳn cuộc hành trình vừa quạ Các bạn sẽ không thể đứng bên ngoài mà nhìn vào, để nghiên cứu, ghi nhận như một khách bàng quang. Cuộc hành trình này phải là một kinh nghiệm cá nhân. Một sự hiểu biết mà không do mình tìm ra. Kinh nghiệm thật ra chỉ là một hiểu biết hời hợt, nông cạn. Sự hiểu biết do người khác mang lại, dù bằng bất cứ phương tiện nào, cũng chỉ là kinh nghiệm của người đó. Ta không thể trông đợi một chân lý đến từ bên ngoài, mà phải biết thế nào là đủ để dừng lại, để trở về. Đi xa tức là trở về, đó mới là con đường đứng đắn. Cuộc hành trình này không như lần trước “đi ra ngoài”, tiếp xúc với các đạo sư, ghi nhận những tinh hoa, soạn thảo tài liệu, mà phải là một cuộc hành trình “trở về”, một cuộc hành trình về phương đông. Các bạn không thể nhân danh phái đoàn đi quan sát, ghi nhận nữa, mà phải là một nhóm người đi tìm chân lý và sống với chân lý đã học được. Trong cuộc hành trình này, các bạn sẽ không được công nhận bởi các đại học, dư luận quần chúng. Danh vọng của bạn có thể bị xuyên tạc, điều bạn học hỏi có thể bị chế nhạo, nghi ngờ. Các bạn sẽ hết sức cô đơn, nản lòng, thối chí, có lúc bạn sẽ sợ hãi và đâm ra nghi ngờ những điều đã xảy ra. Tóm lại, các bạn cần suy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định. Nếu trở về Luân đôn một thời gian, đợi dư luận lắng dịu, các bạn có thể công bố những điều ghi nhận, nhưng mọi người có tin hay không lại là chuyện khác. Nếu muốn tiếp tục, các bạn phải rời bỏ tất cả để làm một cuộc hành trình lên Tuyết Sơn . Đây là giây phút quyết định.
- Nếu chúng tôi muốn tiếp túc cuộc hành trình thì phải làm thế nào ?
Người Ấn mỉm cười :
- Tại sao bạn lại cứ hỏi tôi, phải làm gì ? Tôi phải làm thế nào ? Nếu muốn các bạn chỉ việc lên đường, có thế thôi.
Định mệnh con người luôn luôn có những thay đổi lớn, mặc dù không thấy rõ nhưng chúng ta vẫn vô tình tiến đến mục tiêu đã vạch sẵn. Không đầy hai tuần lễ sau, chúng tôi đã đứng trong làng Potar, ngay sát chân dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ. Chúng tôi đã bỏ lại tất cả, danh vọng, địa vị, đoạn tuyệt với thành kiến, tự ái cố hữu của người Tây phương.
Cuộc hành trình về phương Đông của chúng tôi bắt đầu.
MỤC LỤC:
- Lời nói đầu
- Chương 1: Một người Ấn lạ kỳ
- Chương 2: Người đạo sĩ thành Benares
- Chương 3: Khoa Học Thực Nghiệm Và Khoa Học Chiêm Tinh Bí Truyền
- Chương 4: Trên Đường Thiên Lý
- Chương 5: Thành Phố Thiêng Liêng
- Chương 6: Những Sự Kiện Huyền Bí
- Chương 7: Vị Đạo Sĩ Có Thể Chữa Mọi Thứ Bệnh
- Chương 8: Đời Sống Siêu Nhân Loại
- Chương 9: Cõi Vô Hình
- Chương 10: Hành trình về Phương Đông
Sự ra đời của VnExpress
Thú vị nhất là ở cái cách làm rất Việt Nam (làm sao dùng cho tốt các tài nguyên miễn phí là... các báo giấy :D), nhưng cũng rất sáng tạo và cũng là một case study khá hay về con đường báo chí và kinh doanh dịch vụ nội dung trực tuyến ở VN. Vậy thế nên quyết định post lại toàn bộ nội dung tại đây theo một cách... miễn phí nhất để hầu quý bạn đọc tham khảo chơi :D
Tác giả: Thang Đức Thắng, Tổng biên tập báo điện tử VnExpress.net
Ý tưởng
Vào một ngày tháng 3 năm 2000, tôi đến dự cuộc họp báo do FPT tổ chức tại 89 Láng Hạ với tư cách phóng viên báo Lao Động. Ngồi cạnh tôi, tình cờ, là Trương Đình Anh, Giám đốc FOX. Chúng tôi quen biết nhau từ cuối năm 1995, khi tôi đến làm cộng tác viên cho FPT. Rồi tôi, đại diện cho báo Lao Động, là một trong những khách thuê bao đầu tiên của FOX, sau đó đưa nội dung hàng ngày của Lao Động sang mạng TTVN.
Trong lúc họp, Đình Anh nói nhỏ:
- Anh xem có thể tìm giúp em một nhà báo chuyên nghiệp có thể về làm nội dung Internet cho FOX?
- Làm cái website của công ty thì cần gì nhà báo chuyên nghiệp? - tôi hỏi lại.
- Không phải website công ty, mà là một portal của Việt Nam.
- Anh sẽ tìm người nào đó xứng đáng trong số đàn em. Nhưng cho biết sơ qua, Đình Anh cần một người như thế nào?
- Cần một người, tốt nhất là... như anh!
Tôi nhìn Đình Anh và thấy anh ta nói hoàn toàn nghiêm túc.
Từ lâu tôi đã có mong muốn làm một tờ báo thực sự có ích cho mọi người. Từ khi làm quen với Internet (năm 1998), tôi nhận ra rằng đây sẽ là mảnh đất chưa khai phá cho báo chí. Mình có thể là người đầu tiên làm điều đó? Nhưng tôi hoàn toàn đơn độc. Những người nghe nói về ý định của tôi đều cười, cho rằng, qua rất nhiều năm nữa người Việt Nam vẫn thích mua một tờ báo in giá 1-2 nghìn đồng đọc "vừa tiện vừa rẻ", hơn là nhìn vào màn hình tù mù, chạy ậm ạch, phải trả vừa cước điện thoại, vừa cước Internet. Hồi đó, vào đầu năm 2000, cả Việt Nam có chưa đến 50.000 thuê bao Internet. Báo chí thường xuyên kêu la về tình trạng giá cước cao và băng thông hẹp, bao giờ mới tăng được số người dùng Internet.
Sau đó, chúng tôi thường gặp nhau. Đình Anh hay hỏi về công việc làm báo trong toà soạn và tỏ ra hứng thú khi nghe tôi nói.
Lịch sử báo chí cho thấy, những mốc phát triển quan trọng của nó gắn với các phát minh công nghệ, tạo ra các phương tiện phát hành mới. Johann Gutenberg (1400-1468), người đầu tiên in bằng khuôn đúc, đã tạo tiền đề cho báo in ra đời vào đầu thế kỷ 17. Phát kiến về sóng radio đã dẫn đến sự ra đời của đài phát thanh những năm 1920. Ứng dụng truyền hình đã tạo ra các "báo hình" đầu tiên từ thập niên 1940. Và Internet sẽ phải là một phương tiện thông tin đại chúng hoàn toàn mới trong hệ thống báo chí Việt Nam.
"Anh muốn làm cho một ngày nào đó cả nước Việt Nam vào Internet để đọc báo!", tôi nói. Và có lẽ Đình Anh là người duy nhất ngày ấy đã đồng tình với tôi. "Nhưng không thể với Laodong.com" - Đình Anh nói - "Chỉ với cơ chế như ở FPT, anh mới làm được điều đó..."
Tôi xin cơ quan cho chuyển công tác. Mọi người ở báo Lao Động rất ngạc nhiên. Khi đó tôi là Trưởng ban Thời sự kiêm Trưởng ban Báo Điện tử. Ông Tổng biên tập đề nghị tôi suy nghĩ lại. Cuối cùng, ông đành đồng ý, nhưng với yêu cầu tôi thực hiện nốt phần việc của báo trong công tác tổ chức cuộc thi phần mềm "Trí tuệ Việt Nam", đến tháng 9 mới xong.
Từ tháng 7 năm 2000, tôi và Đình Anh bắt đầu bàn bạc, nghiên cứu tình hình, lập dự án xây dựng báo trực tuyến. Nó phải có nhiều độc giả, phải tự cân đối tài chính, hay nói cách khác nó phải làm ra tiền bạc. Hai nguồn thu phải là quảng cáo và thời lượng của khách hàng thuê bao vào mạng gia tăng.
Đầu tháng 8/2000, chúng tôi đăng quảng cáo tuyển dụng biên tập viên, phóng viên để “xây dựng một tờ báo trực tuyến lớn nhất VN”. Sau đó mới nghĩ tên cho nó: phải là một cái tên có nghĩa liên quan đến báo chí, liên tưởng đến sự tầm cỡ, tính tích cực. Vài tên đầu tiên chọn đăng ký domain đều đã bị sử dụng. Cuối cùng, đến "VnExpress.net" thì được. Nó cũng hợp với những yêu cầu đặt ra.
Kế hoạch kinh doanh
Từ những phân tích của mỗi người, chúng tôi chuẩn bị làm kế hoạch kinh doanh. Ngày 20/9/2000, chúng tôi bảo vệ kế hoạch đó trước ban TGĐ. Trong bài trình bày, điểm mấu chốt nhất là sẽ thu tiền về bằng cách nào? Dễ thấy rằng đó phải là quảng cáo. Nhưng lấy gì làm căn cứ để xác định doanh số (quảng cáo trên mạng còn là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ)?
Tôi thầm khâm phục Đình Anh đã đưa được ra con số cụ thể dựa vào căn cứ sau: Lấy giá quảng cáo trung bình trên một số tờ báo in thông dụng trong nước chia cho diện tích trang báo quảng cáo để ra giá quảng cáo trung bình của một centimét vuông trên báo chí Việt Nam. Từ đó nhân lên diện tích tương ứng của banner và logo để tính ra giá quảng cáo của chúng trên trang báo trực tuyến. Rồi nhân tiếp với số folders (sẽ có) của VnExpress để ra doanh thu dự tính sau 18 tháng. Cộng tiếp với số cước thời gian truy cập gia tăng của khách thuê bao FPT vào xem VnExpress trong tương lai, với tốc độ tăng ước tính là 10% mỗi tháng. Tất cả được trình bày chi tiết theo từng tháng, con số cuối cùng thật ấn tượng và thuyết phục. Phó TGĐ Lê Quang Tiến nói: "Rất được!".
Khi biết nội dung tin trong nước của VnExpress thời kỳ đầu sẽ là biên tập từ các báo đài, anh Trương Gia Bình hỏi:
- Cái gì sẽ là khác biệt của các vị?
- Đó là tốc độ cập nhật và phong cách đưa tin. - Tôi đáp, và thấy ngay trong mắt ban TGĐ một sự nghi ngờ. Biên tập lại từ báo in thì làm sao có "tốc độ cập nhật" được? Còn "phong cách đưa tin" thì thật mơ hồ.
Tôi giải trình, nếu tin tức đưa lên vào buổi sáng, song song với thời gian các báo phát hành đến độc giả, nếu nó được lựa chọn (biên tập) tốt từ tất cả những báo hay nhất, thì nó không những nhanh tương đương thông tin của các báo mà còn đầy đủ hơn so với mỗi tờ báo riêng lẻ. Đó chính là tốc độ cập nhật.
Hơn nữa chúng tôi không có lựa chọn khác. Nếu ngay từ đầu thành lập một toà soạn báo với các phóng viên lành nghề, hoạt động săn tin trên cả nước, sẽ cần một khoản đầu tư khổng lồ. Mà rất lãng phí. Vì những ngày đầu đã có độc giả đâu. Báo chí trực tuyến là con số không. VnExpress hoàn toàn là số không. Chẳng khác nào xây ngay một nhà máy điện vĩ đại, rồi chờ dân số phát triển. Cũng chưa có cơ sở pháp lý nào cho VnExpress hoạt động phóng viên: ở Việt Nam chưa có tiền lệ cấp phép hoạt động báo chí cho một công ty, và chưa biết đến bao giờ mới có, các quan chức kiên quyết lắc đầu.
Chúng tôi thấy, con đường để một ngày nào đó VnExpress có diễm phúc được cấp phép là: trước tiên phải làm sao được xã hội dần dần thừa nhận, coi như một chủ thể báo chí đã tồn tại, không thể phớt lờ. Do đó, mục tiêu là làm sao có độc giả. Mà phải bằng cách ít tốn kém nhất. Vậy tại sao không lấy những tờ báo đã phát hành - một nguồn nguyên liệu sẵn có - chế biến nó thành tin tức hữu ích? Chiến lược ban đầu của chúng tôi là: lấy nguồn tài nguyên miễn phí - chế biến thành hàng hoá!
Chế biến bằng hai nguyên tắc: lựa chọn tin tức theo giá trị của nó, và đưa tin một cách khách quan. Điều đó có nghĩa là tin phải được độc giả chờ đón, khi đưa thì chỉ có sự kiện, không có ý kiến áp đặt của phóng viên. Độc giả sẽ tự phán xét sự việc được nêu là tốt hay xấu, ai đúng ai sai. Vì vậy trong các tin bài sẽ không có những câu kiểu như: "Thiết nghĩ phải...", "Các cơ quan hữu quan cần...", "Chúng ta nhiệt liệt ủng hộ...", "Dư luận căm phẫn trước việc làm sai trái như vậy...", "Công chúng cảm thấy bị xúc phạm bởi...", "Hỡi những người có lương tri..." v.v…
Khi độc giả đọc tờ báo không có sự áp đặt, họ sẽ cảm thấy được tôn trọng, cảm thấy thoải mái tự do trong tiếp nhận thông tin. Sự tự do đó sẽ gây "nghiện" . Và chúng tôi sẽ có độc giả thường xuyên, trung thành.
Hai nguyên tắc trên chính là "phong cách đưa tin" của chúng tôi. Trên thế giới, nó không có gì mới lạ. Nhưng ở Việt Nam, có thể nói là chưa có tờ báo nào làm thế. Họ không lựa chọn tin chỉ theo giá trị của chúng vì, chủ quan hoặc khách quan, họ thường rơi vào hai cám dỗ sau đây. Một là, đưa những tin chỉ có lợi cho số ít những người lãnh đạo toà soạn (thường là lợi về vật chất). Hai là, đưa những tin tuyên truyền làm vừa lòng các cấp chủ quản (cũng là lợi cho lãnh đạo toà soạn, về chính trị), nhưng không có giá trị cho độc giả.
Ban TGĐ, cuối cùng, đã tin vào chúng tôi. Kế hoạch kinh doanh được thông qua.
Cũng tối hôm đó, 20/9/2000, diễn ra lễ bế mạc trao giải thưởng cuộc thi phần mềm Trí tuệ Việt Nam lần thứ nhất. Tôi có mặt để tham gia nhiệm vụ tổ chức và viết bài phóng sự về buổi lễ đầy cảm xúc ấy. Đó là bài phóng sự cuối cùng của tôi cho báo Lao Động.
Xây dựng
Hồ sơ xin dự tuyển biên tập viên gửi đến chất đầy phòng làm việc của Đình Anh, hơn 900 người. Tôi lần lượt đọc kỹ từng tập, chọn ra 240 người để gọi thi viết, chia thành ba buổi vào các ngày 3-4/10. Tôi nghĩ, cách làm báo sẽ khác nhiều so với các báo trong nước, do đó không nhất thiết phải tuyển những người có kinh nghiệm phóng viên. Cần những người thông minh - để tiếp thu mọi việc nhanh chóng và có nhiều ý tưởng; cần tiếng Anh - ngoài những ích lợi thông thường, những người có ngoại ngữ còn có văn phạm chuẩn hơn; và cần văn phong tiếng Việt tốt.
Do đó tôi rất mừng khi thấy quy trình thi tuyển của FPT cũng đúng như thế: IQ, GMAT, English, còn thi chuyên môn - là bài luận bằng tiếng Việt. Sau này, qua những lần tuyển dụng tiếp theo, tôi thấy những người điểm cao nhất thường chính là những những nhân viên có năng lực nhất. Vì thế tôi rất tín nhiệm quy trình thi của công ty và chân thành biết ơn các cán bộ của Phòng nhân sự đã giúp tôi tiến hành tất cả các cuộc thi và chấm thi.
Có hôm, trong phòng thi viết, tôi cầm một đề IQ thử giải, thấy nhiều câu chẳng biết làm thế nào. Nghĩ thầm, "thằng nào ra đề vớ vẩn thật". Sau này, có lần một em phóng viên VnExpress thật thà hỏi tôi: "Hồi anh vào FPT có phải thi IQ không ạ?". Tôi bảo: "Nếu anh mà phải thi IQ thì bây giờ chắc không có bọn em ở đây".
Tôi chấm tất cả hơn 900 bài luận văn, hết gần một tuần. Tôi đọc từng dòng, cố gắng tìm được nhiều thông tin nhất về khả năng, và có thể là cả tính cách nữa, của người viết.
Trong khi đó Đình Anh ráo riết thúc đẩy thi công thêm 200 m2 diện tích văn phòng trong khu nhà 75 Trần Hưng Đạo. 120 m2 sẽ dành cho VnExpress. Nói "xây dựng VnExpress từ số không" quả là đúng cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Từ 12/10, tôi và Đình Anh phỏng vấn 90 ứng viên được mời sau vòng thi viết. Ba ngày liền chúng tôi hầu như ngồi lỳ trong phòng phỏng vấn từ sáng đến chiều...
Hơn 20 người được tuyển dụng tập trung lần đầu tiên vào ngày 30/10. Tại phòng họp tầng 2 ở 89 Láng Hạ, tôi mời họ ngồi thành vòng tròn. Mỗi người lần lượt giới thiệu về mình - quá trình học tập, công tác trước đây, năng lực sở trường... Nhờ đó họ nhanh chóng trở nên thân thiện, gần gũi nhau. Phần lớn là những người vừa tốt nghiệp đại học, rất trẻ, chưa làm báo bao giờ. Đó là những người thông minh nhất mà tôi có thể có được vào thời điểm đó.
Tôi cũng đứng lên tự giới thiệu, nói về kế hoạch xây dựng VnExpress. "Tôi sẽ làm cho các bạn trở thành các nhà báo. Đến ngày nào đó, những gì các bạn viết ra sẽ có hàng nghìn người đọc. Rồi nhiều hơn thế, và có thể ở nhiều nước trên khắp thế giới. Đến ngày nào đó, trên các màn hình máy tính ở mọi nơi sẽ thường xuyên hiện lên cái tên VnExpress...". Tôi nhìn vào mắt họ, và nghĩ, có lẽ họ tin tôi.
Tiếp đó là hai tuần đào tạo nghiệp vụ báo chí.
Diện tích xây thêm ở 75 Trần Hưng Đạo đang định hình từng ngày.
Đình Anh bắt tay vào viết phần mềm biên tập VnExpress. Trong đó có một số yếu tố sẽ mang tính cách mạng đối với báo chí Việt Nam.
Trước hết, đó là cách thức phát hành mỗi bài báo theo con đường độc lập của nó. Tức là các bài báo sẽ không chờ đợi trang báo của nó (ví dụ bài về văn hoá thì phải chờ các bài khác để lên layout trang Văn hoá hoàn chỉnh), và các trang sẽ không chờ đợi số báo của nó. Trước đó, khi nói đến báo chí, nhất thiết người ta phải nói đến tính định kỳ của nó: "Báo của anh là ra hàng tháng, hay bán nguyệt san, hay tuần báo, hay ra hàng ngày?...". Định nghĩa báo, tạp chí trong giáo trình khoa Báo chí Đại học QG Hà Nội viết: "Báo, tạp chí là một loại hình thông tin đại chúng thực hiện các chức năng cơ bản như thông tin, định hướng dư luận, giải trí..., và được phát hành định kỳ". Thậm chí các báo điện tử tồn tại trước đó cũng lên mạng theo "số báo". Ví dụ, người ta còn viết: "báo Nhân Dân Điện tử số ra ngày..."(!). Cách thức xuất bản VnExpress sẽ thể hiện đặc thù phi định kỳ của báo trực tuyến, và đó chính là lợi thế về tốc độ cập nhật thông tin.
Thứ hai, phần mềm này phải cho phép thực hiện một loại hình gọi là "bài báo mở" - tức là bài báo sau khi đã phát hành vẫn còn tiếp tục được cập nhật. Với khả năng đó, VnExpress sau này đã có các hình thức bài "Tường thuật trực tiếp" và "Phỏng vấn trực tuyến".
Thứ ba, cấu trúc website phải giúp giải quyết "bài toán trang nhất". Ngay từ ngày báo in ra đời đến nay, các biên tập viên luôn luôn đương đầu với mâu thuẫn là: làm sao đưa được hết những cái hay nhất của số báo ra trang nhất để mời chào độc giả. Tờ báo càng hay thì càng không thể đưa được hết nội dung ra ngoài. Nhiều tờ báo hiện nay tìm mọi cách cắt xén các bài gần như chỉ còn lại headlines để đưa ra manh mún trên trang nhất. Với báo trực tuyến, trang nhất còn tệ hại hơn, nhỏ hơn: chỉ còn bằng màn hình. Nhiều websites đã cố đưa ra trang home hàng chục, thậm chí cả trăm tít bài, nhưng vẫn không hấp dẫn được độc giả.
Chúng tôi chọn nguyên tắc "Nắm cỏ thơm cho con lừa". Nghĩa là chỉ bằng một nắm cỏ nhỏ bé, nhưng thơm ngon nhất, để dụ con lừa vào kho cỏ mênh mông, trù phú bên trong. Hình tượng "con lừa" ở đây hoàn toàn không có ý coi thường độc giả, mà chỉ là thuật ngữ nói lên tính thụ động của người đọc: họ không có nhiệm vụ phải đọc báo của bạn, họ thụ động và lười đọc báo của bạn vì còn có nhiều thứ hấp dẫn khác.
Do đó mỗi trang chuyên đề bên trong VnExpress chỉ được giới thiệu ra trang nhất một headline với đoạn đầu bài mà chúng tôi gọi là "lead". Việc lựa chọn tin nào, đặt cho nó tựa đề gì, và lead viết ra sao sẽ có thể quyết định số phận của cả trang trong. Tất cả phụ thuộc vào trình độ của biên tập viên.
Tiếp nữa, font chữ trước đó luôn là vấn đề đau đầu của các websites tiếng Việt. Giải pháp của Đình Anh là mạnh dạn chọn Unicode, và VnExpress là website Việt Nam đầu tiên dùng font này.
Ngày 22/11, chúng tôi tiếp quản Newsroom của mình - cả tầng ba vừa xây xong ở 75 Trần Hưng Đạo. Hàng ngày thực tập làm tin, nhưng không đăng đi đâu - chờ chương trình. Mấy tháng liền Đình Anh ngồi một mình viết chương trình. Ngày nào cũng đến 7-8 giờ tối. Có lần đổ ốm, sốt cao mấy ngày.
Ngày 4/12, chúng tôi bắt đầu tập làm tin bằng phần mềm chạy thử mới viết xong. Thỉnh thoảng lại "chết". Có người bối rối: "Tốc độ chạy thử thế này, đến Noel lên mạng được là may". Quả thật - đã không may, đến tận ra Tết, 15/2/2001 VnExpress Editor mới được hoàn chỉnh, nhưng vẫn phải chạy thử.
Ra mắt
Cuối cùng, ngày 26/2, mặc dù còn khiếm khuyết, chúng tôi quyết định "phóng" VnExpress lên Internet.
Đó là một ngày thầm lặng, như những ngày làm việc bình thường khác. Không quảng cáo trên báo chí, không có lễ khai trương, diễn văn và champagne. Chỉ có một thông báo qua e-mail cho các khách hàng của FPT Internet. Nhưng đó là một ngày trọng đại của VnExpress. Chúng tôi bắt đầu theo dõi từng ngày xem có bao nhiêu hits. Liệu những nắm cỏ thơm của chúng tôi có mời chào được ai không? Liệu người ta có hiểu ý chúng tôi để click vào xem tiếp những trang trong? Liệu những tính toán của chúng tôi có đúng không? Hay mọi công sức đều đổ đi hết?... Một trăm, rồi hai trăm máy tính truy cập trong một ngày... Tôi ngồi trước máy tính của mình, muốn nói: "Hãy vào xem đi các vị. Sẽ có nhiều thông tin hữu ích đấy. Hãy xem đi, các vị sẽ hiểu chúng tôi và yêu mến chúng tôi".
Sau tuần đầu, số máy tính truy cập trong một ngày đạt mức 1.000. Các biên tập viên trẻ của tôi ngỡ ngàng vui mừng. Tin họ vừa biên dịch xong có những 1.000 người đọc. Một tuần sau, số độc giả hằng ngày đã tăng gấp đôi... Sau nửa năm, VnExpress có 300.000 độc giả... Phần lớn thư bạn đọc kể rằng họ biết đến VnExpress là nhờ bạn bè giới thiệu.
Đó là những ngày đầu tiên trên con đường tiến tới được xã hội chấp nhận, rồi đến chính quyền phải xem xét lại các quy chế về quản lý báo chí, rồi mở ra những hành lang mới để thừa nhận VnExpress về mặt pháp lý. Qua những ngày đó mới hiểu, tại sao ngày 25/11/2002, khi cầm trên tay tờ giấy màu vàng giản đơn ghi dòng chữ "Giấy phép hoạt động báo điện tử số 511/GP - BVHTT", Đình Anh đã nói: "Tôi thực sự xúc động".
Sau đó, VnExpress được báo giới Việt Nam bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực công nghệ thông tin của năm 2002 "do đã thực sự là một biểu tượng cho sự phát triển nội dung Internet ở Việt Nam".
Những người viết sử thường nhấn mạnh những gian truân lúc sơ khai để đề cao sự việc. Nhìn lại sự ra đời của VnExpress, tôi thấy hầu như không có gian truân gì. Mọi việc nói chung đã diễn ra đúng hoạch định, nhẹ nhàng và thuận lợi. Phần lớn những thuận lợi có được là do cơ chế của FPT. Tôi thấy mình đã may mắn đến với FPT, đã may mắn có những người cộng sự và đồng nghiệp như hiện nay. (Trong trang sử ký này tôi không nêu nhiều tên người, vì như vậy sẽ rất nhiều: để làm tờ báo, cần có một tập thể lớn).
Tôi không hề nghĩ VnExpress là to tát. Ngược lại, tôi thực lòng mong rằng, sau này nhìn lại thấy VnExpress chỉ là một mầm non ban đầu, qua năm tháng biến thành cây đại thụ nhiều cành nhánh sum suê. Cây đại thụ đó chính là hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng hùng mạnh dưới sự điều khiển của tập đoàn FPT.
Fun video: Still loving you & Dregostea din tei
Chú ý: Yêu cầu FlashPlayer đã được cài đặt cho web browser vì toàn là file flash cả.
Still loving you
Ai đã từng là fan của Scorpions hoặc chỉ là của bài hát tuyệt vời này, hoặc là chưa nghe bài này lần nào cũng được, chắc chắn sẽ cười khanh khách khi xem cái clip này
Dregostea din tei
Cóc biết bài này là của band nào, hát bằng tiếng gì nữa, được cái rất bốc và hình như có một số ca sĩ ở VN copy lại đoạn đầu để hát rồi thì phải. Nhớ xem clip lypsync và cả bài gốc nữa nhé, rồi thấy hay ngay D:P
Đọc nhiều nhất
-
Đường Định mệnh (Sự nghiệp/May mắn)
Dẫn nhập: ngày trước cũng tò mò về cái chủ đề chỉ tay, rồi xem tay, rồi tự đọc và tìm hiểu loạn xị cả lên, thực ra kết quả chính là để loè g... -
Phim: Buddha – Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca
Bộ phim Buddha về cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ đản sanh đến niết bàn. Bộ phim lấy cảm hứng ( hoặc cũng có thể gọi là được chuyển t... -
36 câu hỏi để yêu nhau
20 năm trước, nhà tâm lý học người Mỹ Arthur Aron đã tự soạn ra một bộ 36 câu hỏi, với mục đích khiến cho hai người hoàn toàn xa lạ yêu nhau... -
Hiệu ứng domino và bí quyết tạo lập chuỗi các thói quen tích cực trong cuộc sống
Các hành vi của con người đều có mối liên hệ tương tác lẫn nhau Hãy lấy ví dụ về trường hợp của Jennifer Lee Dukes. Sau hơn 2 thập kỷ, từ k... -
10 kỹ năng & nguyên tắc giúp bạn trở thành chuyên gia
Kiến thức là vô cùng quan trọng và một điều tuyệt nhiên luôn đúng là nếu muốn thành công, bạn cần có một nền tảng kiến thức vững chắc. Tuy... -
Ghen tuông có phải là hèn nhát không?
Ghen tuông là rất phức tạp. Nó có nhiều thành phần trong đó. Sự hèn nhát cũng là một trong số đó; thái độ ích kỷ là một phần khác; ham muốn... -
Nếu không có thực lực, bạn chỉ là kẻ ăn bám
Dựa vào núi núi đổ, dựa vào người người chạy, chỉ có tự dựa vào chính mình mới là đáng tin cậy nhất. Ba mẹ có là ông nọ bà kia đi chăng nữa...
Tham khảo
Liên kết web
Phân loại
Báo chí
(55)
Văn hoá
(33)
Tâm lý
(29)
Tán nhảm
(27)
Công nghệ
(25)
Blog
(17)
Xã hội
(16)
Nghề nghiệp
(15)
Phim
(15)
Quora
(14)
Con người
(13)
Kinh doanh
(13)
Nhạc
(13)
Cuộc sống
(11)
Kỹ năng
(11)
Marketing
(11)
Công cụ
(10)
Lập trình
(10)
Lịch sử
(10)
Sách
(10)
Cặp đôi
(9)
Phát triển
(9)
Thiền
(8)
Tình yêu
(8)
Tản mạn
(7)
Sức khoẻ
(6)
Chính trị
(5)
Giáo dục
(5)
Hạnh phúc
(4)
Kim Dung
(4)
Kiếm hiệp
(4)
Mạng xã hội
(4)
Phát triển cá nhân
(4)
Phần mềm
(4)
Tiền tệ
(4)
Tài chính
(4)
Thực hành
(3)
Tâm linh
(3)
Quản lý công việc
(2)
Quản lý thời gian
(2)
Tiếp thị
(2)
Chăm sóc khách hàng
(1)
Làm việc
(1)
Lãnh đạo cá nhân
(1)
Nguỵ biện
(1)
Quản lý cá nhân
(1)
Thương hiệu
(1)
Tình dục
(1)